Vụ xuất điều đi Italia: Luật sư nói cách để doanh nghiệp tránh thiệt hại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trao đổi với PLVN, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (GĐ Cty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng, sự việc nếu đúng như văn bản của VINACAS phản ánh thời gian gần đây, thì đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo.
Với các bộ chứng từ gửi đến, các ngân hàng ở Italia cho hay, chỉ thực nhận được các bản photocopy, không phải bản gốc.
Với các bộ chứng từ gửi đến, các ngân hàng ở Italia cho hay, chỉ thực nhận được các bản photocopy, không phải bản gốc.

Trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italia thông qua Cty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu hạt điều sang nước này. Hàng được chỉ định đến cảng Genoa và cảng La Spezia (Italia); do các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM và hãng ONE vận chuyển.

Quá trình mua bán diễn ra như sau: DN gửi bộ hồ sơ gốc có xác nhận ngân hàng Việt Nam để chuyển đến ngân hàng đại lý nhờ thu tiền. Toàn bộ lô hàng trên được đóng vào 100 container, điểm đến là cảng Genoa, cảng LA Spezia. Tuy nhiên, khi hàng đã và đang đến Italia nhưng đến thời điểm này các DN đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.

Hiện nay, với các bộ chứng từ gửi đến, các ngân hàng ở Italia đều thông báo cho ngân hàng bên Việt Nam rằng đó chỉ là các bản photocopy, không phải bản gốc, thậm chí có bộ là giấy trắng. Tính tới thời điểm này, các DN và ngân hàng mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD, tương đương hơn 160 tỷ VNĐ.

Các DN rất lo lắng vì không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu, do đó hàng hóa có thể sẽ bị chiếm đoạt. Phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các DN và ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực tìm cách giữ hàng, thu hồi bộ chứng từ. Tính đến chiều 9/3/2022, còn thiếu 36 bộ chứng từ của 36 container.

Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng đã gửi văn bản đến các hãng vận chuyển; đề nghị áp dụng biện pháp “Khẩn cấp”, tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giao hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc. Chỉ cho phép giao hàng khi nhận được xác nhận từ các Cty chủ hàng (người bán); hướng dẫn thủ tục cụ thể cho các DN chủ hàng để được hoàn trả hàng.

Hiện các DN và ngân hàng đang mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD.

Hiện các DN và ngân hàng đang mất quyền kiểm soát 36 container hạt điều, trị giá hơn 7 triệu USD.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (GĐ Cty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội) - cho rằng, nếu đúng như văn bản của VINACAS phản ánh thì đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo.

Trước băn khoăn liệu ngân hàng Việt Nam phải chịu trách nhiệm gì trong việc chứng từ gốc bị mất, LS Tuấn nêu quan điểm: Trong vụ việc này, ngân hàng Việt Nam chỉ giữ vai trò là người thu hộ nên không phải chịu trách nhiệm. Bởi theo quy định hiện hành, ngân hàng không có trách nhiệm với hàng hóa có liên quan đến giao dịch; không phải chịu trách nhiệm với việc lựa chọn dịch vụ của ngân hàng thu hộ (rủi ro thuộc về người xuất khẩu); Tính chính xác, chân thực của bộ chứng từ giao hàng, việc thất lạc, cắt xén, mất mát chứng từ đang vận chuyển trên đường.

Với vụ việc này, thực hiện phương thức thanh toán nhờ thu nên ngân hàng không có trách nhiệm trong việc đảm bảo giao dịch được thanh toán. Trong trường hợp phát sinh rủi ro, các bên có thể khởi kiện lên tòa án hoặc trọng tài thương mại…

Trường hợp xấu nhất, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không nhận được tiền từ nhà nhập khẩu thì các ngân hàng Việt Nam cũng không phải chịu trách nhiệm nào khác.

Do đó, để tránh gặp các rủi ro tương tự trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu tốt nhất nên yêu cầu ngân hàng nước ngoài cấp thư tín dụng (L/C) rồi chuyển sang ngân hàng Việt Nam xác nhận trước khi có giao dịch xuất nhập hàng hóa.

Bên cạnh đó, trước khi ký kết hợp đồng mua bán, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu qua nhiều kênh thông tin như Hiệp hội ngành hàng, Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại nước nhập khẩu, kinh nghiệm giao thương của các doanh nghiệp xuất khẩu khác… chứ không nên tin tưởng hoàn toàn vào người môi giới. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định và tập quán giao nhận hàng hóa tại nước nhập khẩu để đảm bảo nắm được quyền kiểm soát hàng hóa.

Về vận đơn, cần cân nhắc sử dụng loại vận đơn phù hợp, nên sử dụng vận đơn lập theo lệnh, không nên sử dụng vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống. Vì trong trường hợp bộ chứng từ bị đánh tráo hoặc thất lạc trên đường gửi đi và vận đơn là đích danh hoặc để trống; thì ai lấy được vận đơn cũng có thể đi nhận được hàng mà không bị ràng buộc trách nhiệm thanh toán.

Theo LS Tuấn, về lâu dài, cơ quan chức năng tại nước ngoài cần phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu và cảnh báo, công bố danh sách một số doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo, có hiện tượng làm ăn phi pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng trong giao dịch với các công ty này.

Đọc thêm