Vụ chìm ca nô tại Cần Giờ (TP HCM): Điều tra bổ sung có đáp ứng được yêu cầu?

(PLO) - Theo dự kiến, hôm nay (26/11), TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” đối với bị cáo Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vũng Tàu Maria) và Đinh Văn Quyết (Giám đốc Cty CP Vũng Tàu Maria). Vụ án đã từng hai lần bị TAND TP HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề cốt yếu trong việc định tội.
Hiện vẫn chưa có căn cứ khẳng định phương tiện mất an toàn từ trước khi vận hành
Hiện vẫn chưa có căn cứ khẳng định phương tiện mất an toàn từ trước khi vận hành

Tuy nhiên, theo một số luật sư thì nội dung điều tra bổ sung đã không được đáp ứng như yêu cầu của Tòa. Không biết tại phiên tòa này, HĐXX sẽ đánh giá như thế nào về những chứng cứ được Cơ quan CSĐT đã bổ sung trong thời gian qua?

Hai lần trả hồ sơ để làm rõ phương tiện có mất an toàn hay không

Theo cáo trạng, ngày 02/8/2013, tại Cty CP Việt Séc, Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đã điều động tàu BP 12-04-02 (đăng ký của lực lượng Bộ đội Biên phòng - PV, sử dụng sai mục đích, chở quá số người quy định, hành trình ra vùng không được phép hoạt động,... không đảm bảo an toàn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 người chết. 

VKSND TP HCM cho rằng, Vũ Văn Đảo biết rõ tàu BP 12-04-02 được thiết kế sử dụng vào mục đích tuần tra, đi ở vùng sông-vịnh và chở được 12 người nhưng vẫn điều động tàu sử dụng không đúng mục đích, đi vào vùng biển không được phép hoạt động và chở 28 người (quá số người cho phép 2,5 lần). Còn Đinh Văn Quyết biết rõ về tình trạng an toàn, hành trình được phép của tàu BP 12-04-02 nhưng khi được Đảo chỉ đạo sử dụng tàu để đi đón khách ở Tiền Giang đã phân công chỉ đạo ông Phạm Duy Phúc sử dụng tàu để đi chở người. Ông Phúc là người trực tiếp điều khiển tàu BP 12-04-02 gây tai nạn nhưng do đã tử vong trong vụ tai nạn nên Cơ quan CSĐT không khởi tố.

Liên quan đến vụ án này, TAND TP HCM đã từng hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó nhấn mạnh: “Cần phải trưng cầu giám định và có kết luận giám định tàu BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng”.

Tuy nhiên, sau nhiều lần CQĐT trưng cầu giám định và đề nghị giải thích kết luận giám định thì hiện nay, Bộ GTVT chỉ có thể kết luận tác nhân dẫn đến lật phương tiện là do “mất ổn định của phương tiện khi bị ngoại lực tác động không trở về tư thế ban đầu. Những nguyên nhân dẫn đến mất ổn định, gây tai nạn lật phương tiện là do chở quá số người cho phép, cộng thêm phương tiện đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn”.

Đặc biệt, cơ quan giám định khẳng định: “không có đủ cơ sở khẳng định phương tiện BP 12-04-02 có đáp ứng tiêu chuẩn ổn định cân bằng ngay từ khi sản xuất và trước khi vận hành hay không”.

Đối chiếu với quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, ông Đảo cho rằng tội phạm chỉ xảy ra khi nguyên nhân gây ra tai nạn là do phương tiện giao thông đường thủy “rõ ràng không bảo đảm an toàn”, dẫn đến hậu quả 9 người chết. Trong tất cả các kết quả giám định, báo cáo điều tra tai nạn và kết luận điều tra mới đây… không hề nêu dấu hiệu về việc phương tiện “không bảo đảm an toàn” trước khi đưa vào sử dụng. Thực tế, phương tiện không hề có dấu hiệu nào cho thấy có sự mất an toàn khi thực hiện chở người. Còn việc tàu bị tai nạn do chở quá người, đi vào vùng biển, sử dụng sai mục đích… (như cáo trạng nêu) chỉ là điều kiện hoạt động của phương tiện chứ không phải phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn trước khi đưa vào sử dụng. 

Hơn nữa, ông Đảo không phải là người có quyền cho phép hay không cho phép đưa tàu BP 12-04-02 vào sử dụng nên không phải là chủ thể của tội phạm theo Điều 214 BLHS 1999. Nếu chứng minh được phương tiện rõ ràng không bảo đảm an toàn thì người chịu trách nhiệm là cơ quan đăng kiểm phương tiện chứ không phải người sản xuất hay người đi mượn phương tiện.

Ai là người chịu trách nhiệm về việc tàu chở quá số người, đi vào vùng nguy hiểm?

Phủ nhận hành vi “điều động”, ông Đảo cho rằng ông không có quyền điều động vì tàu đang thuộc quyền quản lý của Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu (bàn giao cho Biên phòng đưa vào sử dụng từ ngày 10/6/2013, Phòng đăng kiểm Hải quân đăng kiểm ngày 16/7/2013) nên không ai có thể điều động tàu này ngoài người của lực lượng vũ trang.

Chính vì phương tiện tài sản của quân đội nên ông Đảo từng nhiều lần có ý kiến khẳng định đã có vi phạm về thẩm quyền điều tra vụ án. Ngay từ năm 2014, liên ngành Công an, VKSND, TAND TP HCM đã họp và thống nhất sơ kết vụ án đề nghị chuyển chuyển vụ án cho CQĐT Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra xử lý. Việc chuyển vụ án đã không diễn ra như thống nhất trên và Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vẫn điều tra, ra kết luận. Theo ông Đảo thì chính vì việc điều tra không đúng thẩm quyền nêu trên đã dẫn đến việc điều tra thiếu khách quan, toàn diện, dẫn tới oan sai cho ông và ông Quyết.

Cũng trong năm 2014, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM có văn bản gửi CQĐT hình sự Quân chủng Hải quân khẳng định “hành vi phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” không tách rời khỏi hành vi sai phạm trong việc đăng kiểm”. Tuy nhiên, sau đó, CQĐT hình sự Quân chủng Hải Quân đã nêu rõ “đăng kiểm ghi sai tên vật liệu không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả vụ tai nạn” nên đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự. 

Như vậy, nếu không có sai phạm trong đăng kiểm thì Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng cần phải đình chỉ điều tra vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”. Tuy nhiên, để tiếp tục lôi các bị can vào vòng tố tụng, Cơ quan CSĐT lại cáo buộc ông Đảo, ông Quyết về hành vi “sản xuất tàu” và “đưa công nghệ mới PPC vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam” và “tàu chưa được Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm”.

Sau khi cả hai hành vi này đều bị coi là không có căn cứ thì hiện, Cơ quan CSĐT và VKSND TP Hồ Chí Minh mới  “quay” qua cái gọi là hành vi “điều động” chở quá số người cho phép đi vào vùng biển có thời tiết xấu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, ông Đinh Văn Quế (nguyên Phó Chánh Tòa hình sự TANDTC) cho rằng, việc “chở quá số người cho phép” không phải là lỗi của ông Đảo và ông Quyết mà đó là lỗi của người lái tàu. Hồ sơ vụ án không có chứng cứ nào thể hiện ông Đảo hay ông Quyết đã trực tiếp “ra lệnh” cho lái tàu (ông Phúc) chở quá số người cho phép đi vào vùng biển có thời tiết xấu. Thực tế, ông Đảo không đi cùng tàu BP 12-04-02 và cũng không biết có thời tiết xấu trên ở vùng vịnh Đồng Tranh (không phải vùng biển) trên đường đi. Hơn nữa, ông Phúc (lái tàu) hoàn toàn có thể từ chối điều khiển tàu khi thấy tàu thiếu an toàn khi xuất bến. Vì vậy, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do lỗi của người điều khiển (đã chết) chứ không phải do phương tiện không đảm bảo an toàn.

Theo ông Quế thì tuy đã bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng kết luận điều tra và cáo trạng mới vẫn không đề cập đến vấn đề quan trọng mà Tòa đã yêu cầu làm rõ là: phương tiện không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng như thế nào?

Không biết trong phiên tòa lần này, HĐXX sẽ nhận định như thế nào về vấn đề đã từng yêu cầu điều tra bổ sung trước đây 3 năm? 

Đọc thêm