Vụ việc khởi nguồn từ ngày 28/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện máy bay mang số hiệu TK 068 của Hãng hàng không Turkish Airline (Thổ Nhĩ Kỳ) đang bốc dỡ hàng có dấu hiệu nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra.
“Kho đạn” trên máy bay
Kiện hàng dỡ từ tàu bay này là một phần của lô hàng thuộc Vận đơn số 235 LJU 4306 2902 do Turkish Airlines là người chuyên chở. Tên hàng là Catridges for weapons (đạn dùng cho súng), tên người gửi là Arex D.O.O Sentjernej – Trubarjeva Cesta 7 – Si 8310 Sentjernej – Slovenia và tên người nhận là Diectorate of Armament – Royal Thai Air Force – Dong Muang, Bangkok, Thailand.
Đáng nói, trong bản lược khai hàng hóa của chuyến bay không có thông tin về vận đơn này. Và ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, ngày 29/04 Hãng Turkish đã làm văn bản xin tái xuất lô hàng với lý do “gửi nhầm”.
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất căn cứ Khoản 2 Điều 45 Luật Hải quan, Điều 39 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP quy định về xử lý hàng hóa bị thất lạc, nhầm lẫn và các hướng dẫn của Tổng cục Hải quan về việc tái xuất hàng lạc tuyến đã ra thông báo cho Hãng hàng không Turkish Airlines biết thủ tục tái xuất hàng hóa nhập khẩu nhầm lẫn và yêu cầu có ý kiến của chủ sở hữu hàng hóa.
Phản hồi thông báo từ phía nhà chức trách Việt Nam, ngày 12/5 Turkish có văn bản không số trình bày tên hàng Catridges Blank plastic là đạn mã tử và gửi kèm thư của người gửi hàng đồng ý để cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa.
Ngay hôm sau 13/5, với sự chứng kiến của Cảng vụ Hàng không miền Nam, Đồn Công an cửa khẩu và đại diện Hãng hàng không Turkish Airlines, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng.
Theo một báo cáo sau này do ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM ký, kết quả kiểm tra hàng hóa trong mâm hàng PLA31248TK gồm 5 kiện, với 60 thùng carton, chứa 144.000 viên. Tên hàng là đạn mã tử chưa bắn, kích thước tiêu chuẩn cỡ 5,56mm X 44,5 mm.
Căn cứ kết quả giám định ngày 14/5/2014 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM, số “hàng” này nằm trong Danh mục vũ khí quân dụng theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011. Đạn dùng cho vũ khí thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 187/2013/NDD-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ.
Trước thực tế này, ngày 15/5 Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hãng Turkish Airlines về hành vi đưa vào Việt Nam mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, trị giá số hàng vi phạm theo invoice của người gửi hàng là gần 1 tỷ đồng.
Dấu hiệu tội phạm
Cùng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra quyết định tạm giữ tang vật là lô hàng đạn thuộc Vận đơn số 235 LJU 4306 2902 do Hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Sau đó, toàn bộ hồ sơ được bàn giao cho Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm Cục Hải quan TP.HCM để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Nguồn tin của Pháp luật Việt Nam cho hay, Cục Hải quan TP.HCM vừa có quyết định chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để Cơ quan An ninh điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng “gửi nhầm” vũ khí về Việt Nam. Ngay sau thời điểm phát hiện vụ “gửi nhầm” đạn mã tử, hôm 13/5 Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp với Công an TP.HCM kiểm tra lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc theo Vận đơn số 7381406895, gửi cho người nhận là Nguyễn Văn Trung, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, cũng phát hiện có 11 bộ thiết bị điện tử là máy phá sóng điện thoại và 3 thanh kiếm bằng kim loại dài 1,1m.
Qua xác minh, 11 bộ thiết bị điện tử máy phá sóng điện thoại nêu trên là loại máy phá sóng đời mới, gồm 1 máy chủ và 10 máy phụ cầm tay hiệu Hole site to thetripot.
Các loại hàng hóa này đều thuộc loại mặt hàng cấm nhập khẩu thuộc Danh mục vũ khí ban hành theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 . Đặc biệt, những thiết bị phá sóng trên là thiết bị gây nhiễu cấm nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 2/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ có các lực lượng Công an, Quân đội được cấp phép mới được nhập khẩu và sử dụng.
Những vụ “gửi nhầm” vũ khí về Việt Nam nêu trên nếu không được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ sớm thì hậu quả đối với xã hội là rất khó lường. Đặc biệt quan ngại khi cả hai lô hàng đạn mã tử và thiết bị phá sóng Trung Quốc đều “tình cờ” được chuyển về sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm nhạy cảm tháng 5/2014.