Lò Văn Phóng khi gây án mới 16 tuổi, sinh sống ở vùng núi cao Sơn La, vừa đặt chân đến đất Bình Dương chưa đầy 20 ngày đã cùng đồng phạm ra tay sát hại chị Nguyễn Thị Ngoãn (SN 1976, ngụ ấp 2, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) chỉ để cướp nửa chỉ vàng.
Hiện trường bất thường
Nhiều năm sau đó việc điều tra vụ án “dẫm chân tại chỗ”. Thủ phạm chỉ lộ diện khi Lò Văn Phóng (SN 1992, ngụ tỉnh Sơn La, người nhận án tử hình từ năm 2011 với tội danh giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây chấn động vùng núi Tây Bắc) tự thú mình đã cùng đồng phạm khác gây ra vụ án đó. Đối tượng bị di lý vào Nam để điều tra thêm tội danh.
Ngày 4/3/2016 vừa qua, TAND cấp cao tại TP HCM đã y án sơ thẩm, tuyên án Phóng 18 năm tù vì tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản. Bản án chỉ mang tính chất hình thức vì Phóng đã bị tuyên án tử vì vụ án khác trước đó. Nhưng lời khai của Phóng tại tòa khiến người nhà nạn nhân dấy thêm nhiều mối nghi ngờ.
Quay lại hiện trường vụ án gây chấn động tỉnh Bình Dương vào tám năm trước, người ta vẫn còn nhớ như in ngày tìm thấy thi thể chị Ngoãn. Chị gái nạn nhân cho hay:
“Tám năm qua và đến tận bây giờ, em tôi vẫn chưa an nghỉ được. Vẫn còn kẻ thủ ác vẫn còn nhởn nhơ đâu đó. Buồn, nhưng dù 10 năm, 20 năm, chúng tôi cũng đợi tìm bằng được đồng bọn của Phóng, khi ấy mới mong em tôi nhắm mắt nơi chín suối”.
Khách vào thăm căn nhà gạch của chị Ngoãn từng được cha mẹ xây dựng. Nay chồng cũ đi lấy vợ mới, căn nhà bỏ trống, chỉ có cha mẹ nạn nhân thỉnh thoảng qua lại, chăm sóc cho có hơi người.
Bà Nguyễn Thị Ích (SN 1936, mẹ chị Ngoãn) nhớ lại ngày con gái mình bị sát hại: “Nửa đêm hôm ấy Ngoãn thức dậy, đạp xe ra lô cao su đi cạo mủ như ngày thường. Ngoãn bảo chỉ cạo đến 2h sáng là xong nhưng chồng nó chờ mãi đến 3h30 mà không thấy vợ về. Mọi người được báo động, chia nhau đi tìm Ngoãn”.
Vào lô cao su, ở ngã ba đường, người ta tìm thấy chiếc xe đạp nằm chổng chơ. Nghĩ rằng chị Ngoãn bị tai nạn, có xe nào đó cán phải, cả nhà vội chia nhau đi tìm ở các bệnh viện, trạm xá. Cuộc tìm kiếm không thành, người ta tiếp tục quay lại lô cao su.
Bàn thờ chị Ngoãn trong căn nhà nay không người ở |
“Đêm đó trời mưa lất phất, dấu vết vẫn còn mới, in rõ ràng. Chúng tôi tìm thấy dấu xe máy, dấu chân người, dấu vết như ai đó bị lôi đi. Biết chuyện chẳng lành, chúng tôi tiến vào sâu hơn, phát hiện Ngoãn nằm chết dưới một huyệt mộ người ta mới bốc cốt”, bà Ích kể.
Thi thể nằm trong tư thế úp sấp, không một mảnh vải che thân, hai gót chân tứa máu vì bị kéo đi. Đưa thi thể lên, người ta giật mình khi hai mắt nạn nhân bị móc ra, vứt đâu không rõ.
“Đến sáng, người ta mới tìm được một con mắt trong chiếc tô dùng đựng mủ cao su. Áo quần thì được tìm thấy trên ngọn cây. Đồ lót biến mất”, bà Ích nhớ lại.
Theo người mẹ, dấu vết hiện trường cho thấy có ít nhất hai chiếc xe máy và nhiều dấu chân người.
Khám nghiệm cho thấy nạn nhân bị giết, hiếp, cướp nửa chỉ vàng. Vụ án xảy ra trong đêm, không một nhân chứng. Vật chứng thì bị phi tang. Việc điều tra đi vào bế tắc. Cả gia đình sống trong cảnh chờ đợi, uất ức.
Nhiều năm sau đó, năm 2013, khi đang chờ ngày thi hành án tử hình, tử tù Phóng khi đó đang ngồi trong trại giam phía Bắc chợt khai nhận mình và một người bạn tên Hiệp là người từng gây ra vụ án tại Bình Dương. Vụ án được tái điều tra, xác minh.
Ai đã "yểm bùa” huyệt mộ?
Theo điều tra, ngày 23/11/2008, Phóng rời quê Sơn La vào Bình Dương. làm quen với đối tượng tên Hiệp (chưa rõ lai lịch). Cả hai quyết định đi trộm cướp để kiếm tiền. Điều nghiên khu vực Nông trường cao su, chúng phát hiện hai ngôi nhà nằm biệt lập với khu dân cư nên quyết định ra tay. Tuy nhiên dự tính không thành, Phóng và Hiệp quay sang chặn đường, cướp của chị Ngoãn.
Người mẹ mong muốn cảnh sát sớm tìm ra những đồng phạm gây ra cái chết của con mình |
Đêm đó, thấy chị Ngoãn đi xe đạp, Hiệp và Phóng chặn đầu, vờ hỏi đường và khống chế. Phóng co chân đạp vào xe rồi ôm chặt, vật chị Ngoãn xuống đường. Nạn nhân vùng vẫy, kêu cứu. Chúng tiếp tục dùng tay siết cổ cho đến khi chị Ngoãn ngất xỉu. Cả hai kéo chị Ngoãn vào một nghĩa địa giữa lô cao su để thực hiện hành vi đồi bại.
Nạn nhân sau đó tỉnh dậy, tiếp tục kêu cứu. Cả hai tiếp tục đánh chị Ngoãn ngất đi, dùng cây gỗ chọc nhiều lần vào vùng kín nạn nhân.
Cho rằng đôi mắt nạn nhân sẽ lưu trữ hình ảnh, công an sẽ dễ dàng tìm kiếm, Phóng móc mắt nạn nhân vứt đi. Chưa hết, chúng dùng tấm bia mộ bằng bê tông ở xung quanh đánh nhiều lần vào đầu nạn nhân. Thấy cô gái đã tắt thở, chúng lột đồ, mang thi thể vứt xuống huyệt mộ mới bốc cốt gần đó.
Gây án xong, cả hai chạy xe máy về lại phòng trọ ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Sáng hôm sau, chúng bán đôi bông tai được 600 ngàn đồng và lên xe máy chạy về Hà Nội, rồi chia tay.
Trong lúc công an Bình Dương đang tiến hành điều tra, truy bắt hung thủ giết chị Ngoãn, ở phía Bắc, Phóng liên tiếp gây án, hết lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp và giết người, bị tuyên án tử hình.
Mẹ chị Ngoãn cho rằng, nếu Phóng không khai nhận hành vi, thì có lẽ sự việc sẽ không bao giờ được khám phá. Tuy nhiên bà Ích cũng nghi vấn: “Kẻ đang chờ án tử khai nhận một vụ án khác để có thêm vài năm sống sót nhờ thời gian điều tra xét xử. Điều này thể hiện rất rõ ở hai phiên tòa.
Ở phiên sơ thẩm, Phóng khai chỉ có hai người gây án, là Phóng và Hiệp. Nhưng ở phiên phúc thẩm, Phóng lại khai có năm người. Phóng cứ khai lung tung bậy bạ nhằm làm cho vụ án ngày càng phức tạp, không thể khép lại. Việc thi hành án tử hình đối với Phóng có thể kéo dài thêm một vài năm, thậm chí hàng chục năm”.
Khai thêm tội ác, tử tù này ít nhất đã trì hoãn thêm thời gian sống ba năm |
Mẹ nạn nhân đặt vấn đề phải chăng đồng phạm của Phóng chính là người địa phương chứ không ở xa. Thứ nhất, Phóng là người mới đến, không dễ gì biết rõ ràng địa bàn ở Nông trường cao su. Đặc biệt là nghĩa trang giữa rừng cao su vốn là nơi chôn cất từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước.
Thứ hai, sau khi chị Ngoãn chết được vài chục ngày, dưới huyệt mộ phát hiện nhiều xương bò, xương trâu. Bà Ích cho rằng đây là hành vi “yểm bùa”, mà khi đó Phóng đã về Bắc nên chỉ có đồng bọn thực hiện.
Thứ ba, hiện trường vụ án có dấu vết của ít nhất hai chiếc xe máy.
Tham dự cả hai phiên tòa, bà Ích cho hay Phóng đứng trước vành móng ngựa nhưng vẻ mặt không lộ một chút nào là sự ăn năn hối cải. Thậm chí, Phóng lớn tiếng với hội đồng xét xử và tỏ thái độ bất cần đời. “Và như vậy, cái chết của con tôi vẫn còn là một bí ẩn, còn nhiều khúc mắc chưa thể giải đáp”, bà Ích nói.
Đưa khách sang ngôi nhà chị Ngoãn thắp nén nhang cho người đã khuất, chị gái nạn nhân tâm sự: “Từ nhỏ đến lớn sống quanh quẩn ở đây, hiền lành, chỉ biết làm nghề cạo mủ cao su. Em tôi chỉ siêu thoát được khi kẻ thủ ác không còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.