Vụ ngộ độc khi ăn bánh mỳ Phượng ở Hội An: Ghi nhận ca bệnh gia tăng lên 141 người

(PLVN) - Theo thống kê mới nhất của Sở Y tế Quảng Nam, đến chiều ngày 14/9, số ca bệnh bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng ở Hội An đã tăng lên 141 người. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cũng đã lấy mẫu gửi viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm nguyên nhân vụ ngộ độc. 

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ Phượng ở TP Hội An, thống kê mới nhất của ngành y tế Quảng Nam cho thấy, hiện số ca bệnh đã lên đến 141 người. Thông tin trên vừa được TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam xác nhận vào chiều nay (14/9).

Theo ông Mười, trong số 141 người bị ngộ độc, có 34 người là công dân ngoại quốc. Hiện các ca bệnh đang được điều trị tại bệnh viện Thái Bình Dương (Hội An), bệnh viện Vĩnh Đức (Điện Bàn) và các cơ sở y tế tại TP Đà Nẵng.

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, hiện ngành y tế địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm tại tiệm bánh mỳ Phượng và gửi vào viện Pasteur Nha Trang để phân tích. Dự kiến khoảng 7 đến 10 ngày sẽ có kết quả.

Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiến hành lấy mẫu tại tiệm bánh mỳ Phượng đưa đi kiểm nghiệm.

Đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiến hành lấy mẫu tại tiệm bánh mỳ Phượng đưa đi kiểm nghiệm.

Trước đó, chiều 12/9, khi tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ Phượng (đường Phan Châu Trinh TP Hội An), Trung tâm y tế (TTYT) TP Hội An đã thành lập đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm.

Qua khai thác thông tin, đoàn đã ghi nhận ngoài 5 người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nói trên, còn có nhiều người khác đang nằm điều trị tại các bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Đến 18 giờ ngày 12/9, đoàn ghi nhận tổng cộng 31 người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ. Tuy nhiên, đến 17 giờ ngày 13/9, số ca có biểu hiện bị ngộ độc tăng lên 91 người, do các bệnh nhân cấp cứu tại nhiều bệnh viện khác nhau.

Thời gian ăn bánh mì của các bệnh nhân rải rác từ 8 giờ ngày 11/9 đến 20 giờ cùng ngày. Khoảng cách giữa thời gian xuất hiện triệu chứng và thời gian ăn ít nhất là 2 giờ, nhiều nhất là 16 giờ (thời gian ủ bệnh từ 2-16 giờ). Hầu hết các bệnh nhân đều có triệu chứng nôn mửa, đau bụng, sốt cao, đi tiêu lỏng nhiều lần và kéo dài.

Sau khi nắm bắt thông tin, cơ quan chức năng đã lấy mẫu tiệm bánh mỳ Phượng và yêu cầu cơ sở này tạm dừng hoạt động trong khi chờ kết quả.

Cơ quan chức năng yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm thời ngừng hoạt động.

Cơ quan chức năng yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm thời ngừng hoạt động.

Ở diễn biến liên quan, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 11/9, tiệm bánh mì Phượng đã bán 1.920 ổ bánh mỳ. Ngày 12/9, cơ sở này bán 1.700 ổ. Kết quả kiểm tra cho thấy, khu vực sơ chế của cơ sở này chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.

Quán không lưu bánh mỳ, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn trong một ngày. Cơ sở này không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh (thùng rác tại khu vực sơ chế, chế biến không có nắp đậy). Các dụng cụ sơ chế, chế biến chưa đảm bảo vệ sinh (máy xay thịt).

Sau khi nắm thông tin, chiều 13/9, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu tạm thời đình chỉ hoạt động của cơ sở bánh mỳ Phượng, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở; truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, điều tra xác định rõ căn nguyên vụ việc theo quy định.

Đọc thêm