Trước đó, Hội Doanh nghiệp (DN) huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có đơn gửi Chính phủ cho rằng Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 24/2/ 2017 của Bộ NN&PTNT quy định DN muốn XK gỗ trắc, cẩm lai, hương phải có chứng chỉ Cites là bất hợp lý, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của DN.
Tuy nhiên, sau đó TCLN có văn bản khẳng định: Thông tư 04 không quy định trình tự, thủ tục cấp phép CITES mà chỉ nội luật hóa Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước CITES mà Việt Nam tham gia.
Căn cứ mốc thời điểm nhập khẩu
Về vấn đề này, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xác nhận: hiệu lực áp dụng Phụ lục CITES sửa đổi của Ban Thư ký CITES từ ngày 2/1/2017 trên toàn thế giới sẽ gây khó khăn cho các DN, nhất là đối với các mẫu vật (gỗ) đã nhập trước ngày 2/1/2017 đang tồn trong kho bãi tại Việt Nam hoặc đang trên đường vận chuyển.
Vì vậy, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý theo từng trường hợp cụ thể đối với mẫu vật (gỗ) tiền Công ước (được DN ký hợp đồng trước ngày 2/1/2017 theo Thông báo số 2016/064 ngày 6/12/2016 của Ban Thư ký CITES về hiệu lực áp dụng Phụ lục CITES sửa đổi).
Bà Nga cho hay, đối với các mẫu vật (gỗ) của loài thuộc Phụ lục CITES xuất khẩu trước ngày 2/1/2017 đến Việt Nam sẽ được coi là mẫu vật tiền công ước, và sẽ chỉ được cấp giấy phép CITES nhập khẩu khi tổ chức, cá nhân chứng minh nguồn gốc hợp pháp (vận tải đơn hoặc tờ khai hải quan được cơ quan hải quan nước xuất xứ thông quan trước ngày 2/1/2017).
“Đối với trường hợp xuất khẩu/nhập khẩu sau ngày 2/1/2017 thì phải có giấy phép CITES do nước xuất khẩu cấp theo quy định của công ước. Mọi trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu tái xuất khẩu gỗ thuộc Phụ lục II CITES từ nước ngoài đến Việt Nam mà không có giấy phép CITES là vi phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”- đại diện Cơ quan quản lý Cites nhấn mạnh.
Xin ý kiến Thủ tướng
Theo thống kê sơ bộ của Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, số lượng gỗ đang bị tồn đọng do vướng mắc của Phụ lục II CITES, từ những vận đơn mà các DN kê khai trước ngày 2/1/2017 đang có khoảng hơn 4.000m3 gỗ. Còn tính trong thời gian từ ngày 2/1 -10/4/2017, thì có khoảng gần 8.000m3 gỗ. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ ngày 2/1 - 10/4/2017, nhiều lô hàng đã cập cảng và hiện đang phải lưu container tại cảng để chờ hướng xử lý.
Trong buổi làm việc với các hiệp hội gỗ, lâm sản, DN sản xuất kinh doanh gỗ mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Đối với các lô hàng mẫu vật (gỗ) được ký trước ngày 2/1/2017, nếu chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp Cơ quan quản lý CITES Việt Nam sẽ nhanh chóng giải quyết cho các DN.
“Tuy nhiên, đối với các lô hàng được kí trong khoảng thời gian từ ngày 2/1 – 10/4/2017, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp nhanh chóng làm báo cáo và đề xuất hướng giải quyết để trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo” - Thứ trưởng Tuấn cho hay.
Cơ quan quản lý CItes nhấn mạnh, việc cấp giấy phép CITES nhập khẩu có thể kéo dài trong vòng tối đa 35 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của DN. Đồng thời, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành xác minh số lượng gỗ tiền công ước trên toàn quốc để có số liệu tổng quát về tình trạng gỗ, từ đó có phương án xử lý thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh gỗ hợp pháp.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ có phương án xử lý đồng bộ, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam khuyến nghị các DN cần thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng ngoại thương mua bán gỗ với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các đối tác khu vực châu Phi. Cơ quan này khuyến cáo chỉ ký hợp đồng mua bán khi bên bán đồng ý cung cấp giấy phép CITES xuất khẩu và thanh toán tiền hàng khi có giấy phép nhập khẩu của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.