'Vũ khí' cạnh tranh mới của doanh nghiệp thời Covid - 19

(PLVN) - “Dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới đảo lộn. Nhưng trong rất nhiều đổi thay đó, cái còn lại chính là văn hóa doanh nghiệp.”- ông Lê Quang Vũ - Giám đốc điều hành Công ty CP phát triển nội dung Blue C khẳng định.
VNA khởi tạo thực tại mới trong bối cảnh dịch Covid-19.
VNA khởi tạo thực tại mới trong bối cảnh dịch Covid-19.

Văn hóa doanh nghiệp dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững

Tại Hội thảo mới đây về “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu”, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) càng cần quan tâm đến văn hóa bởi đó là cái gen của DN. Văn hóa là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu nhưng lại mang giá trị dân tộc sâu sắc. Văn hóa là một cái gì đó rất sâu xa nhưng lại cũng rất bình thường, gần gũi…

Chẳng hạn trong điều kiện kinh doanh bình thường, Vietnam Airlines (VNA) xây dựng hình ảnh là hãng hàng không Quốc gia với những giá trị cốt lõi như: An toàn là số 1; Khách hàng là trung tâm; Người lao động là tài sản quý giá nhất… Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, khi các chuyến bay bị huỷ, thay vì nằm im chờ đợi hết dịch thì VNA đã tạo nên những giá trị mới bằng việc xung phong vận chuyển hàng cứu trợ phòng chống dịch; bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài... Hãng hàng không này sáng tạo ra các quy trình mới, các thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển khách; người lao động đồng lòng giảm lương, giãn việc, động viên hỗ trợ nhau… 

Còn Tập đoàn Viettel lại muốn mang sứ mệnh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt khi thực hiện các cuộc họp trực tuyến phục vụ Chính phủ điều hành chống dịch; hỗ trợ giải pháp công nghệ cho 11 quốc gia chống dịch; miễn giảm cước truy cập internet cho giáo dục trực tuyến; triển khai nền tảng y tế trực tuyến... 

Trong khi đó, Vingroup đã có những đóng góp nổi bật khi tặng 3.200 máy thở cho tuyến đầu chống dịch; tặng 300 tỷ đồng cho các đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có chuyến bay nhân đạo đón người Việt về từ Ukraina…

Theo ông Lê Quang Vũ, chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa DN, Giám đốc điều hành Công ty CP phát triển nội dung Blue C, đây chính là sự khởi tạo thực tại mới, trong khủng hoảng, các DN đã thể hiện sứ mệnh lớn hơn. Đo lường văn hóa DN chính là đo lường về sự gắn kết, tham dự, chia sẻ; đo lường sự năng động, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro; biến thách thức thành cơ hội để tái cấu trúc DN và chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ hơn. 

“Quan trọng nhất, trong khủng hoảng, các DN phải linh hoạt để thích nghi với dịch. Đây là thời điểm mang tính quyết định để phát triển DN và văn hóa DN là cái gốc để tái cấu trúc và phát triển…”- ông Vũ khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Thành - Đồng sáng lập Học viện truyền thông Elite PR School và Giám đốc điều hành Công ty tư vấn chiến lược CSCI INDOCHINA cho rằng, văn hóa DN chính là vũ khí cạnh tranh mới. Hơn lúc nào hết, các DN cần nhận thức văn hóa DN là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt DN phát triển bền vững…

Từ văn hóa đến thương hiệu…

Theo PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học BCSI, nói đến văn hóa DN là quan tâm nhiều đến xây dựng các mối quan hệ, giá trị nội bộ, đó là các quy tắc, các mối quan hệ, đãi ngộ. Còn nói về thương hiệu thì quan tâm nhiều đến sản phẩm, hướng tới khách hàng.

“Sản phẩm không tốt không nói gì đến thương hiệu. Nhưng sản phẩm tốt chưa đủ. Còn phải cách thức đưa sản phẩm ra thị trường, cách thức ứng xử với cộng đồng. Sản phẩm tốt nhưng thái độ của nhân viên không tốt thì người tiêu dùng cũng quay lưng...” - ông Thịnh phân tích.

Cũng theo ông Thịnh, nhiều DN thất bại là do nội bộ không tốt. Nhưng DN nỗ lực cần sự lan toả của khách hàng. DN nỗ lực đưa ra sản phẩm tốt, khác biệt nhưng phải tìm cách làm cho khách hàng hiểu và đánh giá sản phẩm của mình. Đây là việc không dễ nhưng cũng không khó.

Theo chuyên gia này, đang có một sai lầm về thương hiệu, coi thương hiệu như một “cái áo”, cố gắng thay đổi bộ nhận diện mà không gắn với sản phẩm, với cách thức đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. DN không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả để quảng bá cho thương hiệu, logo của mình.

“Văn hóa DN không tồn tại độc lập mà len lỏi trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình kinh doanh, từng ngày, từng giờ tác động đến hoạt động của DN, tạo nên thương hiệu của DN…”- Chuyên gia này quả quyết.

Văn hóa không thể xây dựng sau một đêm…

Theo PGS.TS. Dương Thị Liễu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa DN Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, với sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, mọi công nghệ, thiết kế hay sự sáng tạo đều có thể được chuyển giao hoặc sao chép nhanh chóng và dễ dàng. Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Nhưng duy chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa DN.

DN có cạnh tranh trong thời kỳ CMCN 4.0 không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa DN. Điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các DN cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình. Tuy nhiên, văn hóa không phải là thứ có thể xây dựng sau một đêm mà đòi hỏi DN phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình…

Đọc thêm