Chủ trì buổi họp báo là 2 Phó giám đốc bệnh viện Ngô Quý Châu, Nguyễn Ngọc Hiền và Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Nguyễn Việt Hùng.
Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, toàn bộ rác thải của bệnh viện Bạch Mai gồm rác thải nguy hại và rác thải sinh hoạt đều được công ty môi trường đô thị Urenco ký hợp đồng thu gom xử lý (mỗi ngày khoảng 5,7 tấn).
Riêng rác thải là các loại giấy vụn, thùng carton, chai dịch truyền huyết thanh, can nhựa, chai thuỷ tinh, nút chai... (mỗi ngày khoảng 300kg) được phép tái chế theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Hùng giải thích: Theo đúng quy định, những ống tiêm, dây truyền có dính máu, dịch sẽ được xếp vào nhóm rác thải nguy hại để đưa đi xử lý. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây khoa đang ứng dụng thử nghiệm công nghệ lò hấp tiệt trùng. Theo đó nhân viên cắt nhỏ, đập vỡ trước khi đưa vào hấp.
“Qua thử nghiệm 30 mẻ, sau hấp chúng tôi không phát hiện rác thải này còn vi khuẩn nên bán cho các cơ sở tái chế. Không có chuyện chúng tôi tuồn rác thải nguy hại ra bên ngoài”, ông Hùng khẳng định.
"Phía Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ban hành các quy định và chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận vẫn có một số nhân viên chưa tuân thủ và có thời điểm thực hiện không tốt. Tôi xem xét thấy thông tin báo chí đưa là đúng, cá nhân tôi chịu trách nhiệm trước ban lãnh đạo…", vị trưởng khoa Nhiễm khuẩn trần tình.
Về phía lãnh đạo bệnh viện, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc bệnh viện lại cho biết: “Bệnh viện có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu phân loại, cô lập, vận chuyển. Khi vận chuyển chất thải đến kho thì khoa phải chịu rách nhiệm chuyển đến thẳng cho Urenco. Urenco phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước hội đồng nếu sai. Tôi là người trực tiếp hàng tháng họp 1 lần để kiểm điểm việc này. Đơn vị nào phân loại sai thì khoa đó bị phạt tiền. Còn đơn vị nào để rác thải nguy hại thẩm lậu ra môi trường thì sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất”, ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, bệnh viện đã giao khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm tra, giám sát phân loại, xử lý thì trách nhiệm này thuộc về khoa.
“Ban giám đốc sẽ xem xét sai phạm đến đâu kỷ luật cá nhân, tập thể đến đó”, ông Hiền nhấn mạnh.
Cũng có mặt tại buổi họp báo, PGS. TS. Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện khẳng định, phía Bệnh viện Bạch Mai không có chủ chương bán rác thải lây nhiễm ra cộng đồng..
“Bệnh viện không có chủ trương cho làm những việc như vậy. Những việc làm chưa đúng phải được chấn chỉnh một cách nghiêm túc. Cá nhân nào chưa đúng sẽ bị kỷ luật nghiêm minh”, ông Châu nói.
Ông Châu đánh giá, đây là bài học rất lớn để bệnh viện chấn chỉnh lại công tác quản lý rác thải nói riêng và quản lý trong bệnh viện nói chung.
Rác thải y tế được xử lý ngay tại bệnh viện Bạch Mai - ảnh Báo lao động |
Trước đó, trên báo Lao động có loạt bài viết về rác thải y tế độc hại lọt ra thị trường. Theo nội dung bài viết, hàng chục tấn rác thải y tế độc hại lẽ ra phải bị tiêu hủy theo đúng quy trình nghiêm ngặt tại những cơ sở được cấp phép lại đang được “âm thầm” sơ chế tại một trong những cơ sở khám - chữa bệnh lớn và uy tín nhất Việt Nam: Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Để rồi, những phế phẩm vô cùng nguy hại này được tái chế thành những sản phẩm nhựa tại những cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội, và rất có thể chúng trở thành những chiếc thìa nhựa, cốc nhựa mà người dân vẫn sử dụng hằng ngày.
Ngay sau khi thông tin xuất hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai giải trình về vấn đề này.