Vụ kit test Việt Á: Biến sở hữu của Nhà nước thành “của mình”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các cá nhân liên quan đã có hành vi sai phạm. Điều này đã tạo điều kiện để Cty Việt Á biến Test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Cty Việt Á.
Bị can Phan Quốc Việt.
Bị can Phan Quốc Việt.

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra, đề nghị VKSND tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án sai phạm mua sắm kit Test của Cty Việt Á về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị can bị đề nghị truy tố gồm: ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty Việt Á) và nhiều bị can khác là vụ trưởng, vụ phó cấp bộ, cán bộ UBND hoặc Tỉnh ủy, lãnh đạo cấp sở, nhân viên y tế, cán bộ CDC của 24 tỉnh, thành phố…

Theo Kết luận điều tra, với mục đích để Cty Việt Á được tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu, chế tạo Test xét nghiệm do Bộ KH&CN phê duyệt, Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật) để Cty Việt Á được Bộ KH&CN phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện Đề tài.

Do biết Đề tài nghiên cứu được Bộ KH&CN cấp kinh phí từ ngân sách, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, kết quả nghiên cứu phải được bàn giao lại cho Bộ KH&CN nên Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Cty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.

Đồng thời, quá trình tham gia thực hiện Đề tài, Phan Quốc Việt cùng nhóm nghiên cứu Cty Việt Á và nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y thường xuyên trao đổi với Hồ Anh Sơn (Chủ nhiệm Đề tài, đại diện Học viện Quân y) và Trịnh Thanh Hùng, đại diện Bộ KH&CN trong việc quản lý Đề tài và việc nghiên cứu Đề tài.

Trên cơ sở kết quả ban đầu về quy trình do Học viện Quân y nghiên cứu, Cty Việt Á tiếp tục phối hợp, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để tối ưu hoá sản phẩm và sản xuất 20.000 Test xét nghiệm theo phạm vi Đề tài. Theo đó, Cty Việt Á đã nhập nguyên liệu và mua vật liệu để phục vụ sản xuất thử nghiệm 20.000 Test xét nghiệm vào giữa tháng 2/2020. Từ kết quả sản xuất thử nghiệm, Cty Việt Á sử dụng chứng dương (mẫu bệnh phẩm) từ Học viện Quân y để tiến hành thử nghiệm thành công Test xét nghiệm.

Sau khi Cty Việt Á nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và sản xuất thành công Test xét nghiệm, Phan Quốc Việt trao đổi, thống nhất với Trịnh Thanh Hùng và Hồ Anh Sơn để Cty Việt Á lập hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm gửi Bộ Y tế. Để có kết quả nghiệm thu Test xét nghiệm làm căn cứ cho Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm, Trịnh Thanh Hùng đã báo cáo, được Phạm Công Tạc đồng ý cho nghiệm thu Đề tài.

Theo đó, Trịnh Thanh Hùng đã yêu cầu Hồ Anh Sơn để Học viện Quân y có văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1. Sau khi nhận được văn bản của Học viện Quân y, Trịnh Thanh Hùng đề nghị và Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ KH&CN) ký Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 Đề tài (trong khi quy định của pháp luật không quy định việc nghiệm thu giai đoạn, mà chỉ quy định nghiệm thu khi kết thúc đề tài).

Kết quả họp, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 có biên bản nghiệm thu, đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho Test xét nghiệm (không đề nghị cấp phép sử dụng cho Cty Việt Á). Từ đó, Phan Quốc Việt sử dụng biên bản nghiệm thu này để Cty Việt Á lập hồ sơ đề nghị đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành Test xét nghiệm không đúng đối tượng. Cty Việt Á không phải chủ sở hữu Đề tài, trái quy định của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.

Theo Kết luận điều tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao; thông tin, tuyên truyền, khen thưởng Đề tài nghiên cứu, chế tại Test xét nghiệm, các cá nhân liên quan đã có hành vi sai phạm.

Cụ thể, Bộ KH&CN tự ý đưa Cty Việt Á tham gia phối hợp thực hiện Đề tài theo đề nghị, tác động của Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng trái quy định của Luật KH&CN. Bộ KH&CN để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành cho Cty Việt Á trái quy định của Luật KH&CN…

Hành vi nêu trên đã tạo điều kiện để Cty Việt Á biến Test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Cty Việt Á, sản xuất, thương mại hóa, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân số tiền gần 19 tỷ đồng./.

Đọc thêm