Hiệp hội Bệnh viện tư cầu cứu Bộ trưởng Bộ Y tế

(PLO) - Hiệp hội Bệnh viên tư nhân Việt Nam vừa có văn bản cầu cứu Bộ trưởng Y tế đề nghị áp dụng việc thanh toán và thông tuyến đối với khối bệnh viện tư nhân theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế.
Với việc ban hành Công văn 5388 ngày 30/12/2015, dư luận cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã “đá lộn sân”
Với việc ban hành Công văn 5388 ngày 30/12/2015, dư luận cho rằng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã “đá lộn sân”
Công văn của ông Phó “Tổng” trái luật?
Sở dĩ Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam buộc phải phản ứng gay gắt và cầu cứu lên lãnh đạo Bộ Y tế vì công văn hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mà ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ký ban hành ngày 30/12/2015 có một số nội dung được Hiệp hội này cho rằng không chỉ trái thẩm quyền mà còn vi phạm luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của khối bệnh viện này.
Tìm hiểu của PLVN cho thấy, do các bệnh viện tư nhân trên phạm vi toàn quốc hiện chưa được xếp hạng nên ngày 11/12/2013, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định chi tiết việc phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời giao Sở Y tế các địa phương tiến hành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền công nhận hạng tương đương bệnh viện hạng I, II, III, IV để làm cơ sở phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật và thanh toán chính sách BHYT.  
Như vậy, việc phân tuyến, xếp hạng là công việc của Bộ Y tế, nhưng tại khoản 2 mục b của Công văn 5388 ban hành ngày 30/12/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại tự cho mình quyền cấm hay cho thông tuyến đối với các bệnh viện! Cụ thể, văn bản “lạ” nói trên có quy định gây xôn xao dư luận: “Đối với các bệnh viện tư nhân năm 2015 đã thống nhất thanh toán theo mức giá tương đương 
bệnh viện hạng II, năm 2016 tiếp tục thực hiện như năm 2015, xác định là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và không thực hiện khám chữa bệnh thông tuyến huyện. Trường hợp bệnh viện đề nghị thanh toán theo mức giá tương đương bệnh viên hạng III, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổng hợp báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết”.  
Theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Luật BHYT sửa đổi đã quy định: Từ 1/1/2016 sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh, các bệnh viện tư nhân hạng III sẽ được thông tuyến huyện. 
Nhưng với việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành công văn với nội dung nói trên thì tới đây, một số bệnh viện tư nhân tương đương hạng III sẽ không được khám chữa bệnh thông tuyến huyện? Điều này là trái với quy định của Luật BHYT sửa đổi cũng như quy định trong Thông tư 40 của Bộ Y tế về quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. 
“Tước” quyền lựa chọn của dân... 
Có thể thấy, đến 30/12/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới ban hành công văn yêu cầu Bảo hiểm xã hội các các tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách các bệnh viện thanh toán theo mức giá tương đương hạng III báo cáo để Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, giải quyết. 
Trong khi theo  tìm hiểu của phóng viên, trước khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, một số bệnh viện tư nhân đã được các tỉnh, thành phố thẩm định, phê duyệt bệnh viện tương đương hạng III tuyến huyện, đủ điều kiện để thông tuyến, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thế nhưng với hướng dẫn có thể nói là hết sức “tréo ngoe” nêu trên, cơ quan Bảo hiểm xã hội đang khiến hàng loạt bệnh viện tư nhân “khóc dở, mếu dở”.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo một bệnh viện tư nhân (đề nghị được ẩn danh ở Nghệ An) cho hay, trước khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra “lệnh cấm” nói trên thì có khoảng 10 bệnh viện tư nhân của tỉnh đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và đã làm thủ tục, hồ sơ trình Sở Y tế địa phương thẩm định xếp hạng, được UBND tỉnh phê duyệt bệnh viện tương đương hạng III tuyến huyện. 
“Theo đúng quy định thì các cơ sở của chúng tôi sẽ nằm trong danh sách cơ sở khám chữa bệnh để người dân lựa chọn, và được thanh toán BHYT 100%, nhưng với hướng dẫn này thì chúng tôi đang bị “phân biệt đối xử”, còn người dân thì mất quyền được lựa chọn vào cơ sở chúng tôi để khám chữa bệnh theo đúng quy định”- vị Giám đốc này bức xúc.   
Mặc dù công văn được ông Thảo ký ban hành nói là để thống nhất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT nhưng việc tự cho mình cái quyền cấm cái mình không được cấm, làm cái việc không phải của mình... đã không giúp nâng cao quyền được lựa chọn của người bệnh trong khám chữa bệnh mà thậm chí còn có biểu hiện ép buộc người bệnh phải đến khám chữa bệnh tại nơi đăng ký BHYT ban đầu (như trước kia) dù luật đã thay đổi.
Chúng tôi đang bị phân biệt đối xử 
“Theo đúng quy định thì các cơ sở của chúng tôi sẽ nằm trong danh sách cơ sở khám chữa bệnh để người dân lựa chọn, và được thanh toán BHYT 100%, nhưng với hướng dẫn này thì chúng tôi đang bị “phân biệt đối xử”, còn người dân thì mất quyền được lựa chọn vào cơ sở chúng tôi để khám chữa bệnh theo đúng quy định”- Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở Nghệ An bức xúc.

Đọc thêm