Làm ăn bất thành
Từ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, Cty Thiên Hoàng (số 88 thôn Ngọc Đại, xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) đề nghị và được Cty Việt Mỹ (thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) tiếp nhận làm cổ đông mới theo phương án chuyển nhượng 60% cổ phần của Việt Mỹ cho Thiên Hoàng. Qua nhiều lần làm việc và họp Đại hội đồng cổ đông, đến ngày 01/7/2010 thì 2 công ty chốt được phương án chuyển nhượng cổ phần.
Ngày 2/7/2010, các cổ đông Cty Việt Mỹ lần lượt ký 03 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Cty Thiên Hoàng. Cụ thể, theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2010, ông Đỗ Đăng Hường chuyển nhượng 19.544 cổ phần với giá 19.544.000.000 đồng; Hợp đồng số 02/2010, ông Nguyễn Văn Tiến chuyển nhượng 14.101 cổ phần với giá 14.101.000.000 đồng; Hợp đồng số 03/2010, ông Dương Quang Hiện chuyển nhượng 7.155 cổ phần với giá 7.155.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền Cty Thiên Hoàng phải thanh toán cho 03 hợp đồng chuyển nhượng cổ phần là 40.800.000.000 đồng.
Trong quá trình thanh toán, Cty Thiên Hoàng không thực hiện đúng thỏa thuận, đã nhiều lần thanh toán nhỏ lẻ, từ ngày 22/6/2010 đến ngày 16/9/2010 mới thanh toán và chuyển vào tài khoản cá nhân ông Nguyễn Văn Tiến (Tổng Giám đốc Cty Việt Mỹ, trú tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm) tổng số 33.904.097.000 đồng. Như vậy, Thiên Hoàng còn thiếu, chưa thanh toán cho Việt Mỹ 6.895.903.000 đồng. Trong khi đó, ông Tiến đã thanh toán đủ số tiền chuyển nhượng cổ phần cho các ông Đỗ Đăng Hường và Dương Quang Hiện.
Sau nhiều lần thương lượng, đàm phán, ngày 23/08/2012 ông Tiến đã khởi kiện Cty Thiên Hoàng ra Tòa án để giải quyết. Tại Bản án sơ thẩm số 02/2013/KDTM-ST ngày 28/08/2013 của TAND tỉnh Hưng Yên và Bản án phúc thẩm số 06/2014/KDTM-PT ngày 09/01/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC đều tuyên Cty Thiên Hoàng phải trả hết 6.895.903.000 đồng cho Cty Việt Mỹ. Sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 14/2/2014 Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định thi hành án số 97/QĐ-CCTHA để thi hành bản án nêu trên.
|
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên TGĐ Cty Việt Mỹ |
Trong khi việc thi hành án đang được tiến hành thì bất ngờ ngày 17/3/2014, TANDTC có Công văn số 46/TANDTC-KT yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên hoãn thi hành Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 06/2014/KDTM-PT ngày 09/01/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội để có thời gian xem xét Bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm. Trên cơ sở đó, ngày 18/3/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định hoãn thi hành án số 02/QĐ-CTHA thời hạn 03 tháng, kể từ ngày 18/3/2014.
Tiếp đó, ngày 18/6/2014, Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa ký Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2014/KN-KDTM đối với Bản án số 06/2014/KDTM-PT ngày 09/1/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội: “Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 06/2014/KDTM-PT ngày 09/1/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2013/KDTM– ST ngày 28/8/2013 của TAND tỉnh Hưng Yên; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật”.
Bình luận về kháng nghị này, nhiều luật gia cho rằng thiếu căn cứ pháp lý. Một trong những lý do thiếu thuyết phục mà TANDTC dựa vào để ra bản kháng nghị là cơ quan này cho rằng trong tháng 2/2010, Cty Việt Mỹ đã vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Mỹ Hào 3.524.243.350 đồng. Sau đó, khi sáp nhập Thiên Hoàng và Việt Mỹ, Ban lãnh đạo mới (thực tế là Ban lãnh đạo Cty Thiên Hoàng) phải trả nợ cho ngân hàng số tiền này. Qua đó cho rằng, cộng cả hai khoản 33.904.097.000 đồng và 3.524.243.350 đồng, Thiên Hoàng đã thanh toán cho cá nhân ông Tiến 37.428.574.576 đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy số tiền 3.524.243.350 đồng mà Cty Việt Mỹ (lúc đó do ông Tiến đại diện) vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam thời điểm đó đã được chi dùng vào phục vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị. Sau này, Thiên Hoàng tiếp quản thì đương nhiên được hưởng thành quả sản xuất kinh doanh và phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trả khoản nợ trên. Khoản nợ này thuộc về pháp nhân Cty chứ không phải thuộc về các cổ đông của Cty. Trên thực tế, các cổ đông Nguyễn Văn Tiến, Đỗ Đăng Hường và Dương Quang Hiện cũng không hề trao đổi với Cty Việt Mỹ về việc các cổ đông sẽ chịu các khoản nợ này thay cho Cty Việt Mỹ.
Đồng thời, các cổ đông này cũng không trao đổi với Cty Thiên Hoàng rằng sẽ lấy tiền nhận chuyển nhượng cổ phần để trả nợ cho Cty Việt Mỹ. Hơn nữa, trong hồ sơ vụ án cũng không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng tỏ việc các cổ đông này đồng ý để Thiên Hoàng lấy tiền thanh toán chuyển nhượng cổ phần để trả nợ cho Cty Việt Mỹ.
Thêm nữa, một tài liệu trong hồ sơ thể hiện rất rõ trách nhiệm trả khoản nợ cho Ngân hàng Công thương Chi nhánh Mỹ Hào không thuộc về các cổ đông (Tiến, Hường, Hiện) là “Biên bản bàn giao dư nợ tại các tổ chức tín dụng” lập hồi 15giờ 30 phút ngày 19/7/2010 đã xác định ông Nguyễn Văn Hồng (đại diện Cty Việt Mỹ) thanh toán khoản nợ này cho ngân hàng.
“Tôi không hiểu dựa vào tài liệu, chứng cứ nào trong hồ sơ vụ án mà lại cho rằng khoản nợ này cổ đông phải chịu, rồi suy diễn vô căn cứ cho rằng Cty Thiên Hoàng đã thanh toán cho chúng tôi tổng cộng là 37.428.574.567 đồng. Thực tế họ nợ tổng giá trị của 03 hợp đồng là 40,8 tỷ đồng, nhưng mới thanh toán được 33.904.097.000 đồng, còn thiếu 6.895.903.000 đồng phải trả cho chúng tôi. Việc rõ như ban ngày, ai cũng thấy điều đó, vậy mà TANDTC lại có bản kháng nghị hết sức vô lý, không công bằng và thiếu căn cứ kia, gây ra rất nhiều thiệt thòi, khó khăn cho chúng tôi” - ông Tiến bức xúc.
Qua nghiên cứu thực tế và xem xét kỹ các tài liệu kèm theo trong vụ án, theo chúng tôi, hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử chính xác, công bằng, đúng thực tế khách quan và bảo đảm đúng pháp luật. Việc TANDTC ra bản Kháng nghị giám đốc thẩm số 23/2014/KN-KDTM, tạm đình chỉ thi hành bản án, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Hưng Yên xét xử lại cần được xem xét một cách khách quan, đúng pháp luật và khắc phục kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.