Vụ tham ô tại Phú Thọ, chưa đúng người đúng tội

TAND tỉnh Phú Thọ vừa xét xử sơ thẩm đối với 17 bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản, với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát đã xin rút hồ sơ để điều tra bổ sung vì vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa có dấu hiệu cho thấy việc truy tố chưa phù hợp với bản chất hành vi phạm tội.

TAND tỉnh Phú Thọ vừa xét xử sơ thẩm đối với 17 bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản, với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát đã xin rút hồ sơ để điều tra bổ sung vì vụ án còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa có dấu hiệu cho thấy việc truy tố chưa phù hợp với bản chất hành vi phạm tội.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Thủ kho trộm phôi thép đi bán

Năm 2011, Cty Cổ phần Thép Sông Hồng (vốn nhà nước chiếm 85%, trụ sở tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ) ký hợp đồng với Cty Cổ phần sản xuất và thương mại Thái Hà và Cty Cổ phần thương mại và dịch vụ Quỳnh Minh (đều có trụ sở tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vận chuyển phôi thép từ nơi bán về kho của Cty Sông Hồng. 

Đầu tháng 1/2011, thủ kho Long Thanh Hải bàn bạc với cán bộ phân xưởng cán thép Đặng Văn Thắng tìm cách bán từng xe phôi thép của cty trên đường vận chuyển về kho (cả hai được phân công làm nhiệm vụ nhập phôi). Nếu bán được, cả hai sẽ cùng ký nhập khống vào biên bản giao nhận hàng. Để làm được việc đó, Hải và Thắng cấu kết với một số nhân viên trạm cân, trưởng ca sản xuất, nhân viên bảo vệ, phó quản đốc phân xưởng để nâng khống tỉ lệ hao hụt và hợp thức hóa thủ tục đầu vào.

Sau khi bàn bạc xong xuôi, Hải hẹn gặp Nguyễn Anh Quân (nhân viên Phòng Kinh doanh Cty Thái Hà) nói rằng trong số phôi thép do Cty Thái Hà vận chuyển có số lượng cần bán. Hải sẽ để lại với giá 7.500 đồng/kg, Quân bán được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Quân đề nghị Hải trao đổi thêm với cấp trên của mình là Nguyễn Tuấn Anh (Trưởng phòng Kinh doanh, người có trách nhiệm điều hành, quản lý xe) để cùng tham gia buôn bán. Hải gọi điện nói chuyện và được Tuấn Anh đồng ý mua hàng.

Theo cáo trạng, khi muốn bán phôi thép do Cty Thái Hà vận chuyển, Hải sẽ liên lạc với Quân, Quân sẽ thông báo cho Tuấn Anh để chỉ đạo lái xe của Cty Thái Hà (hoặc Cty Quỳnh Minh) vận chuyển về nơi thu mua chứ không về kho của Cty Sông Hồng. Sau khi bán được hàng với giá cao hơn, Quân trả cho Hải theo giá đã thỏa thuận là 7.500 đồng/kg. Hải đem tiền về chia cho các bị cáo trong Cty Sông Hồng; phần tiền chênh lệch thu được Quân chia cho Tuấn Anh và tài xế, phụ xe.

Tổng cộng từ tháng 1/2011 đến 10/2011, các bị cáo đã 11 lần chiếm đoạt của Cty Sông Hồng gồm 10 xe phôi thép và 30 thanh phôi, tổng cộng gần 747 tấn, trị giá hơn 10,4 tỉ đồng. Bị cáo hưởng lợi nhiều nhất tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, thấp nhất 30 triệu đồng.

Mua phôi ăn cắp để bán kiếm lời

Tại phiên tòa, cả Quân và Tuấn Anh đều không đồng tình với tội danh mà cáo trạng truy tố. Hai bị cáo khai không hề biết việc Hải bàn bạc, phân công nhiệm vụ hay chia chác với các bị cáo tại Cty Sông Hồng.

Quân và Tuấn Anh khai nhận tại tòa rằng hai bị cáo tham gia đầy đủ cả 11 lần Hải chiếm đoạt phôi thép chứ không phải chỉ 10 lần như cơ quan điều tra kết luận. Đó là lần đầu tiên Hải liên lạc và nói với Quân rằng mình có 30 thanh phôi thép tồn kho muốn bán nên hai bị cáo đã chạy vạy, gom tiền trả trước theo yêu cầu của Hải để mua lại đem bán kiếm lời. “Vụ việc này bị cáo có khai ở cơ quan điều tra nhưng không hiểu sao hai bị cáo lại không bị buộc tội. Trong cáo trạng chỉ nói Hải và một tài xế đã bán 30 thanh phôi thép này” – Tuấn Anh khẳng định.

Theo bị cáo Quân, do lần đầu thấy dễ ăn như vậy nên những lần sau các bị cáo hám lợi, cứ thế góp chung tiền vào để buôn bán với Hải. Cạnh đó, Quân đã bán tới 9 xe hàng phôi thép bất hợp pháp (trên tổng số 11 xe mua của Hải) cho Cty Cổ phần thép Phương Trung ở Bắc Giang mà không cần hóa đơn chứng từ gì.

Khi được hỏi, Hải cũng thừa nhận chỉ bàn bạc về giá cả và phương thức thanh toán với Quân. Đến chuyến hàng thích hợp, Hải sẽ hỏi Tuấn Anh về tình hình đoàn xe theo hợp đồng giữa hai Cty. Sau đó, Hải gọi điện bảo một tài xế tách đoàn, chở hàng đến nơi đã hẹn trước với Quân. Việc Quân đem hàng đi đâu bán thì Hải không biết mà chỉ nhận tiền từ Quân theo giá đã thỏa thuận trước đó.

Chưa hết, cả 6 tài xế và phụ xe đều khai do đã nhiều lần giao hàng cho Hải tại Cty Sông Hồng nên khi Hải gọi bảo đến điểm khác là đi ngay. Mặc dù biết lộ trình chở hàng theo hợp đồng, nhưng nghĩ chủ hàng điều đi đâu thì phải đi đó mà không dám thắc mắc. Sau khi Hải nói đến điểm hẹn thì có Quân là người của Cty ở đó dẫn đi giao hàng nên các bị cáo rất yên tâm. Hơn nữa, sau mỗi lần như vậy các tài xế và phụ xe đều được nhận tiền bồi dưỡng nên vui vẻ làm theo.

Chưa đúng người đúng tội?

Theo Luật sư Vũ Thị Hải (Cty Luật Hợp danh Hùng Vương Phú Thọ, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ, được tòa chỉ định bào chữa cho 1 bị cáo bên Cty Sông Hồng và 1 bị cáo bên Cty Thái Hà) việc xác định tội danh trong vụ án này có nhiều điểm chưa phù hợp. Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại tòa có thể thấy rằng cáo trạng kết luận Hải cấu kết chặt chẽ với Quân, Tuấn Anh và 6 tài xế, phụ xe để thực hiện hành vi tham ô tài sản là chưa đủ căn cứ.

Theo đó, cả 8 bị cáo bên phía Ctty vận chuyển đều không được Hải bàn bạc, phân công hay chia chác gì. Họ không chịu sự chỉ đạo thống nhất của Hải từ đầu đến cuối mà thực hiện hành vi của mình một cách độc lập (tự gom tiền mua hàng của Hải, tự tìm người mua…). Chưa kể có bị cáo là phụ xe, chỉ đơn giản làm việc theo phân công của lái xe hay một bị cáo là tài xế hành nghề tự do được thuê chở phôi (bị cáo này chỉ tham gia chở 1 xe và được cho 30 triệu đồng). Nếu cho rằng các bị cáo này có tội thì đó là một tội danh khác chứ không thể “gom một giỏ” vào tội tham ô hết được.

“Tôi đồng tình với quan điểm của đại diện VKS rằng phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để xác định đúng người, đúng tội. Hy vọng cơ quan điều tra sẽ thu thập đầy đủ hơn các chứng cứ buộc tội cũng như các chứng cứ có lợi cho các bị can. Dẫu biết đây là một vụ án gây thiệt hại rất lớn nhưng các bị can, bị cáo phải được nhận mức hình phạt tương ứng với hành vi của mình, theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy mới có thể khiến các bị can, bị cáo cũng như dư luận xã hội tâm phục khẩu phục” – luật sư Hải nói.

Tội đến tử hình vẫn từ chối luật sư?

Một điều khiến luật sư Hải băn khoăn là không hiểu lý do tại sao hầu hết các bị can lại ký vào tờ đơn từ chối luật sư trong quá trình điều tra trong khi họ đều bị điều tra, truy tố ở khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Đến khi ra tòa cũng chỉ có 2 bị cáo mời luật sư bào chữa. Cũng như Luật sư Hải, các luật sư còn lại đều là do tòa chỉ định để không vi phạm tố tụng.

Lưu Lê

Đọc thêm