Vụ BV Hoài Đức: Lập luận mới về trách nhiệm người đứng đầu

(PLO) - Từ kết quả điều tra, cáo trạng truy tố của các cơ quan chức năng cho thấy vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức không khủng khiếp như những tố cáo ban đầu.
Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức- nơi xảy ra vụ “nhân bản” xét nghiệm
Mâu thuẫn lời khai của nguyên Phó Giám đốc
Theo tố cáo ban đầu thì bệnh viện đã vứt bỏ mẫu máu của bệnh nhân, dùng kết quả nhân bản trả cho bệnh nhân, bằng việc ăn bớt này đã thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Kết quả điều tra của CQCA sau đó cho thấy “hậu quả” không khủng khiếp như tố cáo ban đầu. Cáo trạng số 49/CT-VKS-nawngCQCAVKSND TP Hà Nội, đã xác minh được 1.544 kết quả xét nghiệm trùng, trong đó có trên 700 kết quả được đưa vào thống kê thanh toán bảo hiểm y tế và thu trực tiếp của bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) là 16.569.000 đồng. Số tiền này được đưa về bệnh viện và được chia vào khoản tiền hỗ trợ tăng thêm cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện.
“Việc nhân bản trên là để trả cho bệnh nhân ngoại trú hoặc cho nhân viên các khoa khác với mục đích là để khoa xét nghiệm và các khoa khác đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế, không có hậu quả về sức khỏe, tính mạng con người”- Cáo trạng của VKSND TP Hà Nội khẳng định.
Tại kết luận điều tra số 413/KLĐT- PC 46 (Đ9) của CA TP Hà Nội khẳng định, bị can Nguyễn Thị Nhiên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách khoa xét nghiệm khai là có biết việc kỹ thuật viên khoa xét nghiệm ký vào các phiếu xét nghiệm huyết học khi trả cho bệnh nhân, cho nhân viên các khoa khác đến xin mà không qua kỹ thuật viên trưởng và việc này đã có báo cáo Giám đốc bệnh viện, nhưng Giám đốc không chấn chỉnh, xử lý.
Trong các bản tường trình và các văn bản kêu cứu, bị can Nhiên luôn khẳng định là: “không biết việc làm sai của nhân viên khoa xét nghiệm, không biết có việc nhân bản”.
Việc này mâu thuẫn với kết luận điều tra đã nêu, bị can Nhiên không biết việc làm sai của nhân viên khoa xét nghiệm thì căn cứ vào đâu lại khai là đã phát hiện sự việc và báo cáo tại các cuộc họp giao ban nhưng Giám đốc không chấn chỉnh xử lý? Về những mâu thuẫn này, các chuyên gia làm luật khi được hỏi đều có chung quan điểm là cần phải được làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như truy tố oan sai.
Lập luận mới về trách nhiệm người đứng đầu bệnh viện
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định: “Về mặt khoa học pháp lý, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không thuyết phục”.
 Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu
Theo luật sư này phân tích thì ông Liêm là Giám đốc bệnh viện kiêm Bí thư Đảng ủy. Vì vậy trong quá trình công tác chuyên môn tại bệnh viện đã có phân công nhiệm vụ cho các thành viên là Phó giám đốc phụ trách các khoa, phòng, ban và bộ phận hành chính.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhiên được phân công phụ trách trực tiếp khoa Xét nghiệm và 1 số khoa khác, trong đó Trưởng khoa Xét nghiệm là bác sĩ Vương Thị Kim Thành cùng kỹ thuật viên trưởng là Phan Thị Oanh chịu trách nhiệm chính trực tiếp.
Như vậy, trách nhiệm trực tiếp không phải là trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện vì Giám đốc phải phụ trách chung 16 khoa, phòng ở bệnh viện, phải thay mặt cơ quan thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, việc quản lý các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động khác của bệnh viện đều thông qua các Phó giám đốc chỉ đạo trực tiếp và báo cáo Giám đốc trình ký những vấn đề đã qua thẩm quyền của cấp dưới cũng như cơ quan hữu quan (Bảo hiểm xã hội) nên việc quy kết và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với Giám đốc trong trường hợp này là không đúng với cơ chế quản lý phân công, phân nhiệm cụ thể của Đảng ủy cơ quan và Ban Giám đốc.
Theo luật sư Thiệp phân tích thì trong vụ việc này ông Liêm là người đứng đầu cơ quan và phải chịu trách nhiệm hành chính. Là Bí thư Đảng ủy, ông Liêm phải chịu trách nhiệm chính trị về việc để cấp dưới thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật. Vì vậy việc áp dụng các chế tài về hành chính, chịu kỷ luật về trách nhiệm Đảng viên mới phù hợp pháp luật cũng như tiền lệ ở Việt Nam từ trước tới nay.
Phân tích về mặt khách quan, luật sư chỉ ra rằng: Việc Giám đốc bệnh viện không biết, không thể biết những vụ việc in khống kết quả xét nghiệm (kết luận điều tra và cáo trạng cũng khẳng định như vậy) nên không thể quy kết là thiếu trách nhiệm trong vấn đề này vì trách nhiệm đã phân công trong hệ thống các bệnh viện ở Việt Nam từ tuyến trung ương đến tuyến huyện chưa bao giờ Giám đốc phải kiểm tra từng phiếu xét nghiệm trong hồ sơ bệnh án cả.
Việc cố ý làm sai các quy định về khám chữa bệnh của những nhân viên của trực tiếp phụ trách khoa Xét nghiệm mới là nguyên nhân gây ra hậu quả, có mối quan hệ nhân quả gắn với yếu tố lỗi của những người này nên họ mới là chủ thể độc lập chịu trách nhiệm hình sự.
Về chủ quan, luật sư Lê Văn thiệp phân tích rằng ông Liêm không thiếu trách nhiệm, không buông lỏng quản lý mà vấn đề là quản lý không hiệu quả, không nắm bắt được việc làm sai của cán bộ khoa xét nghiệm.
“Hành vi trực tiếp xâm phạm vào quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám chữa bệnh được Luật Hình sự bảo vệ là do những bị can khác gây lên, có mối quan hệ nhân quả, có liên quan của họ chứ không phải do ông Nguyễn Trí Liêm vì ông Liêm không chỉ đạo họ, không ép buộc họ, không biết việc họ làm, và không thể biết thì làm sao buộc ông Liêm chịu trách nhiệm hình sự?”- LS Lê Huy Thiệp khẳng định.

Đọc thêm