Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân việc ùn ứ nông sản những ngày vừa qua là do các xe hàng của Việt Nam phần lớn giao thương với chợ biên giới, không giao thương theo đường chính ngạch, tức là không có hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp bên nước bạn. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virut Corona (nCoV), chợ biên giới Trung Quốc ngày 9/2 mới mở cửa nên hàng hóa nông sản bị ùn ứ lại.
Đối với quy định cách ly 14 ngày với tài xế chở hàng qua biên giới Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng đây là một khó khăn. Để thuận lợi cho giao thương, ngày 6/2, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Bộ Y tế, đề nghị thống nhất quy trình phòng dịch ở cửa khẩu tuyến hai.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho hay, ngay trong ngày 7/2, sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết việc lái xe điều khiển phương tiện hàng hoá xuất khẩu. Theo đó, có thể sẽ có một đội lái xe riêng của Ban Quản lý cửa khẩu được trang bị bảo hộ y tế đầy đủ để tiếp nhận, chuyên lái xe hàng qua cửa khẩu, còn lái xe chính không cần phải điều khiển phương tiện, nhằm tránh bị cách ly 14 ngày, gây gián đoạn thương mại.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, dịch nCoV bùng phát đã khiến tình hình thương mại, giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản, trái cây đã xảy ra hiện tượng ùn ứ, tắc nghẽn do việc kiểm soát các cửa khẩu biên giới. Tới ngày 5/2, nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn mới bắt đầu được giải tỏa sau hơn 10 ngày ách tắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, hiện nay chúng ta chống dịch, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn lối mở, nhưng phải tiếp tục thông thương, không được để ách tắc hàng hóa, phải tạo điều kiện cho thuận lợi thương mại.
Về sản xuất, cung ứng các sản phẩm chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, Phó Thủ tướng cho biết: cần có giải pháp tạo điều kiện làm ăn cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh. Mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn vừa qua cháy hàng, giá đẩy lên cao do nhu cầu tăng đột biến. Nguyên liệu chính để sản xuất mặt hàng này là vải lọc kháng khuẩn phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì thế, Chính phủ đã thống nhất miễn thuế có thời hạn nhập, xuất khẩu về thành phẩm và nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước khử trùng, vật tư thiết bị dùng trong chống dịch. Tùy tình hình thực tế Thủ tướng sẽ quy định thời hạn. Theo tính toán, việc miễn thuế này khiến ngân sách bị thất thu khoảng 400-500 tỷ đồng, nhưng không đáng gì so với việc chúng ta tập trung phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các ngành hàng chuyển tiểu ngạch sang chính ngạch để sớm tận dụng các cơ chế về xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan, y tế, tài chính thống nhất với phía Trung Quốc về quy trình kiểm soát hàng hóa, phương tiện cũng như con người thông quan qua cửa khẩu theo hướng đề xuất của Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Theo dõi sát tình hình mở cửa biên giới để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, vừa đảm bảo an toàn, vừa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ trên đường bộ mà cả ở cảng biển.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ rất hoan nghênh việc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam vận động các doanh nghiệp vận tải, kho bãi hỗ trợ cho bà con nông dân bằng cách dành ra một diện tích kho nhất định để chứa hàng và giảm chi phí lưu kho từ 10 -20%, giúp giải tỏa ách tắc hàng hóa và tăng cường phòng, chống dịch. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chia sẻ với nhau lúc này là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng nói.
Về việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, để trong năm 2020 đạt được mục tiêu đề ra.