Một vụ kiện hy hữu xảy ra tại TP Cao Lãnh khi người không còn tài sản nhưng lại đòi chia tài sản và được tòa tuyên thắng kiện…
Từ tài sản đã cho…
Năm 2001, ông Phạm Văn Giám và bà Phan Thị Ba làm hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng 5.514m2 đất lúa cho con là Phạm Văn Phong (phường 6, TP Cao Lãnh), anh Phong đã được cấp sổ đỏ vào ngày 14/1/2002. Tháng 2/2007, anh chuyển đất này sang đất trồng cây lâu năm.
Thực tế diện tích đất trên anh Phong đã trực canh từ năm 1991 đến nay. Ngày 1/11/2003, ông Giám và bà Ba làm giấy di chúc khẳng định cho anh Phong được hưởng thừa kế diện tích đất nói trên có xác nhận của UBND phường.
Năm 2004, ông Giám qua đời, tháng 5/2010 bà Ba vợ ông khởi kiện đòi lại 50% diện tích đất đã cho anh Phong, và năm 2001 bà không ký tên trong hồ sơ chuyển nhượng đất cho anh Phong, bà Ba cũng thừa nhận năm 2003 bà tự nguyện ký giấy cho anh diện tích đất hiện bà đòi lại. Việc bà Ba cho anh Phong đất vào năm 2003 được UBND phường và một số bà con làm chứng. Người dân và cảnh sát khu vực còn khẳng định là chưa thấy anh Phong ngược đãi bà Ba bao giờ.
…Đến phán quyết “khó hiểu”
Ngày 19/10/2010, TAND TP. Cao Lãnh xử sơ thẩm vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo đơn khởi kiện của bà Ba, đòi anh Phong trả gần 2500m2 đất mà chồng bà đã chuyển nhượng cho anh vào năm 2001. Tòa sơ thẩm nhận định: “Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Giám và anh Phong ngày 14/12/2001 không có các thành viên trong hộ ký tên là sai…bà Ba là vợ ông Giám cũng không ký tên vào HĐ này là sai…”.
Điều 467 BLDS: Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký… |
Do đó tòa căn cứ vào điều 105 Luật Đất đai năm 2003 tuyên: “Buộc anh Phong phải trả đất cho bà Ba diện tích đất được thể hiện qua biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 23/7/2010 của TAND TP.Cao Lãnh”. Thế nhưng tòa không nói tổng diện tích là bao nhiêu? Gia đình anh Phong phản đối phán quyết của tòa vì: “Tòa nói HĐ chuyển nhượng QSDĐ giữa tôi và ông Giám sai, vậy giấy chứng nhận UBND TP.Cao lãnh cấp cho tôi sử dụng chín năm qua là đúng hay sai? Sao tòa không làm rõ?
HĐ chuyển nhượng sai đương nhiên GCN cũng sai”, vậy nhưng tòa không nhắc gì đến trách nhiệm của UBND TP đã sai vì cấp GCN cho anh Phong, đáng lý tòa phải làm văn bản yêu cầu UBND TP trả lời sổ đỏ cấp cho anh Phong là đúng hay sai? Rồi mới mở phiên xét xử, đằng này tòa tuyên án mà không viện dẫn được chứng cứ khẳng định GCN của anh Phong được cấp thiếu chữ ký của bà Ba là sai, như vậy là vi phạm tố tụng. Mặc cho anh Phong phản đối, tòa sơ thẩm vẫn tuyên anh phải trả ½ đất cho bà Ba.
Tòa sơ thẩm cho rằng HĐ chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Giám và anh Phong thiếu chữ ký của bà Ba là sai; Tòa phúc thẩm lại căn cứ vào di chúc để tuyên bà Ba được đòi 1/2 diện tích đất ông Giám đã nhượng cho anh Phong; Hai cấp tòa đã lập luận khác nhau, nhưng cùng tuyên buộc anh Phong phải trả đất, vậy cấp tòa nào đúng? (Luật sư Nguyễn Thanh Lương - Phó chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Bến Tre). |
Anh Phong kháng cáo, ngày 31/12/2010 TAND tỉnh Đồng Tháp xử phúc thẩm nhưng nhận định trái ngược với tòa sơ thẩm. Cấp phúc thẩm cho rằng: Ngày 1/11/2003 ông Giám và bà Ba lập di chúc cho anh Phong diện tích đất đang tranh chấp, nay bà Ba còn sống nên có quyền thay đổi di chúc, yêu cầu anh Phong trả lại bà ½ diện tích đất mà ông Giám đã chuyển nhượng cho anh. Nhận định của tòa bị gia đình anh Phong phản đối bởi:
- Năm 2001 diện tích đất trên ông Giám đã chuyển nhượng cho anh Phong, bà Ba biết nhưng không phản đối, năm 2003 bà Ba, ông Giám làm tờ tương phân di chúc cho anh Phong nhưng không có chữ ký đồng ý của anh, hơn nữa đất đã chuyển nhượng cho anh từ năm 2001 thì làm gì còn đất mà năm 2003 để di chúc? Chẳng qua tờ tương phân một lần nữa khẳng định là trước đó đã cho anh Phong diện tích đất này rồi. Mặc cho anh Phong phản đối, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, buộc anh phải trả lại bà Ba 2.250 m2 đất.
Anh Phong bức xúc: “Mẹ tôi bị người ta xúi giục, bằng chứng là bà không thể trình bày trước tòa nên phải ủy quyền cho người khác. Ở tuổi 79 mẹ tôi còn ham hố đi kiện đòi tài sản của con?”; Anh Phong giãi bày: Năm 2001 khi nhượng đất cho anh, bà Ba biết vì mẹ con ngày nào chẳng gặp nhau. Hơn nữa, hai cấp tòa không hề “nhắc” đến việc được UBND TP Cao Lãnh cấp GCN từ năm 2001 cho tôi là đúng hay sai?
Tòa buộc tôi giao đất nhưng không nói rõ GCN của tôi phải được điều chỉnh như thế nào? Thực tế tôi vẫn sở hữu sổ đỏ hợp pháp, nếu thấy sai tòa phải kiến nghị thu hồi GCN của tôi, nay buộc tôi trả ½ diện tích cho bà Ba, vậy bà Ba được tòa tuyên có quyền đăng ký GCN, trong khi GCN của tôi vẫn còn giá trị, rõ ràng một mảnh đất nhưng hai người được sổ đỏ, như vậy là vi phạm tố tụng. Sai sót này cần được TANDTC xem xét cho thỏa đáng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nông dân.
Hiện anh Phong đã gửi đơn khiếu nại đề nghị TANDTC xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, hủy hai bản án nói trên.
Song Tháp