Ngày 25/10/12 Cục Thi hành án dân sự TP.Hải Phòng ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án 2.000 tấn phôi thép của Công ty CP Luyện Gang Vạn Lợi giao cho Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam nhưng ngay một ngày sau (26/10/12) cơ quan này lại bất ngờ cưỡng chế thu hồi 1.200 tấm phôi thép của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát (Công ty Xuân Phát) đang sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – SeABank mà không có bất kỳ một sự thông báo trước nào và bất chấp sự phản đối của SeABank.
Đơn “kêu cứu” khẩn cấp của SeABank gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh: ngày 26/10/2012 SeABank bất ngờ nhận được thông báo của lực lượng bảo vệ ngân hàng về việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Hải Phòng cùng một số cơ quan chức năng khác đang tiến hành cưỡng chế, thu giữ 1.200 tấn phôi thép là tài sản thế chấp thuộc quyền quản lý, định đoạt của SeABank.
Việc này quả thật rất bất ngờ đối với ngân hàng, bởi lẽ trước đó SeABank chưa nhận được bất kỳ thông tin, thông báo nào liên quan đến việc THA đối với tài sản thế chấp này; cũng như SeABank chưa hề nhận được bất kỳ thông tin nào về việc cơ quan THA xác minh điều kiện THA đối với tài sản bảo đảm của SeABank.
Theo lời một lãnh đạo SeABank: “Ngay khi sự việc trên xảy ra, SeABank đã tức tốc cử cán bộ và nhân viên xuống làm việc với cơ quan hữu quan để xác định rõ quyền lợi liên quan của ngân hàng với tài sản này. Tuy nhiên, cán bộ của ngân hàng đã bị người của Cục THADS TP.Hải Phòng đuổi ra, gây cản trở, không cho tham gia giải quyết cũng như không tiếp nhận, xử lý bất kỳ hồ sơ, thông tin, đề nghị nào từ phía SeABank”.
|
Hiện trường vụ cưỡng chế nhầm. |
Theo các hồ sơ SeABank cung cấp, số phôi thép 1.200 tấn này là tài sản cho Hợp đồng tín dụng số 1010294 của Công ty Xuân Phát dùng làm tài sản đảm bảo tại SeABank từ ngày 28/10/10 theo Hợp đồng thế chấp số 010294/TCHH ngày 28/12/2012. Tài sản thế chấp hiện được trông giữ tại xã An Hồng, An Dương, TP.Hải Phòng.
Trên thực tế SeABank đã nhận tài sản bảo đảm và quản lý từ tháng 12/2010 đến nay. Tài sản bảo đảm được đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại khoản vay trên của Công ty Xuân Phát đã quá hạn, SeABank đã rất nhiều lần yêu cầu công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên Công ty Xuân Phát không thực hiện đúng yêu cầu trả nợ. Do đó, SeABank đã tiến hành niêm phong và cử bảo vệ trong coi kho hàng cả ngày lẫn đêm và chuẩn bị tiến hành các thủ tục tố tụng với các cơ quan chức năng. Bất ngờ, ngày 26/10/12 số tài sản này đã bị Cục THADS TP.Hải Phòng tới cưỡng chế không thông báo lý do. Hiện tại, số hàng này bị lưu giữ tại kho của Công ty Matexim tại Hải Phòng.
Qua vụ việc này còn có một số điều bất hợp lý cần làm rõ là Cơ quan THADS Hải Phòng đang thi hành quyết định nào?. Đối tượng THA là ai?. Bên cạnh đó, trước khi cưỡng chế, Cơ quan THA Hải Phòng đã thực sự khách quan và tiến hành kiểm tra tài sản bị cưỡng chế có thuộc phạm vi của quyết định không?. Đồng thời cần làm rõ, quyết định cưỡng chế liên quan đến đối tượng/đương sự nào?. Trong đó có liên quan đến Công ty Xuân Phát (chủ hàng) và SeABank (bên nhận TSBĐ bị cưỡng chế) hay không?.
Mặt khác quyết định cưỡng chế ban hành ngày 25/10/12, các bên liên quan chưa nhận được thì ngay ngày 26/10/12 Cục THADS Hải Phòng đã tiến hành cưỡng chế ngay, khiến cho các bên liên quan không kịp trở tay, điều đó khiến quyền lợi của SeABank bị xâm hại nghiêm trọng.
Đặc biệt, một câu hỏi mà nhiều người đang băn khoăn là: Số tài sản đảm bảo của SeABank đã bị cưỡng chế ngày 26/10/12 là tài sản của Công ty Xuân Phát, với đầy đủ chứng từ, tài liệu chứng minh sự độc lập của tài sản này. Tại sao cưỡng chế tài sản của Công ty Luyện Gang Vạn Lợi, nhưng Cục THADS TP.Hải Phòng lại lấy tài sản của Công ty Xuân Phát?. Liệu ở đây có sự cưỡng chế nhầm hay một kế hoạch thông đồng chiếm đoạt tài sản?. Điều này rất cần được các cơ quan có trách nhiệm của Tổng cục THADS và TP.Hải Phòng xác minh làm rõ.
Theo đơn “kêu cứu” khẩn cấp của SeABank, để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình xem xét hủy bỏ quyết định cưỡng chế (số 05/QĐ-CTHS ngày 25/10/12) của Cục THADS TP.Hải Phòng.
Trong thời gian vụ việc chưa được giải quyết rõ ràng, đề nghị các cơ quan chức năng cần có văn bản yêu cầu Công ty Tài chính Dầu khí – CN Hải Phòng và Công ty Matexim giữ nguyên hiện trạng 1.200 tấn phôi thép nói trên đồng thời xem xét lại việc THA nhầm đối tượng để trả lại toàn bộ 1.200 tấn phôi thép, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của SeABank.
Nhóm PV