Vụ cướp máy bay Mig-29: Kết cục của kẻ phản bội

(PLO) -Sau khi ăn hết số bánh có thuốc ngủ của Custody đưa, tất cả những người làm nhiệm vụ trực ban đã chìm vào giấc ngủ. Không chậm trễ một giây, anh ta nhanh chóng tắt tất cả các đèn tín hiệu trên đường băng, đồng thời cắt đứt toàn bộ đường dây điện thoại liên lạc của căn cứ với bên ngoài…
Custody (phải) bên cạnh Tham mưu trưởng Không quân Liên Xô khi ông đến thăm đơn vị
Custody (phải) bên cạnh Tham mưu trưởng Không quân Liên Xô khi ông đến thăm đơn vị

Sau khi làm xong mọi việc, Custody chạy ra đường băng, nơi có chiếc Mig-29 mang đầy đủ vũ khí làm nhiệm vụ trực chiến đỗ. Nhưng, Custody đã không để ý tới người cảnh vệ đang làm nhiệm vụ canh gác chiếc máy bay. Người này đã biết rõ lệnh của cấp trên: máy bay chỉ được cất cánh khi có hiệu lệnh thông báo, nên cho dù Custody cố gắng giải thích thì anh ta cũng không để Custody lại gần chiếc Mig-29.

Cướp máy bay

Custody đã rút súng ngắn bắn liền 4 phát đạn vào chân và cánh tay người lính cảnh vệ khiến người này ngã gục. Sau đó, anh ta vội chạy về phía chiếc Mig-29, gỡ bỏ tấm che động cơ của máy bay, rồi khởi động và cho máy bay cất cánh, tất cả quá trình hành động diễn ra không đầy 1 phút. Sau khi chuyển hướng máy bay, Custody  liền cho máy bay hạ thấp xuống độ cao 50m, rồi tăng tốc độ lên đến hơn 1.000 km/giờ, nhằm thẳng hướng khu căn cứ không quân Trabzon của Thổ Nhĩ Kỳ bay tới...

Nghe thấy tiếng súng nổ và âm thanh động cơ gầm rít phát ra từ đường băng, lực lượng bảo vệ đang làm nhiệm vụ tuần tra tại căn cứ vội vàng bấm chuông báo động. Lực lượng phi công trực chiến tại khu vực bên cạnh cũng nhanh chóng điều 2 chiếc Mig-29 bay đuổi theo để ngăn chặn. Nhưng tất cả đều đã quá muộn, không đầy 10 phút sau khi cất cánh, Custody đã bay tới không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và hạ cánh xuống sân bay khu căn cứ không quân Trabzon của nước này...

Các phi công Mỹ bắt tay cám ơn Custody sau những trận không chiến thắng lợi trong Chiến tranh vùng Vịnh
Các phi công Mỹ bắt tay cám ơn Custody sau những trận không chiến thắng lợi trong Chiến tranh vùng Vịnh

Sáng sớm ngày 20/5/1989 tại khu căn cứ không quân Trabzon của Thổ Nhĩ Kỳ, Custody thong thả bước ra từ trên chiếc MiG-29 còn nguyên vẹn. Câu đầu tiên anh ta nói với lực lượng cảnh vệ Thổ với những khẩu tiểu liên trong tay, là: “Đừng nổ súng, tôi là người Mỹ!” và nói rõ nguyện vọng muốn được tới Mỹ tỵ nạn.

Viên trợ lý tham mưu đang làm nhiệm vụ trực ban tác chiến ở sân bay vội vã báo cáo sự việc lên Sở chỉ huy căn cứ. Rất nhanh, một chiếc xe jeep quân sự được đưa tới sân bay, Custody được đưa ngay vào Bệnh viện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch chạy trốn cùng chiếc Mig-29 của Custody đã thành công trót lọt.

Việc Custody lái chiếc Mig-29 chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho CIA hết sức bất ngờ. Ngay buổi trưa cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc gặp gỡ bí mật với viên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này, yêu cầu đưa Custody cùng chiếc Mig-29 này về khu căn cứ không quân của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc,  Đại sứ Liên Xô tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trao trả ngay lập tức Custody và chiếc Mig-29 cho Liên Xô.

Biết là không thể đối đầu với Liên Xô, để tránh bị gây khó dễ, cuối cùng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định trao trả lại chiếc Mig-29 cho phía Liên Xô sau hai ngày xảy ra sự việc, đồng thời theo thông lệ quốc tế, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp ứng yêu cầu của Custody là được đến Mỹ tị nạn chính trị. Anh ta lập tức được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh được quyền định cư dài hạn tại Mỹ; đồng thời còn ký với Custody bản hợp đồng mời làm cố vấn quân sự cấp cao dài hạn cho quân đội Mỹ với mức lương hậu hĩnh.

Các nhân viên tình báo Mỹ và quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét chiếc Mig-29 tại sân bay Trabzon
Các nhân viên tình báo Mỹ và quan chức quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xem xét chiếc Mig-29 tại sân bay Trabzon

Kết cục dành cho kẻ phản bội

Gần như đồng thời với việc Custody được đưa sang Mỹ, Tòa án quân sự cấp cao Liên Xô cũng mở phiên tòa xét xử anh ta về các tội “giết hại lính gác, vận chuyển vũ khí, vượt biên và phản bội Tổ quốc” và tuyên phạt án tử hình.

Tuy Mỹ không lấy được chiếc Mig-29 mà họ thèm khát, nhưng viên phi công phản bội Custody cũng có giá trị rất quan trọng đối với họ. Qua những thông tin tình báo mà Custody cung cấp, không quân Mỹ không những nắm được những thông số kỹ thuật, điểm mạnh và hạn chế của loại chiến đấu cơ tối tân này; mà còn nắm được những bí mật về công tác huấn luyện phi công, chế độ trực ban trực chiến, trình độ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tuyến 1 và các chiến thuật tác chiến của không quân Liên Xô. Custody trở thành “cố vấn” cho phi công Mỹ trong việc nghiên cứu chống lại Mig-29, được họ đánh giá cao. Điều này còn giá trị hơn nhiều so với việc họ chiếm được chiếc Mig-29. 

 Ngày 17/1/1991, liên quân đa quốc gia do Mỹ cầm đầu phát động tiến công Iraq, cuộc Chiến tranh vùng Vịnh bùng nổ. Trước khi bắt đầu tiến công, các phi công Mỹ tỏ ra rất e sợ loại tiêm kích Mig-29 của không quân Iraq. Custody đã được đưa tới các căn cứ của không quân và hải quân, phân tích các điểm mạnh, chỗ yếu về kỹ thuật của Mig-29 cùng các chiến thuật tác chiến của không quân Nga và đồng minh, giúp các phi công Mỹ cởi bỏ tâm lý lo sợ.

Một chiếc Mig-29 của Iraq bị máy bay Mỹ biến thành sắt vụn
Một chiếc Mig-29 của Iraq bị máy bay Mỹ biến thành sắt vụn

Trong đó, Custody đã chỉ ra điểm yếu chết người của Mig-29 là phạm vi thám trắc của radar trang bị cho nó rất hẹp, muốn hoạt động hiệu quả phải nhờ vào hệ thống radar cảnh giới ở mặt đất; hơn nữa phi công Iraq không có khả năng thực hiện những động tác bay với kỹ thuật phức tạp khi không chiến. Chính những điều này đã giúp đỡ rất lớn cho quân đội Mỹ trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc” khi họ đối phó với không quân Iraq. 

Qua những thông tin tình báo do Custody cung cấp, trước khi tiến công, quân đội Mỹ đã sử dụng tên lửa hành trình đánh đòn phủ đầu phá hủy các trạm radar cùng các trung tâm kiểm soát, chỉ huy mặt đất của không quân Iraq, khiến các máy bay Mig-29 của không quân nước này trở thành những cỗ máy bị mù.

Trong khi không chiến, ít nhất 6 chiến đấu cơ Mig-29 của Iraq đã bị các máy bay Mỹ bắn hạ; nhiều chiếc khác bị phá hủy khi chưa kịp cất cánh, số còn lại phải chạy trốn sang Iran lánh nạn…Từ kết quả của Chiến tranh vùng Vịnh cho thấy, quân đội Mỹ đã áp chế hoàn toàn các máy bay Mig-29 của không quân Iraq, giảm thiểu đến mức thấp nhất sức sát thương của nó. Công lao của Custody là không thể phủ nhận, anh ta được CIA đánh giá rất cao và thưởng hậu hĩnh.

Một chiếc Mig-29 của không quân Liên Xô
 Một chiếc Mig-29 của không quân Liên Xô

Sau khi chiến tranh kết thúc, Custody chuyển đến thành phố Sandiego định cư và mở một công ty tư vấn thương mại, cung cấp dịch vụ tư vấn cho những công ty làm ăn với Nga. Custody còn cho xuất bản cuốn tự truyện “Fulcrum” lấy theo tên NATO đặt cho loại chiến đấu cơ Mig-29.

Ngày 16/4/2001, khi Custody đang lái chiếc Yak-52 bay trên vùng trời cách Seatle 150km về phía Bắc, đột nhiên máy bay rơi vào trạng thái mất điều khiển, xoay lộn rồi đâm xuống đất nổ tung. Custody không kịp nhảy dù, bị tan xác theo máy bay. Tuy báo chí Mỹ sau đó đưa tin đó là tai nạn ngoài ý muốn, nhưng nhiều người tin rằng đó là hành động của cơ quan tình báo Nga trừng trị kẻ phản quốc. Họ muốn dùng cách này để cảnh cáo những kẻ phản bội: Dù hành động của họ diễn ra dưới thời Liên Xô cũ đi chăng nữa, chỉ cần phản bội Tổ quốc thì vẫn coi là kẻ thù của nước Nga, đều sẽ bị trừng trị…/.

Đọc thêm