Việc thay thế người đại diện phần vốn Nhà nước tại SeaProdex Hà Nội là nguyên nhân trực tiếp của cuộc “lật đổ” không đúng pháp luật tại Công ty này. Dư luận băn khoăn liệu Tổng Công ty thủy sản Việt Nam có phải là “tác giả” của vụ thay tướng này?
Tổng Công ty nói gì…
Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 12/1/2011 có bài “Một cuộc lật đổ trái pháp luật” phản ánh việc 3 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP XNK Thủy sản (SeaProdex) Hà Nội ra “nghị quyết” bãi miễn chức vụ Tổng Giám đốc của bà Trần Minh Hà và sau đó bổ nhiệm cho nhau các chức vụ Quyền Tổng giám đốc, Phó TGĐ Công ty. Những quyết định này vi phạm điều lệ Công ty và có biểu hiện của một vụ “lật đổ”.
|
Về lý do thay thế vai trò người đại diện phần vốn Nhà nước tại SeaProdex Hà Nội của bà Trần Minh Hà, TCty Thủy sản Việt Nam cũng đã có văn bản giải thích với Báo Pháp luật Việt Nam. Ngày 10/1/2011, TCty Thủy sản Việt Nam có văn bản 01/HĐTV-TCT giải thích, sở dĩ Công ty thay thế người đại diện phần vốn Nhà nước đối với bà Hà là do trong 3 năm thực hiện cổ phần hóa, Công ty không thực hiện được mục tiêu đặt ra trong phương án cổ phần hóa và không bằng 3 năm trước cổ phần hóa; trong hoạt động sản xuất kinh doanh còn sơ xuất, các hoạt động thương mại tiền ẩn rủi ro cao. Ngoài ra, nội bộ Công ty chưa ổn định, thiếu sự thống nhất trong điều hành kéo dài…
Với cách giải thích trên của TCty thì thấy, việc thay thế vai trò Tổng Giám đốc của bà Trần Minh Hà là chủ ý của TCty vì những lý do được giải thích trên đều có thể làm cho người ta hiểu rằng, bà Hà chưa làm tròn “bổn phận” của Tổng Giám đốc. Như vậy, những việc làm không đúng pháp luật của 3 thành viên HQĐT SeaProdex Hà Nội chỉ là cụ thể hóa một chủ trương đã có sẵn?
Vi phạm Quy chế người đại diện?
TCty thủy sản Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chiếm giữ 59% vốn tại Cty SeaProdex Hà Nội. Vì thế, mặc dù là doanh nghiệp cổ phần nhưng mọi quyết định về nhân sự của SeaProdex Hà Nội vẫn do TCty thủy sản Việt Nam quyết định. Việc giao cho cá nhân nào làm nhiệm vụ “đại diện phần vốn Nhà nước” tại SeaProdex Hà Nội cũng thuộc quyền “định đoạt” của lãnh đạo TCty.
Tuy nhiên, không phải lãnh đạo TCty muốn thay ai thì thay, mà việc thay người này phải được thực hiện theo Quy chế người đại diện của TCty tại các doanh nghiệp mà TCty có vốn đầu tư, được ban hành theo Quyết định 78/QĐ-HĐQT-TCCB, ngày 26/12/2007 của TCty thủy sản Việt Nam. Theo Quy chế này, người đại diện phần vốn của TCty sẽ bị thay thế nếu hết nhiệm kỳ, nghỉ hưu, từ chức, được điều chuyển công tác khác hoặc bị bãi miễn nếu vi phạm pháp luật, để công ty thua lỗ 2 năm liên tục, vi phạm Điều lệ, lợi dụng chức vụ… Theo bà Trần Minh Hà, bà không đủ điều kiện để “được bãi miễn” hoặc “thay thế” theo Quy chế. Vì thế, quyết định của TCty là vội vàng và vi phạm chính quy chế mà TCty ban hành.
Theo bà Trần Minh Hà, việc TCty căn cứ vào sự việc lô hàng thép bị Công ty Thái Sơn chiếm dụng vốn và cho rằng bà Hà đẩy công ty vào rủi ro để thay thế bà là không hợp lý, không phù hợp với hoạt động kinh doanh của SeaProdex Hà Nội. Vì nhìn tổng thể, trong những năm qua, SeaProdex vẫn làm ăn có lãi. Đối với mâu thuẫn nội bộ giữa những người điều hành Công ty thì càng không thể quy kết trách nhiệm cho một cá nhân là Tổng Giám đốc.
Theo một nguồn tin của chúng tôi, việc bãi miễn chức vụ Tổng Giám đốc của bà Trần Minh Hà có dấu hiệu của sự tranh chấp quyền lực và liên quan đến những lợi ích tiềm tàng mà Công ty sẽ có trong tương lai, đặc biệt là dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở được xây dựng trên lô đất có diện tích 3,4 hecta tại phường Nhân Chính mà Công ty đã khởi động. Ngoài ra, Công ty này còn quản lý nhiều bất động sản “vàng” khác, như khu đất tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ hiện đang có trụ sở của Công ty và trụ sở của một doanh nghiệp thuộc sở hữu của một thành viên HĐQT Công ty. Phải chăng, đó mới là lý do thực sự của cuộc thay người tại Công ty này?
Bình Minh