Vụ án kinh hoàng
Một ngày đầu đông năm 1983, quán cơm của vợ chồng anh Cao Hữu Xăm (tại thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Đồ Sơn, Hải Phòng) chỉ còn vài khách đang ngồi nhâm nhi bên ly rượu, đột nhiên có khách lạ mặt bước vào quán.
Anh Xăm lại gần hỏi chuyện, bỗng một bóng áo đen rút trong người một khẩu súng ngắn chĩa về phía chủ quán và nhanh như cắt giật ngay lấy chiếc cát sét ở góc nhà đưa cho đồng bọn. Trước khi rút đi, đối tượng cầm súng còn bắt một phát súng chỉ thiên.
Chứng kiến hành động ấy, thực khách trong quán của anh Xăm cùng chủ quán lập tức đuổi theo. Anh Xăm đuổi kịp 1 trong số 4 đối tượng và vật ngã tên này xuống mương nước. Trong lúc giằng co với tên cướp, anh Xăm đã bị đồng bọn của những đối tượng này bắn và đâm trọng thương.
Nghe tiếng súng nổ, tiếng la hét, nhiều người dân sống ở quanh khu vực đổ ra. Tên cầm súng lúc đó đã chống trả quyết liệt, dùng súng bắn cho đến khi hết đạn thì bị bắt giữ, nhưng 3 đồng bọn của hắn thì đã nhanh chân trốn thoát.
Anh Xăm dù được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong 2 ngày sau đó. Đối tượng bị bắt đã được người dân giao cho cơ quan công an, tên là Vũ Ngọc Huy (SN 1955 ở thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Đồ Sơn).
Huy khai nhận, do thấy nhà anh Cao Hữu Xăm có chiếc đài cát sét 6060 là một tài sản lớn ở thời điểm đó nên Huy bàn cùng các đối tượng ở cùng thôn là Nguyễn Dương Thẹ, Nguyễn Dương Thọ và Nguyễn Văn Nguyên tìm cách cướp.
Các đối tượng tụ tập ở nhà Huy, Thọ đưa cho Huy khẩu súng K54 và 7 viên đạn, Huy đưa cho Thẹ chiếc lưỡi lê súng AK, Thọ cũng giắt theo mình 1 chiếc lê AK còn Nguyên thì cầm theo chiếc kéo thợ may.
Tối đó, theo phân công của Huy các đối tượng xông vào quán và cướp tài sản của anh Xăm. Thẹ là người cầm chiếc cát xét bỏ chạy trước còn Nguyên chính là người bị anh Xăm vật ngã xuống mương nước trong lúc truy đuổi.
Khi thấy đồng bọn bị bắt, Huy và Thọ đã quay lại giải cứu cho Nguyên. Huy rút súng bắn vào hông anh Xăm còn Thọ là người dùng lê AK để đâm anh Xăm.
Theo tài liệu khám nghiệm lúc đó, phát súng của Huy đã làm anh Xăm vỡ xương chậu còn vết đâm xuyên ngực anh Xăm của Thọ đã trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân. Sau khi Huy bị bắt, Thẹ đã trốn vào miền Nam và cũng bị bắt không lâu sau đó.
Ngày 10/5/1984, TAND TP.Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt Vũ Ngọc Huy mức án tù chung thân về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Tàng trữ vũ khí”, Nguyễn Dương Thẹ 16 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Riêng đối với Nguyễn Dương Thọ và Nguyễn Văn Nguyên do đã bỏ trốn nên cơ quan Công an buộc phải ra quyết định truy nã trên toàn quốc với chú thích "đặc biệt nguy hiểm".
32 năm sống ngoài vòng pháp luật
Hơn 30 năm sau khi vụ án cướp của giết người xảy ra, việc 2 đối tượng còn lại vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật luôn canh cánh trong lòng đối với lực lượng công an TP.Hải Phòng.
Các trinh sát đã lật lại những trang hồ sơ về Nguyễn Văn Nguyên, tìm manh mối từ những người họ hàng của Nguyên năm xưa ở khu vực mỏ Cao Sơn, phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh). Người thân thích trong gia đình Nguyên hầu như đều đã mất, còn duy nhất người chị gái.
Trước đó, các trinh sát đã nắm được một thông tin quan trọng, là sau khi gây án Nguyên có một thời gian ở cùng người chị gái này với cái tên giả là Trần Văn Duy (SN 1958, ở Thanh Miện, Hải Hưng cũ, nay là tỉnh Hải Dương), nhưng sau đó đi đâu thì không ai hay biết.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát truy bắt nã phát hiện được một thông tin hết sức quan trọng, có lần chị gái Nguyên đã vào thăm người nhà tại khu vực nông trường 18 hay 19 gì đó thuộc khu vực Tây Nguyên.
Đầu tháng 5/2014, Phòng Cảnh sát truy nã Công an TP.Hải Phòng cử một tổ công vào Tây Nguyên xác minh. Cuối cùng công sức của tổ công tác đã được bù đắp bằng kết quả tìm thấy cái tên Trần Văn Duy (SN 1958, ở thôn 16A, xã Ea Kly, huyện K.Rông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).
Tuy nhiên tổ công tác phải đối mặt với một thực tế là Trần Văn Duy hiện nay đã khác rất nhiều so với Nguyễn Văn Nguyên của 30 năm về trước. Duy hiện đã có vợ và 3 người con, trong đó con trai lớn là kỹ sư cơ khí đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, 2 cô con gái đều học đại học, Duy cũng được nhận xét là người hiền lành, chịu khó làm ăn.
Làm thế nào để khẳng định Duy hiện tại chính là Nguyên năm nào? Lực lượng công an đã có mặt tại huyện Thanh Miện (Hải Dương) để xác minh về người có tên là Trần Văn Duy. Kết quả cho biết, trước đó vào khoảng năm 1983, người này đã từng bị mất Chứng minh thư nhân dân.
Tổ công tác làm việc với Phòng Hồ sơ của Công an tỉnh Đắk Lắk, kết quả danh chỉ bản của Trần Văn Duy (ở thôn 16A, xã A Ekly, huyện K.Rông Pắk) không trùng khớp với người mang tên Trần Văn Duy đích thực. Ngay khi có đầy đủ bằng chứng, Nguyễn Văn Nguyên vừa đi rẫy về đã lập tức bị áp giải về trụ sở công an xã.
Mặc dù Nguyên luôn khẳng định mình chính là Trần Văn Duy và cơ quan công an đã nhầm người, nhưng trước những bằng chứng khoa học sắc bén, Nguyên đã buộc phải thừa nhận mình chính là hung thủ gây ra vụ án nghiêm trọng trước đó 31 năm.
Tên cướp cuối cùng sa lưới
Tròn 1 năm sau khi Nguyễn Văn Nguyên bị dẫn giải về Hải Phòng quy án, đối tượng cuối cùng còn lại trong vụ án cũng đã bị lực lượng truy nã tội phạm của Công an Hải Phòng bắt giữ, khép lại một trong những vụ án dài thuộc vào diện kỷ lục từ trước đến nay của công an thành phố hoa phượng đỏ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát đã xác định Nguyễn Dương Thọ hiện sống dưới vỏ bọc là Nguyễn Đức Bình (SN 1958, quê quán ở xã Trường Thọ, huyện An Lão, TP Hải Phòng). Từ những nguồn tin thu thập được và đặc biệt là thông tin sau khi bắt giữ Nguyễn Văn Nguyên, các trinh sát có được thông tin hết sức bất ngờ.
Nguyên Dương Thọ cũng sống tại xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, là địa bàn nơi trước kia Nguyên lẩn trốn. Ngày 10/5/2014, một tổ công tác do đích thân Trung tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP Hải Phòng - lên đường truy bắt đối tượng.
Tuy nhiên, nghe tin Nguyên bị bắt, Thọ sợ lộ nên bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát nắm được thông tin ngày 15/5, nhà Thọ sẽ tổ chức đám giỗ và sau một thời gian thấy tình hình yên ổn, nhiều khả năng Thọ sẽ mò về ăn giỗ. Kế hoạch vây bắt Thọ được bàn bạc kỹ cùng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Lắk và Công an xã Ea Kaly.
Để đảm bảo an toàn, bắt được đúng đối tượng, tổ công tác quyết định ém quân kỹ lưỡng. Đúng 11h đêm hôm đó, sau hơn 12 tiếng đồng hồ phục kích, khi xác định Nguyễn Dương Thọ đang có mặt trong nhà, những người đến ăn giỗ trong nhà Thọ đã vãn, lệnh bắt đối tượng được đưa ra.
Ngay lập tức các mũi trinh sát đã đồng loạt áp sát, bắt giữ Thọ. Trong khi người nhà của Thọ ra sức tranh luận với tổ công tác rằng “bắt nhầm” thì Thọ sau giây phút giật mình vì ngỡ ngàng đã phải lặng lẽ tra tay vào còng.
Trước khi bị dẫn giải trở về nơi mà y đã gây ra tội ác, Thọ xin cán bộ công an được nói lời từ biệt với gia đình. Người đàn ông đã ở vào độ tuổi gần 60 này tâm sự với Trung tá Nguyễn Hồng Nam, những năm đã qua, ông ta vẫn sống trong sự thấp thỏm, lo âu với tội lỗi mà mình đã gây ra và biết cuối cùng sẽ có một ngày mình sẽ phải trả giá cho những tội lỗi đó.
32 năm sống ngoài vòng pháp luật của tên cướp táo tợn năm nào giờ đã phải trả giá cho hành vi của mình. Cả Thọ hay Nguyên đều nghĩ rằng mình sẽ chạy trốn khỏi tội ác của chúng nhưng cuối cùng "lưới trời tuy thưa mà khó lọt", cả hai sau suốt thời gian dài vẫn phải tra tay vào còng số tám.../.