Hà Nội: Lật lại hồ sơ vụ án “Cố ý gây thương tích” ở Sóc Sơn

(PLO) - Từ kết quả giám định thương tích của bà Lê Thị Ngân (SN 1947, trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) là “trật khớp vai, vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái hạn chế động tác khớp vai mức độ vừa” (tổn hại 25% sức khỏe), Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam đối với chị Bùi Thị Hiền (SN 1971) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Đống gạch đầu ngõ nhà, nơi bà Ngân bị ngã vào trưa 5/7/2015.
Đống gạch đầu ngõ nhà, nơi bà Ngân bị ngã vào trưa 5/7/2015.

Tuy nhiên, nhiều tài liệu cho thấy: việc giám định thương tích trong vụ án này là sai quy trình và mức độ thương tích của bị hại không trầm trọng như kết luận nêu trên.  

“Cú ngã” ở đống gạch

Trưa 5/7/2015, bức xúc trước việc đòi đất nhưng không được giải quyết, chị Hiền đã thuê xe ô tô chở gạch đổ ở đầu ngõ đi vào nhà anh Lê Văn Thương (người đang bị gia đình chị Hiền kiện đòi đất). Trong lúc hai bên xảy ra cãi vã, xô xát thì bà Ngân (mẹ anh Thương) đi từ nhà ra, trèo lên đống gạch và bị ngã từ đống gạch xuống phải vào viện cấp cứu.

Theo Kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) huyện Sóc Sơn và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Sóc Sơn thì sở dĩ bà Ngân bị ngã như trên là do chị Hiền đứng dưới đống gạch cầm tay trái của bà Ngân kéo mạnh làm bà này bị ngã, đập phần người  bên trái xuống đống gạch.

Theo Kết luận giám định pháp y số 460/TTPY ngày 31/8/2015 của Trung tâm Pháp y Hà Nội, bà Ngân có thương tích “các sẹo nông mờ gối phải và trái: 1%”  và “trật khớp vai, vỡ mẻ chỏm xương cánh tay trái hạn chế tác động khớp vai mức độ vừa: 25%. Tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 26%”. Từ đó, chị Hiền đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “cố ý gây thương tích”.

Tuy nhiên cho đến nay, bị can vẫn liên tục kêu oan và cho rằng bà Ngân đã lao vào định nắm cổ áo chị nhưng trượt chân và bị ngã chứ không phải bị “kéo ngã” như quy kết trong Kết luận điều tra và cáo trạng.

Giám định có đúng quy trình?

Ngay trước phiên tòa này, Luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn và LS Hoàng Mạnh Trường (hai LS bào chữa cho bị can Hiền) đã có văn bản đến một số cơ quan liên quan cho rằng việc giám định thương tích trong vụ án này không đúng quy định.

Cụ thể, Trung tâm Pháp y Hà Nội thực hiện giám định, nhưng không có “bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định; các hồ sơ về y tế có liên quan đến giám định pháp y và biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng” như quy định tại Luật Giám định tư pháp và Thông tư 47/2013/TT – BYT (ban hành quy trình giám định pháp y).

Trường hợp hồ sơ đề nghị giám định thiếu nhiều tài liệu quan trọng như trên thì cơ quan giám định phải từ chối giám định. Nhưng Trung tâm giám định pháp y Hà Nội lại vẫn căn cứ vào Giấy chứng thương của bà Ngân để thực hiện giám định thương tích trong vụ án này.

Hơn nữa, việc Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cấp “Giấy chứng thương” trong trường hợp này cũng là trái quy định vì Luật Khám bệnh và chữa bệnh cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không hề quy định cho phép Bệnh viện cấp “Giấy chứng thương” cho CQĐT (chỉ có quy định về CQĐT được mượn “hồ sơ bệnh án” tại chỗ để đọc hoặc sao chép phục vụ nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền cho phép”. Trong khi đó “hồ sơ bệnh án” thì không có tài liệu nào gọi là “Giấy chứng thương” cả).

Bỗng dưng xuất hiện “vỡ chỏm xương”?

Chính vì bị thiếu hồ sơ bệnh án và chỉ căn cứ vào Giấy chứng thương của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn nên việc giám định của Trung tâm Pháp y Hà Nội đang bị các luật sư cho là giám định “thừa” thương tích, gây oan sai cho bị cáo Hiền. Cụ thể, Phiếu chụp X.Q ngày 5/7/2015 nêu “bệnh nhân bị trật khớp vai trái”; Giấy ra viện ngày 9/5/2015 chẩn đoán “trật khớp vai trái”; bệnh án ngoại khoa thể hiện bệnh nhân Ngân “cấp cứu: trật khớp vai: Khi vào khoa điều trị: trật khớp vai; ra viện: Bệnh chính là trật khớp vai”; tóm tắt bệnh án ngày 12/4/2016 ghi “X-quang vai trái thẳng, nghiêng: hình ảnh trật khớp vai trái”…

Rất nhiều các tài liệu trong hồ sơ bệnh án thể hiện bệnh nhân Ngân chỉ bị “trật khớp vai trái” nhưng không hiểu sao, Giấy chứng thương của Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn lại xuất hiện thêm nội dung  “XQ: vỡ chỏm xương cánh tay trái” (do thăm khám của bác sỹ). Điều khó hiểu ở chỗ, bệnh án ngoại khoa thể hiện phim X- quang của bệnh nhân Ngân chỉ có 1 tờ, tại sao lại có chuyện “tiền hậu bất nhất” và “đẻ” thêm thương tích “vỡ chỏm xương” như trên?

Từ việc giám định sai quy trình, giám định thiếu hồ sơ và giám định dựa trên tài liệu không đúng quy định, có nội dung mâu thuẫn nêu trên, LS Tuấn và LS Trường cho rằng Kết luận giám định thương tích số 460/TTPY ngày 31/8/ 2015 của Trung tâm Pháp y Hà Nội không thể là kết luận giám định tư pháp, không được dùng để làm căn cứ buộc tội bị cáo Hiền.

Tuy nhiên, cho đến nay thì những đề nghị trên vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Sóc Sơn trả lời. Chắc chắn rằng những vấn đề nêu trên sẽ được các luật sư tiếp tục đề nghị HĐXX TAND huyện Sóc Sơn làm rõ trong phiên tòa ngày mai (21/4). Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những nhận định của HĐXX về giá trị của bản Kết luận giám định pháp y trên đây./.

Đọc thêm