Dấu ấn sự trưởng thành trong 15 năm qua
Trên cơ sở Nghị định số 93/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Quyết định số 2101/QĐ-BTP ngày 04/11/2008 Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã được ban hành để thành lập một đơn vị mới của Bộ Tư pháp.
15 năm qua, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, từng bước đạt được kỳ vọng của Ban cán sự Đảng, Vụ là đơn vị đầu mối để tham mưu giúp Bộ trưởng hoạch định chiến lược, chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về xây dựng, thẩm định VBQPPL; thực hiện quản lý nhà nước về công tác pháp chế.
Nhìn lại chặng đường 15 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã có nhiều thay đổi và trưởng thành trên các khía cạnh sau đây:
Trước hết, là sự phát triển về chức năng, nhiệm vụ và cùng với đó là sự lớn mạnh về tổ chức bộ máy của Vụ. Theo đó, trên cơ sở các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ, cùng với việc mở rộng chức năng, nhiệm vụ, Vụ được tổ chức gồm 04 phòng chuyên môn. Đội ngũ cán bộ Vụ được kiện toàn mạnh, trình độ, năng lực xử lý công việc của cán bộ không ngừng được nâng cao, đặc biệt tập thể cán bộ luôn phát huy được sự đoàn kết, nhất trí. Hiện nay, công chức của Vụ là một trong những đơn vị có số lượng nhiều nhất.
Tiếp đến là hoạt động chuyên môn của Vụ ngày càng bài bản, sắc nét hơn, có những đóng góp quan trọng cho Bộ, cho Ngành. Có thể điểm qua một số thành tích nổi bật mà Vụ đã đạt được trong 15 năm qua như sau:
Thứ nhất, Vụ đã tham mưu trình Bộ trưởng trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản QPPL (Luật 2015) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL (Luật 2020); tham mưu trình Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-Cp. Việc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản QPPL nêu trên nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản QPPL; pháp chế, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ hai, thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng trong đề xuất những định hướng lớn trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật với 02 hoạt động nổi bật là công tác đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và việc tham mưu xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Qua đó, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tham mưu cho Bộ đề xuất với Đảng, với Chính phủ nhiều định hướng chiến lược quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; qua đó đã được ghi nhận, làm cơ sở cho việc tiếp tục phát triển thành quan điểm chỉ đạo chính thức trong các Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Kết luận số 01-KL/TW ngày 04 tháng 4 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW nêu trên và mới đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.v.v…
Thứ ba, công tác lập và triển khai thực hiện các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Chính phủ đã được Vụ tham mưu thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn; đi sâu vào nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách để bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi; mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp lựa chọn lĩnh vực trọng điểm, xác định thứ tự ưu tiên, tạo sức bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, kịp thời đề nghị điều chỉnh chương trình cho sát với đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn. Việc theo dõi tình hình soạn thảo văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được thực hiện thường xuyên hơn; đề xuất cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, qua đó tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Thứ năm, Vụ đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật. Qua đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam đã được các Tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ sáu, hoạt động quản lý nhà nước về công tác pháp chế được quan tâm và đẩy mạnh đã có tác động tích cực; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác pháp chế được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; hoạt động tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế được chú trọng. Nhờ đó, chúng ta đã tạo được sự ổn định tương đối về mặt tổ chức cũng như duy trì được mạng lưới đội ngũ đội ngũ những người làm công tác pháp chế ở trung ương và địa phương lên tới 9.747 người; duy trì được mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, công tác xây dựng pháp luật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Thời gian 15 năm xây dựng và trưởng thành, một quãng thời gian không quá dài so với cả chiều dài lịch sử của ngành Tư pháp, nhưng cũng đủ để Vụ VĐCXDPL kịp ghi dấu ấn của mình trên nhiều lĩnh vực công tác của ngành. Mỗi cán bộ, công chức của Vụ có quyền tự hào với những gì đã làm được; cũng đủ tiền đề và sự tự tin để bước tiếp chặng đường trước mặt.
Phát triển hơn nữa trong thời gian tới
Trong bối cảnh từ nay đến năm 2025 là thời kỳ quan trọng, tiền đề trong thực hiện Chiến lược Phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, như vậy, thì vai trò của Bộ Tư pháp nói chung và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật nói riêng trong việc tham mưu giúp cho Đảng, Nhà nước về công tác pháp luật là vô cùng quan trọng.
Để đáp ứng được nhiệm vụ đó, giải pháp trong thời gian tới đặt ra đối với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đó là:
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu thật kỹ, nhận diện cho được những vấn đề lớn đặt ra cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phục vụ công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; cần nắm chắc các tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách của Đảng để có thể vận dụng, tham mưu đề xuất cho Đảng, Chính phủ đúng và trúng những vấn đề mang tầm chiến lược trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm đúng định hướng và phù hợp với thực tế nước ta.
Thứ hai, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp căn cơ để tăng cường năng lực cho các Bộ, ngành, địa phương trong công tác xây dựng pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật mang tính liên ngành rất cao, do đó một mình Bộ Tư pháp làm tốt thì chưa đủ, mà phải làm thế nào để các Bộ, ngành, địa phương cũng làm thật tốt công tác này.
Thứ ba, tập thể công chức của Vụ cần nỗ lực nhiều hơn, phát huy hơn nữa năng lực, trách nhiệm; sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái; xây dựng một tập thể vững mạnh; tập thể lãnh đạo Vụ cần thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, năng lực chuyên môn; kỹ năng thực hiện công việc cho công chức trong Vụ, đặc biệt là truyền cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn lên cho đội ngũ công chức trẻ.
Thứ tư, tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nâng tầm vị trí, vai trò của Vụ, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay.
15 năm cũng là một dấu mốc lịch sử để tập thể Vụ nhìn lại những việc đã làm được, biến chặng đường ấy trở thành động lực, thành hành trang. Từ đó phấn khởi, tự tin xác định tốt hơn vai trò, vị trí của mình, nỗ lực rèn luyện, học tập, xây dựng đơn vị mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, đoàn kết kỷ luật; đổi mới, sáng tạo để thực hiện hiệu quả công việc được lãnh đạo giao; bước vào chặng đường phát triển mới với nhiều thành công hơn nữa.