Chị càng sốc hơn khi nghe tin nghi phạm giết con mình bị tâm thần và sẽ không bị xử lý hình sự. Hết nỗi đau mất con, lại phải đối diện nỗi đau của sự vô tâm. Chính quyền phường 5 chối bỏ trách nhiệm về công tác tuyển dụng nghi phạm. Chị nói vậy là con mình chết oan nhưng không ai chịu trách nhiệm về cái chết đó.
Bảo vệ dân phố có bệnh án tâm thần
Đối tượng Hoàng Nhất Giang (SN 1983, ngụ phường 5, quận 11, TP HCM), là đối tượng sát hại cháu Nguyễn Huỳnh Vũ Khanh (sáu tuổi) vào ngày 26/11/2017 vừa mới được kết luận là tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Kết luận này gây hoang mang cho gia đình cháu Khanh và nhận được sự bức xúc từ người dân trong khu vực. Bởi lẽ Giang là bảo vệ dân phố nhưng lại bị tâm thần. Như vậy khâu tuyển dụng bảo vệ dân phố chắc chắn có vấn đề sai sót nghiêm trọng.
PLVN quay lại hiện trường vụ án, tìm gặp chị Vầy Thị Mộng Tuyền (SN 1987, ngụ quận Tân Phú) để biết thêm về sự việc. Chỉ sang bên kia đường, phía chốt bảo vệ dân phố nơi Giang từng trực chiến tại đây, người mẹ kể: “Không ai nghĩ nó (nghi phạm Giang) bị tâm thần. Suốt hai năm đóng chốt ở đây, nó rất bình thường, lễ phép, chưa bao giờ gây chuyện với ai. Nó thương cháu Khanh lắm. Cháu Khanh và em gái thường qua chốt chơi với nó. Vậy mà không hiểu sao nó ra tay dã man với đứa bé vô tội như vậy”.
Theo đó, khoảng 13h ngày 26/11/2017, Giang đang trực ở chốt, thấy cháu Khanh đi từ nhà trên vỉa hè đến tiệm tạp hóa mua kẹo. Giang cầm dao (loại dao cạo râu) đuổi theo và cắt vào cổ cháu Khanh. Do vết cắt quá nặng, trúng động mạch chủ, mất nhiều máu nên cháu Khanh chạy được đoạn ngắn là gục ngã.
Chốt dân phòng nơi Giang làm bảo vệ dân phố |
“Thời điểm xảy ra vụ án, đoạn đường rất vắng người, có một số người chứng kiến nhưng họ quá sợ hãi trước hành vi manh động của Giang nên không kịp kêu cứu, ngăn cản. Nghe ồn ào, tôi chạy ra, thấy cháu nằm ở ngay lề đường, tưởng cháu bị tai nạn giao thông chứ không hề biết bị Giang dùng dao cứa cổ. Tôi ôm cháu và được một người chở đi bệnh viện nhưng không cứu được”, người mẹ kể.
Còn anh Vầy Mộng Sang, cậu ruột cháu Khanh, bức xúc: “Tôi chạy theo, nghe mấy người chứng kiến bảo “thằng Giang giết cháu mày đó”. Tôi không tin vì thường ngày nó hiền lắm, không gây sự với ai. Nó cũng thương cháu Khanh, thường sang nhà chơi, bế bồng cháu. Tôi nhìn sang chốt, thấy nó đứng chống nạnh ngay cửa.
Quá tức giận, tôi chạy về nhà, cầm một khúc cây qua hỏi tội nó. Nhưng chưa kịp làm gì thì nó dùng con dao đâm tôi. Tôi tránh được nhưng vẫn bị thương ở tai. Hôm đó tôi mới xuất viện vì bị thủng ruột, chứ không nó chết với tôi rồi. Thử hỏi, cháu tôi mới sáu tuổi, có gây thù chuốc oán, có làm hại gì ai đâu mà nó giết dã man. Thà rằng nó giết một người lớn, ngang hàng phải lứa thì còn ít bức xúc, tức giận”.
Ngay sau đó Giang bị bắt giữ. Tuy nhiên, phía gia đình Giang cung cấp cho cơ quan điều tra bệnh án Giang từng bị tâm thần trước và thời điểm làm bảo vệ dân phố, Giang vẫn đang phải điều trị. Giang được đưa đi giám định tâm thần.
Mới đây nhất, ngày 27/2/2018, chị Tuyền nhận được thông báo của cơ quan điều tra với nội dung “Giang bị tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Kết luận nêu rõ trước, trong và sau khi gây án, Giang bị tâm thần phân liệt, thể hoang tưởng, giai đoạn đang tiến triển.
Nghi phạm Hoàng Nhất Giang |
Gia đình chị Tuyền băn khoăn trước câu hỏi tại sao một người tâm thần lại được tuyển dụng làm bảo vệ dân phố: “Sao người ta tuyển nó vào làm bảo vệ dân phố? Còn gia đình nó, sao không nói rõ khi người ta tuyển dụng? Sao không có trách nhiệm với con mình, để đi ra ngoài gây án như vậy?”. Chị Tuyền dường như đang hỗn loạn tinh thần, không biết phải nghĩ, phải tin vào hướng nào cho đúng.
Một tuần mất hai đứa con
Trong căn nhà mặt tiền đường bề ngang chừng 2m là nơi cha mẹ chị Tuyền cho nhiều đứa con ở, vợ chồng và năm đứa con chị Tuyền cũng tá túc tại đây. Chị Tuyền thường ngày lấy heo đất từ Lái Thiêu và bán dạo ở các chợ, mỗi ngày mong kiếm trăm ngàn nuôi sống cả nhà. Chị bảo một mình chị nuôi năm đứa con và nuôi cả người chồng không làm ra nhiều tiền.
Ít ai biết được rằng người phụ nữ 31 tuổi, có năm con nhưng trong một tuần phải mất đi hai đứa. Cú sốc đầu tiên là việc cháu Khanh bị sát hại. Cả nhà đau xót, lo đám tang rồi cúng rước vong. Trong thời gian này, con gái chị Tuyền mới 14 tháng tuổi không hiểu vì sao trở chứng ho.
Gia đình đang bận rộn tang gia và vừa mới trải qua một bi kịch nên khi thấy cháu ho cứ nghĩ bình thường. Chị mua thuốc cho cháu uống nhưng tình hình không giảm. Một tuần sau ngày cháu Khanh mất, chị Tuyền đưa con vào bệnh viện nhi khám. Bác sĩ cho nhập viện cấp cứu nhưng không cứu được. Cháu bé bị ho dẫn đến xuất huyết, viêm phổi nặng, gây tử vong.
“Thời điểm đó, tôi đang mang thai sắp sinh, sốc lắm. Một tuần chịu đựng hai nỗi đau. Phải gắng gượng lắm tôi mới vượt qua được vì còn hai đứa con nhỏ và một đứa sắp sinh. Như người khác có lẽ họ sẽ điên mất. Nhưng tôi vẫn phải chịu đựng và vẫn phải đẩy xe khắp các chợ bán buôn kiếm sống cho cả nhà”, chị Tuyền nói.
Hết nỗi đau mất con, lại phải đối diện nỗi đau của sự vô tâm. Chính quyền phường 5 Quận 11 chối bỏ trách nhiệm về công tác tuyển dụng nghi phạm. Họ cứ bảo tuyển dụng đúng quy trình. Còn gia đình Giang chỉ đến một lần. Đến không phải để thăm hỏi, động viên, nói một lời cho chị Tuyền bớt chút đau xót nào, mà họ đến để đưa 20 triệu đồng và yêu cầu chị Tuyền viết đơn bãi nại, ra tòa làm chứng là Giang bị tâm thần để khỏi phải ở tù.
“Chính quyền phường 11 và gia đình Giang đến cùng một lúc. Và một lần đó thôi, họ không quan tâm gia đình tôi đau khổ thế nào. Có một lần, khi tôi mới sinh con được hai ngày, mẹ Giang gọi điện. Tôi tưởng hỏi thăm. Nhưng bà ấy nói rằng: “Khi nào ra tòa con làm chứng cho cô về việc thằng Giang bị tâm thần nghe. Cô sẽ cho nó vào điều trị ở bệnh viện. Con làm chứng thì cô sẽ hỗ trợ con ít tiền nhưng cô không có nhiều đâu.””, chị Tuyền kể.
Kết luận giám định với nghi phạm |
Vẫn lời chị Tuyền: “Một người mẹ thương con là thường nhưng mẹ Giang không nghĩ đến người khác. Bà ấy có nghĩ đến nỗi đau của tôi đâu. Tôi nghèo nhưng đâu chỉ có cần tiền. Tôi không đánh đổi mạng sống con mình bằng tiền. Dẫu biết việc Giang gây án không phải ý muốn của người nào. Nhưng nói một lời thông cảm, một lời nhân đạo với nhau có phải dễ nghe, dễ tha thứ hơn không. Sao lại cứ lấy tiền ra làm gì?”, chị Tuyền nói.
Chị Tuyền tỏ ra hoang mang khi “nghe người ta nói sẽ không xử lý một kẻ tâm thần”. Chị nói vậy là con mình chết oan nhưng không ai chịu trách nhiệm về cái chết đó. Còn người cậu nói đến chuyện này lại gầm lên: “Nó bị tâm thần, hãy để nó ra ngoài đi. Nó ra ngoài cho tôi, không ai xử tôi sẽ... tôi sẽ... liều mạng với nó. Tôi tức quá, cháu tôi chết oan mà sao người ta nói chuyện vô cảm đến vậy. Tôi sẽ liều...”. Phải mất hồi lâu, anh Sang mới lấy lại bình tĩnh,
PV PLVN đã tìm đến trụ sở UBND phường 5, Quận 11 nhằm làm rõ quy trình tuyển dụng và tại sao lại lọt một người tâm thần vào lực lượng bảo vệ dân phố để rồi xảy ra vụ thảm án đau lòng với cháu bé. Tuy nhiên Chủ tịch phường được cho là đã đi họp.
Người tiếp PV chỉ nói: “Hiện phường chưa nhận được thông báo về việc Giang bị tâm thần từ cơ quan điều tra. Nhưng phát ngôn là chủ tịch phường nên các anh chị để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ liên lạc sau”.