Vua lửa, nghi lễ cầu mưa và những kỳ bí của đại ngàn

(PLO) - Tầm ảnh hưởng của gươm thần và sức mạnh có thể điều khiển trời đất của các Vua lửa lan truyền trong cộng đồng các bộ tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên, với nhiều huyền tích...
Nghi lễ cúng cầu mưa được minh họa lại bằng tranh vẽ
Nghi lễ cúng cầu mưa được minh họa lại bằng tranh vẽ
Sau cái chết đáng tiếc của vị Vua lửa đầu tiên Ksor Chlơi, chức danh Pơtao Pui  được truyền cho một người uy tín khác có tên là RơChom TơRũl. Ban đầu cũng như Ksor Chlơi, vị Vua lửa thứ hai này cũng chỉ biết cất giữ gươm thần, thực hiện việc phân xử những điều chưa hợp lý trong cộng đồng người Jarai lúc bấy giờ. 
Nhưng sau đó, nhờ một cụ già trong làng có tên Rơchom Bỗ mà việc cúng tế cầu mưa bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, thời gian ấy việc cúng tế không thường xuyên và cũng không được nhiều người nhắc đến trong những câu chuyện kể.
Thầy cúng Rơchom Bỗ chỉ truyền hết những lời khấn và cách cúng tế gươm thần cho người con gái họ Siu của mình. Vì người Jarai theo chế độ mẫu hệ nên người con gái cũng có thể đảm trách những trọng trách trong cộng đồng. Khi đến tuổi trưởng thành, con gái của Rơchom Bỗ để ý một chàng trai tên là Rơchom Anur và hỏi cưới anh ta làm chồng.
Trong quá trình chung sống, vợ của Rơchom Anur cũng như Rơchom Bỗ đã truyền lại toàn bộ nghi thức cúng tế cho Anur biết. Một thời gian không lâu sau đó, tiếng tăm của Rơchom Anur đã được người trong vùng biết đến. Rồi khi RơChom TơRũl chết vì bệnh tuổi già, thanh gươm được người Jarai trao lại cho RơChom Anur, vị Vua lửa thứ ba. Bắt đầu từ đây, nghi lễ cúng cầu mưa bằng gươm thần bắt đầu hình thành và ngày càng hoàn thiện qua thời gian.
Ngày nay, nghi lễ cầu mưa được Vua lửa thực hiện trên một miếng đất rộng đã được quét sạch sẽ hoặc ngay trong chính ngôi nhà sàn rộng rãi của các Vua. Trong lễ cúng, những lão làng Jarai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải bức chiếu trên vạt cỏ bên cồn đất để Vua lửa ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên những hồi chiêng trống. Những người khác lo nhóm bếp nhen lửa.
Nghi lễ cầu mưa
 Nghi lễ cầu mưa
Lễ vật theo nghi thức phải gồm đủ các thành phần như một ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, gạo, một con heo thui được bỏ nội tạng, cắt ra bày trên đĩa đan bằng tre. Ngoài ra còn có một ghè nước để tại bến nước, một giùi tre cắm một mũi tên phía sau buộc 3 lông đuôi gà trống là linh vật để ở lối dẫn ra khu nhà mồ báo cho “những con ma biết mà về”.
Khi lễ vật và các thủ tục cần thiết được hoàn tất, Vua lửa bắt đầu bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó Vua lửa sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải. Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng. Vừa khấn, Vua lửa vừa lấy gạo vãi ra chiếu mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Khi làm lễ, Vua lửa lấy thịt ném 3 lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt, Vua lửa cũng không quên cầm cây gươm thần, chỉ hướng từ đông sang tây, vừa luôn miệng cầu khấn, mong Yàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn, con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục, mọi người ai cũng được hưởng phúc của Yàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái.
Lễ cầu mưa diễn ra, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc chung. Ngày làm lễ cầu mưa, cả làng đều nghỉ làm nương cùng tham dự. Tại lễ cầu mưa, thầy cúng dựng 4 cây gậy cao hơn 1m và để trên đó một đài được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối, 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ. Những địa phương khác muốn cầu cho mưa thuận gió hòa thì phải mang theo lễ vật gồm “lợn hai người khiêng, ché rượu cũng phải hai người khiêng”.
Cúng xong, cũng có khi mây đen ùn ùn kéo đến và đổ mưa tức thì nhưng cũng có khi ngày hôm sau trời mới đổ nước. Thế nhưng, dù thế nào thì khi kết thúc lễ cúng, những chàng trai, cô gái Jarai cũng sẽ bước ra cạnh bếp lửa, thể hiện những điệu múa truyền thống độc đáo của mình làm cho tinh thần của đồng bào càng thêm phấn khởi. Sau những hớp rượu cần chuếnh choáng, ai về nhà nấy và ngày hôm sau họ lại bắt tay tiếp tục vào công việc để thực hiện ước muốn một mùa bội thu.
(Còn nữa)