Chị Nguyễn Thị Chi (ngụ Tiền Giang, nạn nhân trong một vụ đổi vé số “nhân bản”) cho biết, gia đình chị có bốn miệng ăn, hai đứa con nhỏ, chồng làm phụ hồ thu nhập mỗi ngày khoảng 120 ngàn đồng nhưng không ổn định.
Hàng ngày chị phải vượt mấy chục km lên TP Tân An để bán vé số dạo ở các quán cà phê, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 150 - 200 tờ, trừ các khoản chi tiêu chỉ dư được khoảng hơn 100 ngàn đồng, nhưng có ngày lại bị lừa mất đến 600 ngàn đồng vì vé số giả.
Một ngày cuối tháng 11/2013, chị đang đi bán trên đường Trương Định (phường 2, TP Tân An), khi đến gần một quán cà phê, có một thanh niên ăn mặc như học sinh cấp ba, trên vai mang ba lô học sinh kêu chị lại mượn sổ dò.
Sau khi dò xong, anh ta bảo: “Em trúng giải ba con số của đài TP.HCM rồi chị ơi, kỳ này em có tiền đi học rồi”. Nói xong đối tượng đưa ba tờ vé số trúng thưởng yêu cầu chị đổi. Chị Chi kiểm tra lại lần nữa, thấy trùng khớp nên yên tâm lấy 600 ngàn đồng đưa cho đối tượng rồi tiếp tục đi bán.
Một số tờ vé số bị tẩy xóa |
Đến chiều, mang ba tờ vé số trúng thưởng đến đổi. Chủ đại lý kiểm tra phát hiện các vé số trên đã bị làm giả bằng hình thức photocopy màu, xem như hôm đó chị lỗ nặng.
Còn nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An), cho biết: Khoảng 10h ngày 30/11, chị đang đi bán vé số trên đường Nguyễn Cửu Vân (phường 4, TP Tân An) khi đến gần một quán cà phê, có một thanh niên thấp người, “đóng thùng” lịch sự, chạy xe tay ga màu đỏ bóng loáng, dừng ngay trước mặt, hỏi mua mấy tờ vé số.
Nhưng trước khi mua, người này lại yêu cầu cho mượn sổ dò, vừa dò đến giải ba con thì reo lên: “Vé số của em trúng rồi chị ơi, giải ba con số của đài Vĩnh Long, chị có tiền đổi không”.
Nói rồi cậu ta đưa cho chị bốn tờ vé số. Dò thấy đúng nên chị đưa 800 ngàn đồng tiền bán vé số từ tối hôm trước. Nhận tiền xong, chàng trai rồ ga chạy đi mất, không mua giúp chị tờ nào. Đến chiều mang đến đại lý đổi chị mới phát hiện bốn tờ vé số đã bị tẩy xóa, in lại số trúng.
Có những ngày, chỉ riêng tại Tân An đã có 5 - 6 người bán vé số bị một đối tượng giả là học sinh, lừa đổi trúng thưởng giải ba con số của đài Tiền Giang. Người ít nhất bị lừa trúng một tờ, nhiều đến năm tờ.
Tội nghiệp nhất là cụ bà Nguyễn Thị Hà (68 tuổi, quê Quảng Ngãi) mới sáng sớm đã bị lừa đổi mất 800 ngàn. Những người cùng nhà trọ cho biết bà cụ tiếc của, buồn đến nỗi cả ngày hôm sau không đi bán nữa, nằm liệt ở phòng.
Theo anh Nguyễn Thanh Phong, chủ đại lý vé số Phong (trên đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, TP Tân An), hơn một tháng nay, hầu như ngày nào khách hàng của anh cũng bị bọn chúng lừa đổi vé không trúng thành trúng. Riêng đại lý của anh đã có trên 10 bạn hàng bị lừa đổi vé số giả, bằng hình thức tẩy xóa số không trúng, sau đó in, dán số trúng.
Đặc biệt có trường hợp đối tượng sử dụng công nghệ cao “nhân bản” vé số trúng thưởng bằng hình thức photocopy màu. Vé số bị làm giả loại này có nét chữ và hoa văn không được sắc nét, bị nhòe, giấy mỏng, mềm và màu sắc đậm hơn tờ gốc. Còn vé số bị tẩy xóa, khi đưa mắt kính vào kiểm tra phát hiện những chữ số nhỏ, nổi trên nền giấy, nét đều nhau; nay bị mờ đi, có chỗ mất số luôn.
Hầu hết những người đi bán vé số dạo trên địa bàn TP Tân An đều là dân ngoại tỉnh như Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Ngãi…và một số ở các huyện lân cận. Họ đều chung hoàn cảnh nghèo, khó khăn, đông con, không có ruộng vườn, nghề nghiệp không ổn định. Họ vào đây thuê phòng trọ, rủ nhau 5-7 người ở chung một phòng để giám bớt tiền thuê ở, tiền điện, nước và các chi phí khác.
“Trong lúc bán vé số mà gặp phải bọn lừa đảo thì coi như nhịn đói, nhiều người đã bị như vậy rồi, thậm chí một người còn bị nhiều lần, “nghèo còn mắc cái eo”, một nạn nhân tâm sự. Dù hoang mang, giận bọn “ác nhân đang tâm cướp của người nghèo” nhưng họ vẫn phải tiếp tục rảo bước mưu sinh, chỉ mong “trời thương” cho buôn bán yên bình để chắt chiu từng đồng lẻ sống qua ngày.