Hầu hết các tàu chiến tiên tiến của Trung Quốc đều sử dụng các động cơ diesel do Đức và Pháp thiết kế. Các tàu khu trục của nước này sử dụng hệ thống định vị, các máy bay trực thăng chống tàu ngầm và các tên lửa đất đối không của Pháp. Trên chiến trường, động cơ phản lực của Anh vận hành các máy bay ném bom và máy bay trực thăng chống tàu của PLA. Máy bay do thám sớm mới nhất của Mỹ được trang bị hệ thống radar cảnh báo sớm của Anh. Một số mẫu máy bay tấn công và máy bay trực thăng vận chuyển tốt nhất của Trung Quốc được chế tạo dựa vào các thiết kế từ Eurocopter – một chi nhánh của công ty quốc phòng và không gian khổng lồ EADS có trụ sở tại châu Âu.
Tuy nhiên, vật dụng chiến lược nhất mà Trung Quốc có được trong chuỗi mua sắm từ các nước châu Âu chính là các động cơ chạy bằng diesel của Đức được sử dụng trong các tàu ngầm của nước này. Để cạnh tranh với các cường quốc khác, Trung Quốc đã xây dựng một đội tàu ngầm mạnh mẽ, trong đó có các tàu lớp Song và Yuan tự tạo. Trái tim của những tàu ngầm này là động cơ diesel do Công ty MTU Friedrichshafen GmbH có trụ sở tại Friedrichshafen (Đức) sản xuất. Cùng với 12 tàu ngầm lớp Kilo nhập khẩu từ Nga, 21 tàu chạy bằng động cơ của Đức này đang là “xương sống” của lực lượng tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh tại các vùng lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông, những tàu ngầm động cơ diesel của Trung Quốc có khả năng là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với các đối thủ Mỹ và Nhật Bản. Theo các dữ liệu mua sắm vũ khí từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), đến cuối năm 2012, 56 động cơ diesel do MTU chế tạo cho các tàu ngầm này đã được bán cho Hải quân Trung Quốc.
“Đây là động cơ diesel cho tàu ngầm hàng đầu thế giới” – kỹ sư kỳ cựu Hans Ohff, cựu Giám đốc điều hành Tổng công ty tàu ngầm Australia, công ty đã xây dựng tàu ngầm lớp Collins của Australia nói. Ngoài ra, các động cơ diesel hiệu suất cao của MTU và nhà chế tạo động cơ Pháp Pielstick cũng là đầu máy trong một số tàu chiến và tàu hỗ trợ tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Các thương vụ mua bán này là rất quan trọng với PLA trong bối cảnh lực lượng này đang xây dựng hỏa lực để thực thi các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng biển đang tranh chấp và thách thức sự thống trị hải quân của Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Á. Trung Quốc hiện là nước có ngân sách quốc phòng cao thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, và đang gia tăng một cách nhanh nhất. Nhiều nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu vì thế đã không thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ Trung Quốc.
Theo số liệu của nhóm vận động chống buôn bán vũ khí có trụ sở tại London, các nhà sản xuất vũ khí đã được cấp phép xuất số vũ khí trị giá gần 4,1 tỉ USD sang Trung Quốc trong vòng 10 năm, tính đến năm 2011. Dữ liệu thống kê thương mại của châu Âu cho thấy, châu Âu đã chuyển số hàng hóa trị giá 143,9 tỉ euro (196,4 tỉ USD) tới Trung Quốc trong năm 2012.
Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Trung Quốc nói rằng sự phụ thuộc của PLA vào công nghệ vũ khí của nước ngoài đã bị phóng đại. “Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc cũng tham gia vào việc giao thương và hợp tác với một số nước trong lĩnh vực phát triển vũ khí” – Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố về các thông tin nói trên.
Trong khi đó, một số nhà phân tích quân sự vẫn hoài nghi về chất lượng của các phần cứng quân sự của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, các động cơ và thiết bị quân sự của Trung Quốc được kết hợp từ châu Âu và Nga nhưng lại thiếu các thiết bị mới nhất đang được Mỹ và các đồng minh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sử dụng. Điều này khiến PLA tụt lại một thế hệ và vẫn đang chật vật tích hợp các thiết bị từ một loạt các nhà cung cấp khác nhau.