Vũ khí mới giúp Mỹ tăng tốc trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ dù không hy vọng sở hữu vũ khí siêu thanh Mach 5+ hoàn chỉnh đầu tiên cho đến năm 2023, nhưng nước này đang đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ siêu thanh.

Mỹ có thể tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong việc trang bị tên lửa siêu thanh song điều đó không đồng nghĩa với việc Washington sẽ tụt hậu trong cuộc chạy đua vũ trang siêu thanh.

Vũ khí mới giúp Mỹ tăng tốc trong cuộc chạy đua với Nga và Trung Quốc ảnh 1

Minh họa về tên lửa siêu thanh. Ảnh: Raytheon Missiles & Defense

Mặc dù ý tưởng về cuộc chạy đua vũ trang hiện đại này từ lâu đã xuất hiện trong tâm trí nhiều chuyên gia, nhưng việc chế tạo và đưa vũ khí siêu thanh vào sử dụng một cách vội vã sẽ không mang lại cho Mỹ lợi thế lớn về mặt quân sự. Thay vì đó, Washington theo đuổi một cách tiếp cận khác, tập trung vào việc phát triển những năng lực tiên tiến hơn để đối phó vũ khí siêu thanh. Nói cách khác, cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh mà chúng ta đang chứng kiến ngày này giống như cuộc chạy đua tới vạch xuất phát và Mỹ mong muốn sẽ giành chiến thắng ở chặng đường tiếp theo.

Tuy vậy, không thể phủ nhận một thực tế là, trong khi Nga và Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tên lửa siêu thanh suốt nhiều năm qua, Mỹ vẫn không hy vọng có thể sở hữu vũ khí siêu thanh Mach 5+ hoàn chỉnh đầu tiên cho đến năm 2023.

Vũ khí siêu thanh là những vũ khí có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 5 lần, hoặc khoảng 1,6 km mỗi giây. Chúng có hai loại: phương tiện lượn siêu thanh (HGV) và tên lửa hành trình siêu thanh. Phương tiện lượn siêu thanh (HGV) được đưa vào bầu khí quyển bằng tên lửa đẩy tốc độ cao, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) truyền thống. Đường đi của HGV ở độ cao thấp kết hợp với độ cong của bề mặt Trái đất giúp chúng khó bị radar phát hiện. Tốc độ của chúng khiến đối thủ có ít thời gian hơn trong việc phản ứng.

HGV có một số điểm tương đồng với tên lửa đạn đạn tầm xa nên chúng thường được tích hợp với hệ thống tên lửa tương tự. Chẳng hạn phương tiện lượng siêu thanh Avangard của Nga sẽ được trang bị cho RS-28 Sarmat - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, sắp đưa vào biên chế.

Trái lại, tên lửa hành trình siêu thanh sử dụng động cơ phản lực tốc độ cao, cho phép di chuyển với vận tốc nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, giúp vượt qua lá chắn phòng thủ tên lửa đối phương và tấn công mục tiêu một cách nhanh nhất.

LRHW - hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa đang được quân đội Mỹ phát triển. (Ảnh: The Drive)

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ cho biết nước này đang bắt tay phát triển các loại vũ khí siêu thanh nhưng có rất ít thông tin được tiết lộ. National Interest đã điểm danh 10 vũ khí siêu thanh dự kiến xuất hiện trong kho khí tài quân sự của Mỹ trong tương lai.

Vũ khí tấn công nhanh thông thường (CPS) của hải quân

Đây là một loại phương tiện lướt siêu thanh được tích hợp với tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm. Giống như các loại tên lửa siêu thanh mà Mỹ đang phát triển, CPS sẽ mang một đầu đạn phi hạt nhân thông thường, có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn Mach 5. Thời gian triển khai dự kiến từ 2025 đến 2028.

Vũ khí siêu thanh tầm xa (LRHW) của lục quân

LRHW là một hệ thống tên lửa đất đối đất dùng để mang phương tiện phương tiện lướt siêu thanh. Tên lửa này có tầm bắn hơn 2.776 km, tốc độ tối đa khoảng Mach 5. Nó thực sự giống với CPS nhưng được phóng từ các bệ phóng trên mặt đất thay vì từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm.

Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A

Đây là một loại tên lửa siêu thanh được phóng từ trên không. Tên lửa AGM-183M dự kiến có tầm bắn 1.600 km và tốc độ tối đa hơn Mach 20, có thể vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của đối phương và tấn công các mục tiêu giá trị như cầu cảng, sân bay và các cơ sở khác.

Tên lửa hành trình bội siêu thanh (HACM)

Giống như tên lửa hành trình truyền thống, HACM bay theo quỹ đạo khá ổn định và có khả năng cơ động để tránh bị đánh chặn. Hiện không có số liệu về tốc độ hay tầm hoạt động của tên lửa này, nhưng một số chuyên gia cho rằng nó có thể chậm hơn so với HGV. Thời gian triển khai dự kiến vào năm 2026.

Hệ thống vũ khí chống tàu chiến (OASuW) Increment 2

Đây là một loại tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa phóng từ trên không, được tích hợp trên máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ, chẳng hạn như chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet hay F-35C.

Chương trình tên lửa OpFires

OpFires là chương trình chế tạo tên lửa siêu thanh tầm trung phóng từ mặt đất, sử dụng đầu đạn thường và phương tiện lượn siêu thanh. Tên lửa này và hệ thống phóng của nó đang được tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để triển khai từ máy bay vận tải C-130 Hercules, cho phép sử dụng rộng rãi trong các lực lượng Lục quân và Thủy quân lục chiến. Loại vũ khí này dự kiến có tốc độ tối đa trên Mach 5, tầm bắn từ 482 km đến 5.500 km, có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 1.600km

Chương trình SCIFiRE

Chương trình này do Australia và Mỹ phối hợp thực hiện, nhằm chế tạo tên lửa hành trình siêu thanh có động cơ sử dụng nhiên liệu rắn, được mang chở và phóng từ máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, hoặc máy bay trinh sát hàng hải P-8A Poseidon.

Chương trình Vũ khí Mayhem

Có rất ít thông tin về loại vũ khí này song theo Tạp chí Không quân, đây là một vũ khí siêu thanh có khả năng mang trọng tải lớn, thực hiện giám sát, trinh sát và các chức năng tình báo khác. Theo một số nhà phân tích, Mayhem có thể là tên lửa hành trình siêu thanh đầu tiên sử dụng động chu kỳ biến thiên hay còn gọi là động cơ chu kỳ thích ứng, có khả năng tự thực hiện chuyến bay cận âm hoặc siêu âm mà không cần sử dụng động cơ phản lực hoặc tên lửa đẩy truyền thống.

Chương trình tên lửa siêu vượt âm Screaming Arrow

Screaming Arrow thuộc chương trình nghiên cứu do Hải quân Mỹ khởi động nhằm xác định các công nghệ có thể được sử dụng để tạo ra tên lửa chống hạm siêu thanh. Mục tiêu của chương trình là tạo ra tên lửa chống hạm phóng từ trên không có tốc độ tối đa Mach 10, nhanh hơn so với Zircon của Nga.

Mô hình vũ khí siêu vượt âm không gian (HAWC)

HAWC là chương trình chế tạo tên lửa không đối không siêu thanh sử dụng động cơ phản lực do các tập đoàn sản xuất vũ khí Raytheon và Northrop Grumman phát triển. Tên lửa dự kiến có tốc độ tối đa lớn hơn Mach 5.

Đọc thêm