Vụ thách đấu giữa các võ sĩ: “Bẫy” hư danh, coi chừng phạm luật!

(PLO) - Thời điểm này, võ sĩ Flores, môn phái Vịnh Xuân Nam Anh ở Canada lại tiếp tục gây”sóng gió” giới võ thuật Việt với những lời thách đấu hàng loạt. Đáng nói là, dường như đằng sau những lời thách đấu với các nhân vật khá có tiếng này là một “cái bẫy” không hề liên quan đến tinh thần thượng võ.

Liên tục thách đấu

Lần thi đấu trước, Flores đã gây được tiếng vang khi thách đấu giao lưu và giành thắng lợi trước hai võ sĩ Việt Nam là ông Đoàn Bảo Châu, võ sư karate và võ sư Vịnh Xuân Trần Lê Hoài Linh, đồng thời “ở lì” trước nơi dạy võ của chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt để thách đấu nhưng không được nhận lời.

Lần này, sau 9 tháng, Flores tiếp tục đến Việt Nam và buông lời thách đấu với các võ sư như Tuấn “hạc”, người từng đánh bại Flores nhiều năm trước, thách đấu nhà vô địch boxing SEA Games 28 Trương Đình Hoàng, và cả…diễn viên võ thuật Johnny Trí Nguyễn. Những thách đấu này đã gây xôn xao không chỉ giới võ thuật mà toàn bộ dư luận. Cho đến nay, những người trong cuộc đã đưa ra nhiều bình luận, phát ngôn càng làm cho sự việc nổi tiếng hơn. 

Tuy nhiên, đằng sau tất cả những màn thách đấu nói trên, có rất nhiều điều “bất ổn” đang được giới võ thuật chỉ ra.

Các võ sư của Liên đoàn võ thuật Việt Nam cũng khẳng định, việc Flores thách đấu và thắng các võ sư Bảo Châu, Hoài Linh… không nói lên được thực lực thật sự của đôi bên, vì chênh lệch tuổi tác, hạng cân quá lớn. Flores có quá nhiều ưu thế về tuổi trẻ và cân nặng so với các võ sư đã lên hàng “lão” nói trên. Còn với các cuộc thách đấu mới đây nhất của Flores, ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Việt Nam nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam chưa cho phép các giải đấu mang tính cá nhân như trên, và “công an sẽ ập đến ngay nếu cuộc đấu diễn ra”.

Theo ông, luật Việt Nam chỉ cấp giấy phép cho các đơn vị tổ chức, thi đấu các môn thể thao thuộc hệ thống quốc tế của Ủy ban Olympic, hoặc ít nhất phải nằm trong hệ thống thi đấu của Tổng cục TDTT.

Tạo “bẫy” hư danh để cầu lợi?

Có thể thấy, Flores đang thành công khi “tạo sóng gió” trong giới võ thuật Việt. Nhìn vào cách mà Flores thách đấu các võ sư trong nước để thấy, tuy có vẻ “bất chấp” và ngông cuồng, nhưng thực tế, đó đều là những nước cờ đã được Flores và những người đứng sau lưng anh ta vạch sẵn. Đối tượng mà Flores lựa chọn, không giống nhau về cân nặng, về tuổi tác hay môn phái, nhưng đều là những người có tiếng về võ thuật hoặc ngoài võ thuật. 

Cả việc thách thức diễn viên điện ảnh Johnny Trí Nguyễn cũng là một hành động hết sức “lạ lùng” của một võ sĩ, nó thể hiện rõ ý đồ của Flores, cái mà anh ta hướng đến không phải là tinh thần cầu tiến, muốn học hỏi ở đối thủ, mà có lẽ là sự chú ý của dư luận khi thách đấu một diễn viên võ thuật nổi tiếng của Việt Nam.

Và cách thức thách đấu cũng hết sức “bất minh”: Chỉ thách đấu trên truyền thông, thông qua truyền miệng, đồn đại. Cho đến nay, cả nhà vô địch boxing SeaGame 28, võ sư Tuấn “hạc” và diễn viên Johnny Trí Nguyễn, chưa ai thực sự nhận được thư thách đấu của Flores như anh ta đã tuyên bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Nhiều người cho rằng, Flores chỉ đưa ra thách đấu thực sự với những đối thủ chênh lệch tuổi tác, hạng cân mà mình chắc thắng, còn các đối thủ đáng gờm, thực chất Flores chỉ “đấu võ miệng” để thu hút dư luận mà thôi.

Với những hành vi thách đấu của Flores, có thể thấy động thái của Johnny Trí Nguyễn và Trương Đình Hoàng khá thận trọng, các võ sĩ này trả lời một cách tiết chế là nếu nhận được thư thách đấu chính thức sẽ cân nhắc và chỉ nhận lời tham gia thi đấu khi buổi thi đấu được cấp phép, có sự cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng được bình tĩnh như thế. Một vài võ sư đã nhận lời thách đấu với Flores và liên tục đáp trả trên truyền thông, gây thêm ồn ào dư luận. Nhiều người trong giới võ học thậm chí còn “nóng mặt” thách đấu ngược Flores…

Cần phải nhìn nhận rằng, tất cả những điều này chỉ là cái “bẫy” hư danh mà Flores và những người đứng sau giới võ thuật Việt nhằm đạt mục đích cho bản thân mình chứ không hề với tinh thần võ thuật. Dù thắng, dù thua, thì Flores và ê kíp vẫn sẽ được nhiều hơn mất. Nếu không đủ tỉnh táo, nhiều võ sư ở Việt Nam rất có thể sẽ dính bẫy, thậm chí vi phạm pháp luật, chỉ để làm lợi cho người khác. 

Luật sư Tô Việt Yên, trưởng văn phòng LS Tô Việt Yên, Đoàn LS TP.HCM:

Trận đấu không bị cấm nếu chỉ trao đổi, học hỏi võ thuật!

Có thể thấy việc thách đấu võ giữa Flores và Tuấn “hạc”, Trí Nguyễn là thi đấu võ tự do vì không cùng hạng cân, không cùng môn phái. Đây là hành vi tự phát của các võ sư vì thi đấu không theo giải đấu nào. Theo danh mục Luật thi đấu các môn thể thao của Bộ văn hóa thể thao và du lịch thì mới chỉ có quy định về thi đấu judo, boxing, vovinam, võ cổ truyền, karate – do, pencak silat. Vì vậy, trong trường hợp các võ sư muốn xin phép tổ chức  thi đấu võ tự do thì cũng không được vì hiện nay chưa có quy định về Luật thi đấu võ tự do. Về nguyên tắc thì công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nên nếu các võ sư chỉ trao đổi võ thuật, học hỏi võ thuật và giao lưu thi đấu không mang tính đối kháng, sát thương thì không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu thi đấu mang tính đối kháng, sát thương thì hành vi đó là hành vi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Còn nếu như thi đấu mà xảy ra thương tích hoặc chết người thì có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Đọc thêm