Vụ “Cố ý gây thương tích” tại Sóc Sơn: Tờ điều trị “đá” bệnh án

(PLO) - Trước những mâu thuẫn trong việc xác định thương tích của bị hại, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã buộc phải trả hồ sơ vụ án “Cố ý gây thương tích” cho VKSND huyện Sóc Sơn để điều tra bổ sung. Nhưng quá trình điều tra bổ sung này lại xuất hiện thêm nhiều điểm mâu thuẫn và vô lý mới…
Đống gạch đầu ngõ nhà, nơi bà Ngân bị ngã vào trưa 5/7/2015.
Đống gạch đầu ngõ nhà, nơi bà Ngân bị ngã vào trưa 5/7/2015.

Bỗng nhiên có thêm “vỡ chỏm xương”

Như PLVN đã từng thông tin, xuất phát từ tranh chấp đất, giữa gia đình bà Lê Thị Ngân (SN 1947) và gia đình Bùi Thị Hiền (SN 1971, cùng trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) xảy ra xô xát, cãi vã. Sau đó, bà Ngân bị ngã xuống đống gạch, phải vào viện cấp cứu. Theo Kết luận giám định pháp y của Trung tâm Pháp y Hà Nội thì bà Ngân bị tổn hại 25% sức khỏe do “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái”.

Cho rằng Bùi Thị Hiền đã kéo ngã bà Ngân, gây nên thương tích trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn (CQĐT) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Hiền về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong khi đó, bị can thì liên tục kêu oan và cho rằng bà Ngân đã trượt chân và tự ngã.

Ngoài ra, các luật sư bào chữa và chồng bị can Hiền cũng có đơn khẳng định rằng bị hại không hề bị “vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái” vì nhiều tài liệu trong hồ sơ bệnh án thể hiện bệnh nhân Ngân chỉ bị “trật khớp vai trái”. Không hiểu sao, Giấy chứng thương của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sóc Sơn (cấp cho CQĐT) lại có thêm thương tích rằng “ X-quang: vỡ chỏm xương cánh tay trái”.

Đáng nói, việc cấp Giấy chứng thương này đã bị Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn và LS Hoàng Mạnh Trường (Công ty Luật TNHH Trường Lộc) phản bác và cho là sai quy định vì Luật Khám bệnh và Chữa bệnh không hề cho phép Bệnh viện cấp “Giấy chứng thương” cho CQĐT (nếu để phục vụ công tác điều tra thì CQĐT có thể mượn “hồ sơ bệnh án” tại chỗ để đọc hoặc sao chép).

Đáng lẽ phải căn cứ vào toàn bộ hồ sơ bệnh án của bị hại để thực hiện giám định (theo quy định tại Luật Giám định tư pháp) thì cơ quan giám định lại dựa vào Giấy chứng thương, mà giấy này lại thể hiện sai hồ sơ bệnh án. Chính vì vậy, các LS đều cho rằng việc giám định trên là sai quy trình, không khách quan, giám định “thừa” thương tích, gây oan sai cho bị can Hiền.

Phim X-quang “biến” đi đâu?

Trước những mâu thuẫn trên, TAND huyện Sóc Sơn đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung “xác định kết quả chụp X-quang của bị hại để làm căn cứ giám định pháp y thương tích đối với bà Lê Thị Ngân”. Như vậy, Tòa án đã thấy việc giám định khi không có kết quả chụp X-quang (chứng cứ thể hiện dấu vết của thương tích) là một thiếu sót nghiêm trọng.

Tại Công văn trả lời, BVĐK Sóc Sơn cho biết, bệnh nhân Ngân chụp X-quang, được bác sỹ (BS) chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh Vũ Tiến Hoành đọc kết quả phim chụp X-quang chỉ phát hiện được “trật khớp vai trái”. Khi BS Liệu xem phim X-quang thì phát hiện bệnh nhân Ngân có thêm tổn thương “vỡ chỏm xương cánh tay trái” và mời BS Hoành cùng hội ý, cả hai thống nhất kết luận kết quả của bệnh nhân Ngân là: Trật khớp vai trái, vỡ chỏm xương cánh tay trái… 

BVĐK Sóc Sơn xác nhân bệnh nhân Ngân có bị vỡ chỏm xương cánh tay trái, nhưng do lỗi ghi chép chưa đầy đủ của BS, vì vậy đã ghi thiếu phần vỡ chỏm xương cánh tay trái của bệnh nhân. Từ nội dung này, CQĐT và VKSND huyện Sóc Sơn vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, cáo buộc bị can Hiền đã gây vỡ mỏm xương cánh tay trái của bà Ngân. 

Theo trả lời của BVĐK Sóc Sơn thì BS Liệu là người đọc phim và phát hiện thấy bệnh nhân Ngân bị “vỡ chỏm xương”.  Nhưng vô lý ở chỗ, chính BS Liệu ghi và ký các Phiếu xét nghiệm sinh hóa máu, Phiếu xét nghiệm huyết học hay “Chẩn đoán khi vào Khoa Điều trị” cho bệnh nhân Ngân thì lại chỉ kết luận là “trật khớp vai” chứ không hề có nội dung nào là “vỡ chỏm xương” cả.  Còn Phiếu chăm sóc bệnh nhân ngày 5/7 (do y tá ghi) tại phần “thực hiện y lệnh” cũng chỉ thể hiện “nắn trật khớp vai” chứ không có biện pháp nào nhằm điều trị “vỡ chỏm xương”. Hồ sơ cũng không thể hiện có việc hội ý giữa BS Hoành và BS Liệu ngày 5/7.

Ngoài ra, tại Bệnh án Ngoại khoa ngày 9/7 thì Trưởng khoa Ngoại cũng chỉ ghi “cấp cứu: trật khớp vai; khi vào Khoa Điều trị: trật khớp vai; ra viện: Bệnh chính là trật khớp vai”; tại Giấy ra viện (Phó Giám đốc Bệnh viện và Trưởng khoa Điều trị ký) ghi “trật khớp vai trái, vết thương tay, gối’…

Không biết BVĐK Sóc Sơn, CQĐT và VKSND huyện Sóc Sơn lý giải ra sao về việc trong hồ sơ bệnh án chỉ có bút tích của BS Liệu là thể hiện bệnh nhân bị “vỡ mỏm xương” ở Tờ điều trị, còn tại các tài liệu khác có bút tích của BS Liệu hay bút tích của các BS cùng khoa, BS chẩn đoán hình ảnh, y tá và cả các “sếp” của bà Liễu đều không ghi nhận về thương tích này mà chỉ ghi nhận trật khớp vai?

Đọc thêm