Theo dự kiến ngày 23/6, HĐXX TAND quận Thanh Xuân sẽ ra phán quyết với bị cáo Lê Hoàng Lê (SN 1981, ở Sóc Sơn, Hà Nội). Tuy nhiên, thay vì tuyên án, HĐXX lại quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tới vụ án.
Trong phần này, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng lời khai của bị cáo Lê Hoàng Lê trong phiên xét xử ngày 19/6 chưa đồng nhất.
Quá trình khai báo tại tòa, bị cáo Lê khai từ tháng 2/2017 Sở Xây dựng ban hành lệnh để xác định khối lượng rác của từng quận và nếu không có lệnh thì không lên được bãi rác. Theo lời khai của Lê, hôm xảy ra sự việc, anh ta có nhận được Lệnh vận chuyển, điều động xe gom rác. Trong Lệnh có dấu và chữ ký của HTX Thành Công và Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân (BQL Dự án).
“Khi đó bị cáo được ông Trung (Nguyễn Tiến Trung nhân viên giám sát của HTX Thành Công - PV) nói miệng với bị cáo về việc điều xe đi. Bị cáo tự ghi 14h30 trong lệnh vì đi trong thời gian đó”, bị cáo Lê nói.
Đại diện HTX Thành Công cho hay, việc điền giờ trong lệnh điều xe là do cán bộ điều hành là ông Nguyễn Tiến Trung đảm nhiệm và đơn vị quán triệt không chạy xe chở rác ngoài giờ quy định từ 19h30 đến 6h sáng hôm sau. Tiếp lời, vị này cho hay các xe chở rác đều có thiết bị định vị giám sát hành trình và có các tổ giám sát quản lí, nếu xe đi không đúng giờ quy định sẽ báo cáo về cho Ban Giám đốc.
Đại diện BQL Dự án cho rằng chưa có văn bản quy định xe chở rác phải có giám sát hành trình. Quá trình trả lời thẩm vấn, vị này nói không nắm được 6 trường hợp xe chở rác chạy giờ cấm sau khi xảy vụ tai nạn xảy ra như gia đình bị hại phản ánh.
Đối với Lệnh vận chuyển, điều động xe gom rác, đại diện BQL Dự án cho rằng BQL chỉ kí xác nhận nên việc xe đi như nào thì đơn vị không nắm được. Và dấu treo trong lệnh là để xác nhận cán bộ BQL Dự án ký. Trước lời trình bày này, HĐXX nói: “Làm gì có dấu nào treo, sau này muốn viết gì thì viết”.
Toàn cảnh phiên tòa. |
Sau khi thẩm vấn bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên toà để áp dụng biện pháp dẫn giải nhân chứng, điều tra viên, giám định viên để đảm bảo tố tụng được chính xác.
Trước đề nghị trên, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại cho biết bản thân ông đã có ý kiến đề nghị triệu tập những người liên quan, nhân chứng ngay lúc đầu nhưng không được chấp nhận. Theo luật sư, việc tạm ngừng phiên toà không giải quyết được vụ việc. Ví dụ như thu thập camera giám sát hành trình phải qua cơ quan điều tra, quá trình điều tra không làm rõ được tốc độ như nào, giờ đi, thu thập những Lệnh vận chuyển trước đó, trách nhiệm của người quản lý như nào…
“Lời khai của bị cáo khác nhau. Bị cáo lúc thì khai phanh xong xuống xe; phanh xong lùi lại xuống xe, nhân chứng hô có người trong xe lại lên xe lùi lại… việc này phải được thực nghiệm điều tra. Lời giải thích của giám định viên không thỏa đáng, đề nghị tòa trả hồ sơ làm rõ chứ không phải tạm ngừng để điều tra”.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án để điều tra làm rõ những vấn đề còn chưa được rõ.
Chia sẻ với phóng viên, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại cho biết có thể HĐXX sẽ yêu cầu điều tra bổ sung xác minh Lệnh vận chuyển vì ở đây đang xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong vụ án. Lệnh vận chuyển được phát hành như nào phải xem xét để thu thập, việc chỉ thu thập 1 lệnh vận chuyển thì chưa đầy đủ. Lời khai của bị cáo tại tòa, tại cơ quan điều tra khác nhau, clip thể hiện lùi đi mấy lần, phanh như thế nào thì phải được kiểm tra lại để đánh giá xem khi phanh nó có giật lại như lời khai của bị cáo không. “Bị cáo khai là khi phanh thì xe rê 5m, nó đã triệt tiêu lực, có còn lực để giật lùi không, cái này phải làm rõ chứ không thể chỉ căn cứ lời khai của bị cáo”, luật sư nói./.