Bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỷ đồng
Thông tin bên lề Hội nghị ngành Tài chính vừa diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt CCBVL), đến nay CCBVL đã nộp số tiền thuế gốc hơn 471 tỷ đồng, trong đó số thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị truy thu là hơn 60 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 359 tỷ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỷ đồng…
Trước đó, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Thuế, ngoài số tiền thuế truy thu hơn 471 tỷ đồng, cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỷ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Ngoài ra, CCBVL còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, CCBVL phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16/12/2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước. Tổng cộng số tiền CCBVL bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp đến thời điểm 16/12/2019 là hơn 821,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua thanh tra cơ quan thuế còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỷ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỷ đồng, giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12/2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, CCBVL phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Quá thời hạn trên, CCBVL sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành. CCBVLcó quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này.
Chỉ là tạm nộp?
Trao đổi với PLVN, đại diện CCBVL ông Peeyush Sharma, Tổng Giám đốc CCBVL cho biết, từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2019, Tổng cục Thuế Việt Nam đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại CCBVL, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 – 2015.
“CCBVL đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán…”- ông Peeyush Sharma khẳng định.
Lý giải về số thuế khai sai, đại diện CCBVL cho rằng, trong quá trình thanh tra, CCBVL nhận thấy rằng, trong 9 năm hoạt động từ 2007 - 2015 tại Việt Nam, đã có một số nhầm lẫn về diễn giải đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của CCBVL.
Ông Peeyush Sharma gọi đó là những “sai sót nhỏ”, những “nhầm lẫn không đáng có” này dẫn tới kết quả có một vài “thiếu sót” trong việc kê khai chứng từ thuế đối với các giao dịch không liên kết làm phát sinh số tiền thuế và tiền phạt phải nộp cho TNDN, GTGT, thuế nhà thầu nước ngoài.
Đại diện CCBVL cũng cho biết, CCBVL bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam vào năm 1994, nhưng phải từ năm 2013 trở đi, CCBVL mới có lợi nhuận và CCBVL bắt đầu nộp thuế TNDN từ năm 2015 sau khi đã khấu trừ các khoản lỗ được kết chuyển theo luật Việt Nam.
Tính từ năm 2015 tới nay, CCBVL đã đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách nhà nước thông qua các hình thức thuế khác nhau như thuế nhập khẩu, GTGT, thuế khấu trừ tại nguồn, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, chi phí bản quyền và thuê đất ... Trong số đó còn bao gồm khoảng 32 triệu USD tiền thuế TNDN.
Tổng Giám đốc CCBVL cũng xác nhận số tiền hơn 471 tỷ đã nộp cho cơ quan thuế nhưng đây là số tiền tạm nộp được ấn định trên các hạng mục chưa thống nhất với Tổng cục Thuế theo thời hạn 10 ngày dù CCBVL không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế.
“CCBVL giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu đã được nộp lên Tổng cục Thuế trong đợt thanh tra. CCCBVL sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ có liên quan cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết PTBV của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam…”- Tổng Giám đốc CCBVL nhấn mạnh.
Được biết, CCBVL là một trong 2 DN PTBV nhất tại Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh trong hai năm liền 2018 - 2019. Đồng thời công ty cũng nhận Giải nhì trong danh sách Nhà tuyển dụng được yêu thích hàng đầu tại Việt Nam và được bình chọn là một trong những DN có môi trường làm việc tốt nhất hiện nay ở Việt Nam trong các năm gần đây.
Tổng thư ký VCCI:
Hai bên tranh luận cách tính thuế nhiều năm nay
Xung quanh việc Coca Cola Việt Nam (CCBVL) 2 năm liên tiếp được xếp hạng DN phát triển bền vững (PTBV), PLVN đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự PTBV.
Quan điểm của ông như thế nào về vụ việc này?
- Đây là việc đàm phán lâu năm giữa Tổng cục Thuế và CCBVL và còn nhiều điều 2 bên đang tranh luận. Bên CCBVL nói rằng DN không trốn thuế mà là do cách tính. Tôi được biết, trước khi có quyết định của Tổng cục Thuế, CCBVL cũng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để đề nghị có một mức tính thỏa đáng. Sự việc diễn ra trong mấy năm vừa rồi và vẫn chưa có hồi kết.
Tôi cho rằng trong làm ăn kinh doanh việc tôn trọng pháp luật là đương nhiên, nhưng cách tính thuế như thế nào? Bởi ngay pháp luật của mình cũng có sự chồng chéo. Tôi thì nghĩ CCBVL vận dụng các quy định để tính theo cách có lợi cho DN. Còn bên Tổng cục Thuế thì theo quy định của pháp luật. Cho nên, để tôn trọng quyết định của Tổng cục Thuế, CCBVL đã nộp tiền và DN tiếp tục có kiến nghị với Tổng cục Thuế để đưa ra giải pháp phù hợp cho cả 2 bên, bởi CCBVL cũng cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Hiện CCBVL đã nộp tiền theo quy định nhưng có thể DN sẽ khiếu nại…
Trở lại việc CCBVL được xếp hạng DN PTBV, cho đến thời điểm xét xếp hạng, chưa có quyết định nào của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về vấn đề này, mà DN làm tốt thì Hội đồng vẫn xem xét xếp hạng. Năm 2020 này, nếu CCBVL vẫn tham gia xếp hạng thì chúng tôi cũng vẫn sẽ làm theo các quy định hiện hành, trong đó có tham vấn ý kiến của các bên liên quan…
Trong 17 chỉ tiêu PTBV mà Việt Nam cam kết tham gia, có chỉ tiêu về chấp hành pháp luật, nghĩa vụ thuế không, thưa ông?
- Thực ra đó là 17 chỉ tiêu chung, trong mỗi chỉ tiêu có 1 chùm chỉ số và 17 chỉ tiêu này có 169 chỉ số, trong đó có nội dung này. Nhưng việc DN cam kết PTBV và việc tuân thủ các quy định của pháp luật nước sở tại cũng như pháp luật quốc tế và đương nhiên. Hai việc đó là tách bạch nhau. Không thể nói DN thực hiện PTBV nhưng lại không tuân thủ pháp luật về thuế hay ngược lại, DN tuân thủ pháp luật về thuế nhưng lại không đóng góp cho xã hội…
Thưa ông, giả sử CCBVL vi phạm pháp luật thuế, hay bất cứ DN nào đã được xếp hạng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm thì có xem xét bỏ tên ra khỏi bảng xếp hạng?
Trong 4 năm tổ chức xếp hạng DN PTBV, chưa có trường hợp nào phải xem xét lại. Nếu vụ việc này rõ ràng, có kết luận mười mươi của cơ quan chức năng cao nhất, Ban Chỉ đạo sẽ họp và xem xét việc bỏ tên DN ra khỏi Bảng xếp hạng…
Xin cảm ơn ông!
Thanh Lan (thực hiện)