Manh mối từ giàn nho chưa chín
Ngày 8/7/2009, Công an huyện Ô Lỗ Mộc Tề (Tân Cương, Trung Quốc) nhận được điện thoại của một phụ nữ báo tin chồng bị ngã từ giàn nho xuống đất, hiện đang bất tỉnh. Cảnh sát lập tức bảo người này gọi điện cho cấp cứu, rồi sau đó nhanh chóng đến hiện trường.
Người bị thương tên Sử Tiến (54 tuổi), thẩm phán về hưu của khu Đông Du (TP.Khắc La Mã, Tân Cương). Địa điểm xảy ra sự việc là nhà hàng của vợ Sử Tiến. Cảnh sát tiến hành thu thập thông tin, hỏi những người xung quanh thì câu trả lời đều giống nhau, Sử Tiến bị té ngã.
Em trai nạn nhân là Sử Lâm nghe tin vội vàng đến nơi, nhưng đến 5h chiều thì nạn nhân tử vong tại bệnh viện.
Sử Tiến vốn sinh ra ở thành phố Bình Lương, tỉnh Cam Túc, gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ hai anh em Sử Tiến phải tự chăm sóc nhau, tình cảm đặc biệt gắn bó. Năm 1971, Tiến đi lính, do lập nhiều công nên 5 năm sau được chuyển về làm cảnh sát tư pháp ở Tân Cương.
Công việc và cuộc sống ổn định, Tiến đón cha mẹ và em trai đến ở cùng. Thời gian này, Tiến kết hôn và sinh được 3 người con gái, do khó sinh nên đến người con thứ 3 thì vợ Tiến qua đời. Tiến một mình nuôi 3 con, đồng thời hỗ trợ em trai mở một công ty trang trí nội thất.
Lúc vợ mất, Tiến thề sẽ không tái hôn, nhưng 10 năm sau, sau khi hai con đầu đã đi làm, con gái út cũng đi du học, cuộc sống có phần cô đơn. Được mọi người giới thiệu, Tiến kết hôn với hiệu trưởng một trường cấp 3 tên Vĩ Hân. Hân cũng từng có một đời chồng. Sau khi lấy nhau, vợ chồng đối đãi nhau như khách, tình cảm mặn nồng. Tiến đột ngột mất đi khiến Hân cũng đau khổ vô hạn.
Về phần Sử Lâm, sau nỗi đau đớn, khi bình tĩnh lại, Lâm cảm thấy một điều rất lạ là, thời điểm này nho chưa chín, vậy không biết anh trai trèo lên giàn nho làm gì để đến nỗi gặp họa? Hơn nữa, Tiến vốn là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên dù có ngã từ trên giàn nho có độ cao vừa phải đó xuống thì cũng không thể tử vong được.
Lâm muốn hỏi chị dâu về nguồn cơn anh trai gặp nạn như thế nào nhưng không sao gặp được, gọi điện thì người này không nghe máy, mãi sau Lâm mới liên lạc được thì Hân nói một câu có vẻ không vui: “Chẳng phải cảnh sát đã nói cho cậu biết rồi còn gì? Cậu hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai?”. Không đợi Lâm kịp hỏi thêm, Hân vội vã tắt máy.
Lâm nghĩ lại, lúc ở hiện trường, điều trùng hợp là cả 7 anh chị em nhà Hân đều ở đó và có rất nhiều điểm khả nghi, vì vậy, Lâm tự hứa với lòng rằng nếu anh trai bị hãm hại mà chết thì nhất định phải làm rõ chân tướng sự việc.
Bắt đầu từ hy vọng nhỏ nhoi
Khi về nhà, Lâm nghe cha mẹ nói lại: “Chị dâu con cũng là người nhân nghĩa, nói Sử Tiến chết rồi nhưng Hân vẫn là con dâu, sau này nhà có việc gì cần chi tiêu thì cứ nói với Hân”. Sau đó, Hân còn để lại 200 ngàn nhân dân tệ cho cha mẹ người chồng quá cố chữa bệnh và cho con gái Sử Tiến đang học ở nước ngoài.
Lâm hỏi xem Hân còn nói gì nữa không thì cha mẹ cho biết cô ta bảo họ ký một giấy tờ gì đó nhưng họ nói phải đợi Lâm về xem rồi mới ký. Bỏ tờ giấy ra xem, Lâm tức giận khi phát hiện đó là bản thỏa thuận yêu cầu gia đình Tiến không tiếp tục truy cứu vụ việc trên.
Lâm nói cha mẹ tuyệt đối không được ký giấy, về sau có bất cứ việc gì phải bảo gia đình Hân gặp Lâm để giải quyết. Việc làm này của Hân khiến Lâm càng kiên định với nghi ngờ của mình.
Anh đề nghị cơ quan khoa học kỹ thuật hình sự khám nghiệm tử thi. Kết quả khiến Lâm không khỏi giật mình, Sử Tiến bị tổn thương não nghiêm trọng khiến hô hấp tuần hoàn suy giảm dẫn đến tử vong.
Ngày 10/7, Lâm an táng anh trai theo tập tục địa phương rồi quỳ trước mộ nói mình nhất định không thể để anh trai chết một cách mờ ám như vậy.
Ngày hôm sau, Lâm giao công việc cho trợ lý giải quyết để toàn tâm toàn ý tập trung vào việc tìm chứng cứ. Thế nhưng, chỉ trong hai ngày các nhân viên phục vụ và đầu bếp của nhà hàng nơi xảy ra vụ án đột nhiên biến mất một cách khó lý giải.
Điều này khiến Lâm càng tin tưởng rằng, cái chết của anh trai mình nhất định không thể là một việc ngoài ý muốn. Suốt mấy hôm sau đó, Lâm đi dò hỏi rất nhiều người nhưng đều không có kết quả. Lâm tiếp tục quay lại nhà hàng lần nữa, hi vọng có thể gặp được ai đó nhưng tại đây tuyệt nhiên không có một bóng người.
Trong lúc lầm lũi đi về thì một người già gọi Lâm quay lại hỏi có phải là em trai Sử Tiến hay không? Khi xác định rõ thân phận, người này cho Lâm biết một bí mật động trời: “Hôm anh trai cậu gặp nạn, anh ấy đi cùng một người đàn ông nữa đến, nhưng không biết người kia tên là gì? Tuổi khoảng 25-26 gì đó, anh ta cũng thường xuyên đến đó, mỗi lần đến đều đi xe thồ, lúc về thì chở một chút đồ ăn.
Nhìn bên ngoài có vẻ là một nông dân. Hôm ấy, anh ta vừa vào được một lúc thì hoảng hốt chạy ra, toàn thân mồ hôi ướt đẫm, hình như đã gặp điều gì đó rất sợ hãi”.
Nghe xong, Lâm cảm động cám ơn ông lão. Thế nhưng, nhân chứng cuối cùng này là ai? Anh ta ở đâu?
Bán cả công ty để tìm nhân chứng
Thế nhưng, Lâm chưa kịp đi tìm nhân chứng thì ngày hôm sau cảnh sát thông báo: Vĩ Đào, em trai Vĩ Hân đã ra đầu thú, thừa nhận anh ta đã vô tình gây ra cái chết cho Sử Tiến. Nghe vậy, trong lòng Lâm cũng được an ủi ít nhiều. Thế nhưng, Lâm lại lo lắng không biết Vĩ Hân có bảo lãnh tại ngoại cho người em này hay không?
Theo lời anh trai lúc còn sống, Lâm được biết mẹ Vĩ Hân qua đời từ sớm, Hân là chị cả nên phải thay mẹ lo lắng cho 6 người em còn lại, vì vậy họ đều rất kính trọng Hân. Tình cảm mà Hân dành cho Đào là tốt nhất, có lần Hân còn suýt chết đuối vì cứu Đào.
Hân là người thành công trong sự nghiệp, trước đây chồng cũ lại là quan chức chính phủ nên rất quảng giao. Các em đều đều có chức vụ hoặc mở công ty lớn, nhà rộng xe sang không thiếu thứ gì. Ở địa phương Hân được coi là người tương đối có tiếng tăm. Với một thế lực như vậy, rất có thể Vĩ Đào sẽ thoát tội.
Qủa không ngoài sự suy đoán của Lâm, nửa tháng sau, Vĩ Đào bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “Ngộ sát”. Tuy nhiên, do đã tự ra đầu thú, xét thấy có thể giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cho phép Hân bảo lãnh Đào ra ngoài đợi ngày xét xử.
Biết tin, Lâm vừa hận vừa lo lắng, anh tìm người tư vấn, luật sư cho biết: “Chỉ khi nào có chứng cứ hoặc nhân chứng đủ sức nặng thì mới có thể khiến Đào phải chịu tội thích đáng trước pháp luật”.
Lâm biết rằng, bằng mọi giá mình cần phải tìm được người nhân chứng đã chứng kiến sự việc. Để công việc tìm kiếm thuận lợi, Lâm quyết định chuyển nhượng công ty lấy 800 ngàn nhân dân tệ làm kinh phí.
Lúc đầu, Lâm lần lượt đi hỏi tất cả những người bán rau và thức ăn ở chợ, thậm chí bỏ qua cả bữa cơm trưa. Cuối cùng, sau hơn 10 ngày, một người thu phí của chợ cho anh biết, người mà anh cần tìm có thể tên là Dương Tiêu. Bởi vì thời gian gần đây Tiêu không đến chợ nữa.
Người này cung cấp một địa chỉ đại khái của Tiêu dường như ở đội 6 khu An Ninh. Với chừng đó thông tin ít ỏi, Lâm tìm gặp Dương Tiêu. Khi gặp Lâm, Dương Tiêu vô cùng kinh ngạc, lúc này Tiêu mới biết Sử Tiến đã dời xa nhân thế.
Thì ra, ngày 8/7, như thường lệ, hôm đó Tiêu đến nhập hàng như mọi hôm, khi đứng sau cánh cửa thì thấy Vĩ Đào đấm một phát rất mạnh vào ngực Sử Tiến khiến anh loạng choạng ngã xuống đất rồi cầm chiếc ghế đập mạnh vào phía bên phải đầu Sử Tiến, nạn nhân chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi gục xuống bất tỉnh, mắt mũi tai miệng đều chảy máu. Các đầu bếp trong nhà hàng vội chạy đến sơ cứu nhưng Tiến không tỉnh lại nữa…
Sau đó, quá hốt hoảng nên Dương Tiêu chạy về nhà uống liền 2 chai bia rồi đi ngủ, hôm sau tỉnh dậy thì bị cảm nặng, hơn chục hôm liền không đến chợ nên Lâm không tìm được anh ta.
Trong lúc Lâm cố gắng thuyết phục Tiêu đứng ra làm nhân chứng thì được biết, ngay ngày hôm sau Hân đã tìm đến cho gia đình Tiêu 100 ngàn nhân dân tệ với ý định khiến Tiêu im tiếng.
Khi Lâm gặp lại Tiêu, Tiêu cho biết bản thân không muốn cầm số tiền bất nghĩa đó, nhưng Hân đặt trên bàn rồi lái xe đi thẳng. Tiêu còn nói tiếp, thời gian gần đây nhà mình có nhiều người lạ mặt mũi bặm trợn hay đi qua lại nên rất lo sợ. Đêm đến còn có những cuộc gọi dọa dẫm Tiêu chỉ nên chăm chỉ làm ăn, đừng dại tìm phiền phức, nếu không sẽ giết cả nhà. Bây giờ, ngày nào Tiêu cũng sống trong sự thấp thỏm lo lắng.
Nghe xong, Lâm không biết phải an ủi thế nào. Tiêu nói thẳng rằng bản thân không sợ gì, nhưng vì an nguy của cả gia đình nên cũng không thể ra làm chứng được, hi vọng Lâm có thể hiểu hoàn cảnh của mình.
Từ nhà Tiêu đi ra, Lâm vô cùng tuyệt vọng, đầu óc quay cuồng mất phương hướng. Luật sư sau đó khuyên Lâm nên tìm cách mời Tiêu đến văn phòng kể lại sự việc để ghi âm, đồng thời phải tìm mọi cách bảo vệ nhân chứng.
Tối về nhà, sau khi bàn với vợ, Lâm quyết định thuê lại một khu nghỉ dưỡng với giá 500 ngàn tệ/năm, cách huyện Ô Lỗ Mộc Tề 80km, đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng anh em.
Sau đó, Lâm tìm gặp Tiêu cho biết, để khắc ghi tình anh em, mình vừa mở một khu nghỉ dưỡng nhưng không có người trông coi, nay muốn mời Tiêu làm quản lý, lương mỗi tháng 2000 tệ.
Tiêu biết ý định của Lâm nên cho biết, mình cũng muốn tránh mặt khỏi sự đeo bám làm phiền của Vĩ Hân nên sẽ đến đó. Lâm cũng hứa sẽ thường xuyên đến chăm sóc gia đình Tiêu để Tiêu có thể yên tâm làm việc.
Tuy khu nghỉ dưỡng kinh doanh ảm đạm nhưng hàng tháng Lâm vẫn trả lương đều đặn, mỗi lần đến đều cùng Tiêu uống rượu tâm sự. Thời gian lâu dần, hai người thân thiết như anh em.
Sau 2 năm, tết 2011, cha Tiêu bị bệnh tim phải nằm viện, chi phí chữa trị quá lớn nên gọi điện dò hỏi mượn tiền Lâm. Lâm lập tức đem toàn bộ chi phí chữa trị đến cho Tiêu, ngoài ra còn để lại cho Tiêu 20 ngàn tệ.
Sự khảng khái của Lâm khiến Tiêu vô cùng cảm động nên sau đó gọi điện cho Lâm: “Anh Lâm, những lời cảm ơn tôi không nói nữa, tôi biết nỗi đau trong lòng anh. Kỳ thực, Sử Tiến cũng là người anh em tốt của tôi, lẽ ra từ trước tôi phải giúp anh, nhưng vì lúc đó tôi suy nghĩ lo sợ quá nhiều. Bây giờ thì khác, anh yên tâm, đến lúc xét xử, tôi sẽ làm chứng, giúp anh trai anh rửa nỗi oan khuất”.
Nghe xong, Sử Lâm khóc không thành tiếng nói cám ơn Dương Tiêu.
Ngày hung thủ đền tội
Ngày 4/6/2011, tòa án nhân dân huyện mở phiên xét xử vụ án trên, tại tòa, giữa lúc luật sư của Vĩ Hân và Sử Lâm tranh tụng kịch liệt thì Dương Tiêu đột nhiên xuất hiện kể lại toàn bộ những gì mình nhìn thấy hôm đó.
Lúc này, Hân không còn giảo hoạt biện minh nữa mà nhanh chóng khai nhận toàn bộ những sự việc. Từ chính miệng Hân, Sử Lâm mới biết được chân tướng anh trai mình chết thảm ra sao.
Theo đó, do Hân có quen với hiệu trưởng trường cấp 2 nông nghiệp nên Vĩ Đào bao thầu nhà ăn của trường này, Vĩ Mẫn thì thầu một mảnh đất hoang cho Sử Tiến trồng rau, một phần cung cấp cho nhà ăn, phần còn lại thì bán ra chợ.
Một lần, Sử Tiến mất mấy con gà, nghi ngờ nhân viên nhà hàng của Vĩ Đào bắt trộm nên hai người xảy ra cãi vã. Đào nói những câu mỉa mai hết sức khó nghe, nói Tiến không có tài cán, bám váy chị gái mình. Sau đó, Đào đem tiền đến ném cho Tiến nói là tiền bồi thường rồi huênh hoang bỏ đi.
Vì việc này, Sử Tiến rất tức giận, tối đến định nói lại với vợ nhưng thấy Hân đang nghe điện thoại nên thôi. Nghe điện xong, Hân cau mày khó chịu nói nhà Tiến thật lắm chuyện, mấy hôm trước mẹ Tiến mới nằm viện mất hơn 10 ngàn tệ, giờ con gái lại đòi 5 ngàn, Hân làm gì có nhiều tiền thế.
Tiến nén cơn giận nói chẳng phải tháng trước mới đưa cho Hân 20 ngàn tiền bán rau còn gì. Tiến chưa nói xong thì Hân quát Tiến là đàn ông mà chỉ biết trồng rau nuôi già, tiền lương của Hân đều phải bù đắp cho nhà Tiến hết. Tiến biết Đào nói mình không có tài cán là do vợ thường phàn nàn với người bên ngoài nên tức lắm, vì vậy hai người cãi nhau kịch liệt.
Tiến giận run người, sau đó đi mua rượu rồi đến nhà Dương Tiêu cùng uống tâm sự. Còn Hân thì chạy đến nhà em trai tức giận kể lại việc mình vừa chịu uất ức, Đào định đi tìm Tiến để nói chuyện ngay nhưng Hân cản lại. Thấy vậy, Đào cũng tức thay cho chị gái, thề sẽ phải bảo vệ Hân trước Tiến. Sau đó Đào gọi các anh em khác đến để họp gia đình.
Ngày hôm sau, khi Tiến đến khu trồng rau nuôi gà của mình thì chị em Hân đã ở đó đợi sẵn. Đào mặt đằng đằng sát khí yêu cầu Tiến cùng mình đến nhà ăn để nói chuyện. Đến nơi, Đào đóng cửa và cài then trong. Do trước đó Dương Tiêu đến nhập hàng, nhìn thấy hai người từ xa, tình hình có vẻ không ổn nên chạy ra nấp sau cửa sổ nhìn vào và đã chứng kiến toàn bộ sự việc.
Sau khi Tiến bất tỉnh, Đào nhanh chóng lấy tiền chia cho mọi người trong quán ăn, tổng cộng 17 người để đồng nhất khai với cảnh sát là Tiến ngã từ giàn nho xuống. Nếu giữ lời thì tất cả đều được tăng lương, cuối năm thưởng nhiều. Khi Tiến tử vong, Đào đã sắp xếp cho tiền những người chứng kiến đồng thời đe dọa và cho họ về quê.
Chân tướng sự việc cuối cùng được làm rõ, ngày 23/7/2011, tòa án đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án trên. Lúc này, Sử Lâm mới thở dài khóc nấc lên than rằng cuối cùng cũng có thể an ủi linh hồn anh trai trên thiên đường.
Chỉ vì một lần vợ chồng cãi nhau mà Vĩ Hân đã lôi cả gia đình vào rồi gây ra tội ác giết người, sau đó lại dùng tiền và đe dọa để bịt miệng những người chứng kiến. Điều này còn là tội ác lớn hơn cả tội giết người. Thế nhưng, những người vì lợi ích của mình mà lựa chọn cách không tố cáo tội ác cũng chính là những đồng đảng của kẻ giết người./.