(PLO) -Trong tiết lạnh của buổi sáng giao mùa, Hai Thân (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn chiếc áo phong phanh, ngồi chồm hổm trên chiếc ghế cóc, mặt nặng chình chịch, đưa ánh mắt, nhìn phin cà phê nhỏ từng giọt xuống chiếc ly, nói trỏng: “Giá cà phê bèo bọt thế này thì nông dân tụi này chết chắc..."
|
Nông dân Lê Văn Quắng (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cho rằng, cà phê rớt giá làm anh phải tái nghèo. |
Tiếc thời hoàng kim
Từ tay trắng, nhờ đẹp trai, sức vóc, Hai Thân lấy được vợ giàu (con gái của một nông dân ở thị xã Long Khánh – Đồng Nai). Vì vậy, sau đám cưới, vợ chồng hai Thân có được gần chục cây vàng làm vốn lận lưng. Năm 1990, vợ chồng Hai Thân vào ấp 8 mua đất lập vườn cà phê.
Năm 1994, vườn cà phê của Hai Thân bước sang năm thứ 4. Tuy vậy, anh cũng thu gần 4 tấn cà phê nhân/2ha và bán với giá 45ngàn đồng/kg. Thêm một năm nữa cà phê được giá, Hai Thân liền mua thêm được 1 ha đất liền kề để mở rộng diện tích trồng cà phê .
“Khi cà phê được giá, tui làm cùi cụi vẫn không thấy mệt. Cà phê đến ngày thu hoạch thì vợ chồng túc trực ngoài vườn để canh trộm. Còn khi hái thì không để xót một hạt trên cành, dưới đất. Một tấn cà phê nhân lúc đó giá trên 10 cây vàng. Vàng lúc đó chỉ 400 ngàn đồng/chỉ thôi, tui không ham sao được” - Hai Thân tươi rói nét mặt nhớ lại.
Nghe Hai Thân nói vậy, nông dân Bảy Xinh vỗ đùi kêu đét, khoái chí nói: “Thời đó, khi cà phê được giá, nông dân tụi này muốn mua bao nhiêu đất cũng được chỉ sợ không đủ sức mà làm thôi. Vì rủng rỉnh tiền bạc, nông dân liền sắm DH đỏ, cúp 81, Draem 2 làm phương tiện đi rẫy. Hứng chí thì rủ nhau nhậu bia chai Sài Gòn cho đã đời. Vậy mà vợ con chẳng một tiếng phàn nàn, giận lẫy một lời. Người ít vốn hơn thì lên Lâm Đồng, sang Bình Phước mua đất trồng cà phê để nuôi giấc mộng đổi đời. Lúc ấy, nông dân trồng cà phê như tụi tui được các nông dân trồng bơ, điều, màu ngưỡng mộ lắm nên mặc sức nổ”.
Ấp 8, xã Phú Tân vốn là vùng đất di cư của người Hoa (Nùng), nông dân Hoa chính là người đặt cây cà phê đầu tiên xuống vùng đất đá này trước nông dân Miền Tây, Miền Trung, Miền Bắc. “Đất trồng cà phê lý tưởng nhất vẫn là vùng Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất…Chính vì vậy, khi giá cà phê tăng cao người trồng cà phê ở Long Khánh, Xuân Lộc phất lên nhanh chóng. Riêng dân mình chỉ hưởng lộc trời một phần nhỏ thôi. Vì cà phê của mình mới kiến thiết, kinh nghiệm trồng của nông dân mình không bằng họ, mùa nắng đất ở đây rất hóc …”- nông dân Vòng A Ban khiêm tốn nói.
Rồi anh bước thấp, bước cao rời quán nước bà Năm Ú miệng lẩm nhẩm: “Một người hái được 100 kg cà phê tươi/ngày. Chủ rẫy phải trả công cho người hái công hái mất 20% sản phẩm, tương đương 120 ngàn đồng. Sao mà không tiếc cho được”.
Nỗi niềm cà phê rớt giá
Cà phê mất giá, người nông dân trồng cà phê phát “khùng” như anh Ban không hiếm. Bởi theo nông dân trồng cà phê, với giá cà phê nhân 30 ngàn đồng/kg thì một mẫu cà phê trung bình thu được 3 tấn nhân. Trong khi đó, nông dân phải chi phí hơn 40 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tưới chống hạn. Ngoài ra, còn phải phải đầu tư rất nhiều chi phí khác như: Công chăm sóc, làm bồn, hái, lãi ngân hàng trong suốt một năm. Vì vậy, nông dân càng tính toán chi li thì càng thấy lỗ nặng.
|
Để giảm bót chi phí, nông dân tự thu hoạch cà phê của vườn mình, không cần thuê mướn lao động. |
“Điện ở đây rất yếu nên tưới vừa tốn công, vừa kéo dài. Người nào nóng ruột nên chọn phương án tưới dầu thì chi phí tăng cao hơn. Năm vừa rồi gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo, riêng năm nay, giá cà phê như vậy, tui lại tái nghèo”- nông dân Lê Văn Quắng (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán) nói.
Để cảm nhận được vị đắng của niên vụ cà phê 2013-2014 thảm hại vì giá, chúng tôi về thủ phủ cà phê Xuân Lộc, Long Khánh tìm hiểu sự tình. Nhìn cà phê đỏ chói trên cây, nông dân Lê Tâm (ấp 1, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) trải bạt sơ sài, méo mặt tuốt.
Nông dân Lê Tâm bộc bạch, vụ cà phê năm nay, một mẫu rưỡi cà phê năm thứ 10 của gia đình ông tính ra thu không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Hiện tại, ông lo lắng nhất là số tiền nợ ngân hàng đang đến gần khi năm cũ gần kết thúc.
“Những năm trước nông dân tụi tôi vay tiền ngân hàng để đầu tư cho cà phê trả nợ rất xòng phẳng. Tình hình này, nếu thu hoạch xong cà phê mà phòng phẳng với ngân hàng thì nông dân tụi tui không còn tiền để sống, tái đầu tư. Chính vì vậy, tui mong sao ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ để cứu nông dân trồng cà phê tụi tui”- nông dân Lê Tâm, đưa đôi tay dính đầy nhựa cà phê lên đầu gãi theo thói quen. Rồi ông dùng chân, tay vỗ, đá bao cà phê tươi (cho chặt để may miệng) như muốn trút tất cả sự bực tức vào nó.
Khác với thái độ của ông Lê Tâm, nông dân Hồ Ngọc Hải thì điềm tĩnh tỏ bày. Anh Hải nói: “Cây trồng nào cũng vậy cũng có lúc giá thu mua cao ngất ngưởng giúp người trồng thắng lớn. Đến khi giá hạ tột đỉnh thì nông dân thua lỗ triền miên. Tuy vậy, dù thua lỗ nông dân cũng không nên chặt phá cà phê, kiên trì đeo bám chờ giá tăng trở lại. Như 1,8 mẫu cà phê của tui, tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều trong chờ vào nó. Nay giá thấp, tui chỉ bán cà phê khi cần chi tiêu những cái cần thiết trong gia đình, số còn lại để dành. Dù thua lỗ tui cũng không hạn chế đầu tư cho cà phê. Nếu nông dân bỏ đói cà phê lúc này là bội bạc với nó và lỗ lại càng lớn hơn”.
Cây cà phê cùng với các cây trồng khác như: Tiêu, màu, nấm…từng bước giúp người Chơ ro trong ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh) thoát nghèo, sung túc. Tuy vậy, do diện tích cây cà phê không nhiều của từng hộ dân trong ấp nên khi cà phê rớt giá, người trồng cà phê ở ấp Lác Chiếu vẫn có nỗi niềm riêng.
Nông dân Thổ Lu nói : Bà con Chơ ro của ông không phải là đại gia cà phê. “Nhà nhiều thì hai mẫu, ít thì vài sào thôi. Nhà nào giàu thì trữ lại chờ giá, người khó thì bán khi vừa thu hoạch xong. Nhà nước bỏ ra rất nhiều tiền, công sức để dạy cho bà con mình trồng cà phê đó. Chính vì vậy, dù cà phê mất giá mình vẫn quyết giữ vườn, chịu khó đi xa làm thuê mướn để có tiền chăm sóc cho nó xanh, khỏe, xum xuê trái vụ tới”- nông dân Thổ Lu thật cái bụng mình tỏ bày.
Nhìn các nông dân mệt mỏi tuốt những chùm cà phê chín đỏ rơi xuống bạt nhựa lụp bụp, miệng thì lẩm nhẩm tính toán nợ ngân hàng, tiền học cho con, tiền phân bón bị các đại lý hối thúc…chúng tôi cũng chạnh lòng với họ. Cà phê rớt giá, nhiều đại lý thu mua, ký gửi cà phê gặp khó khăn hoặc phá sản nên người trồng cà phê cũng bị hệ lụy khi lỡ giao những hạt cà phê cho họ giữ.