Gái phố cổ Hà Thành 30 năm bán ve chai trên đất Cảng

(PLO) - Đã 30 năm nay, dù trời nắng như đổ lửa hay mưa bão, bà Quách Thị Bằng (SN 1933, ngụ số 11/13 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) vẫn đều đặn dậy từ 5h sáng đi nhặt chai lọ người ta bỏ đi đem về bán, tới 20h mới lê bước về đến nhà. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu nhưng hàng tháng bà vẫn phải trả tiền điện, nước; thậm chí ngày rằm, mùng một hàng tháng còn phải đóng tiền mua đồ thắp hương theo “quy định” của người con dâu.
Con gái Hà Nội lạc bước đi ở đợ
Trưa nắng ngã tư đường Tô Hiệu giao với đường Hồ Sen và Mê Linh, những tiệm kinh doanh đã đóng cửa nghỉ ngơi, dòng người hối hả chạy nhanh để trốn khỏi cái nóng oi ả của mùa hè. Nhưng phía bên chiếc cột đèn, một cụ bà vẫn nhướn mắt nhìn ra đường, mong chờ một người khác dừng chân mua cho bà chiếc lọ, vỏ chai. Thấy có khách, bà dứng dậy mời chào: “Mở hàng cho bà đi cháu, từ sáng đến giờ chưa bán được gì. Ngày lễ người ta nghỉ hết nên hàng ế quá”. 
“Hàng” ve chai nơi bà Bằng ngồi bán. Ảnh: Trịnh Ninh
“Hàng” ve chai nơi bà Bằng ngồi bán. Ảnh: Trịnh Ninh 
Rồi bà vồn vã giới thiệu mặt hàng là những vỏ chai nước ngọt đã qua sử dụng nhưng được bà rửa sạch. Phía bên chiếc thúng vá chằng vá đụp những chiếc lọ thủy tinh đủ kích cỡ được bà vệ sinh sạch sẽ. Khách ngỏ ý hỏi về hoàn cảnh, bà nở nụ cười móm mém: “Cuộc đời của bà thì cơ cực lắm, kể cả ngày cũng không hết chuyện”.
Vào phía sâu trong lề đường, bà Bằng lôi chiếc ghế cũ có lưng tựa nhưng một bên đã bị gãy, một chiếc hộp sắt (hộp kẹo loại nhỏ chiều dài khoảng 30cm, bề ngang khoảng 15cm) đưa cho khách rồi nói: “Cháu ngồi đây này, trước đây chưa có ghế bà cũng ngồi cái hộp đó. Gần đây bà mua được chiếc ghế này từ một người bán đồng nát, thôi thì ngồi có điểm tựa cho đỡ đau lưng”, bà phân trần.
Bà Bằng kể, trước đây bà ở phố Hàng Cá ở Hà Nội, trong thời kỳ Thủ đô bị giặc chiếm đóng, bà cùng gia đình di cư đi nơi khác. Gia đình trước đây buôn bán, nhưng khi di tản bà không biết làm gì đành đi ở đợ cho địa chủ khi mới 12 tuổi. Có lần đang đứng ở phố, có người phụ nữ nhìn thấy bà nhanh nhẹn, hoạt bát ngỏ ý muốn nhận làm con nuôi. Nhưng về nhà bà mới biết, cha nuôi nghiện ngập, mẹ nuôi có máu đỏ đen chỉ lo ăn chơi, bà phải làm quần quật từ sáng đến tối mới được đi ngủ. 
Một thời gian sau, bà bỏ đi nơi khác. Đi làm thuê được 10 năm, không ít lần bị mắng chửi, xúc phạm nhưng bà nín nhịn, chỉ khi chủ nhà có hành động sàm sỡ, bà nhất quyết ra đi chỉ mang theo bộ quần áo rách rưới. Quan niệm “giấy rách phải giữ lấy lề”, bà quyết không chịu o ép hay làm vợ bé nhà địa chủ.
Một người con 30 năm “bặt vô âm tín”
Sau đó, bà đi thanh niên xung phong ở đơn vị C67 phá đá mở đường ở Lào Cai, đến năm 1960 thì về Hải Phòng làm đan len cho hợp tác xã. Ở tuổi 27, bà đã được mọi người sốt sắng mối lái giới thiệu nhưng “duyên chưa tới” nên vẫn lẻ bóng. Khoảng một năm sau, bà đi làm phụ xây cho các công trình xây dựng và gặp người chồng sau này là thợ xây, khéo tay hay làm. Hai người trở thành một cặp đôi “chồng thợ, vợ phụ” quấn quýt hạnh phúc.
Tuy nhiên, sau khi lập gia đình bà mới biết chồng dính vào nghiện ngập. “Tuy ông ấy nghiện nhưng rất chịu khó làm ăn, chúng tôi sống nhường nhịn nhau nên cũng không có mâu thuẫn gì. Gia đình khó khăn, con cái lại đông nên có ngày có ổ bánh mỳ, vợ chồng nhường hết cho con”, bà Bằng nhớ lại. Hai vợ chồng sinh được ba người con (một gái, hai trai) cuộc sống tưởng chừng êm đẹp qua đi nhưng năm 1979, người chồng qua đời, để lại cho bà một nách ba con.
Chồng mất, bà Bằng cùng đứa con út mới hơn 10 tuổi đi lang thang khắp nơi nhặt rác kiếm tiền. Người con gái cả nhanh nhẹn, tháo vát nên bà không phải lo lắng nhiều, nhưng cậu con trai thứ hai sau khi bố mất được vài năm lại đi theo đường cờ bạc khiến bà phải nhọc lòng. Căn nhà đầu tiên của gia đình đã bị cậu con trai bán để trả nợ. Đưa con đi lang thang khắp nơi, bà may mắn gặp người bạn tốt bụng cho ở nhờ một thời gian. Sau cùng miếng đất trong ngõ bà chạy vạy khắp nơi mới mua được.
Người con trai út của bà là Trần Đức Hưng đã bỏ nhà đi hơn 30 năm. “Thấy anh trai lao vào cờ bạc nhiều quá nên thằng em bỏ đi. Ban đầu là nó muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng đã hơn 30 năm nay nó “bặt vô âm tín” khiến tôi rất buồn. May mắn có cô con gái đầu đang làm ở trường mầm non. Nhiều lần cháu muốn tôi về ở cùng, nhưng vì thương con trai nên tôi không nỡ đi”, bà Bằng tâm sự.
Trước đây, người con trai hiện đang ở với bà làm công nhân, kinh tế cũng khá giả, nhưng vì nướng vào trò đỏ đen nên tiền bạc “đội nón” ra đi, sau đó phải vào tù. Con trai bà ra tù hơn một năm nay không có việc làm, hai vợ chồng thường xuyên cự cãi khiến bà buồn rầu. Số tiền trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi đều do con đi lĩnh.
“Tôi hàng tháng phải đóng tiền điện, nước, thậm chí ngày rằm, mùng một nào cũng phải đưa tiền để chúng thắp hương. Giờ tôi chỉ trông chờ vào hàng bán ve chai này thôi. Ngày đắt hàng thì được 50 – 70 nghìn đồng, có ngày ế quá chẳng được đồng nào”, bà tâm sự.
Về nhà cũng ngủ ngồi vì “bệnh nghề nghiệp”
Trước đây, đi nhặt bán ve chai vất vả, bà mới quyết định dừng lại bán chai ở ven đường Tô Hiệu. Mùa đông chai nhựa không bán được, chỉ có những lọ thủy tinh người ta mua về đựng dưa muối, hay sấu ngâm thì may ra có tiền. Mùa hè, bà bán thêm những chai nhựa để người dân mua uống nước, hay có người mua đựng bia. 
Khi chưa được cho chiếc ô che hàng, bà phải lấy mình làm thân ô, phía trên che miếng nilon phủ lên. Chẳng khi nào được nghỉ một buổi trưa đúng nghĩa, bình thường trông hàng bà chỉ có chiếc ghế ngồi. Bán hàng phải trông có khách mua nên bà không ngủ, thi thoảng gật gù vài phút lại tỉnh. Đã thành thói quen, 30 năm nay, buổi tối về nhà bà cũng ngủ ngồi, chỉ đến khi gục xuống mới ngủ yên giấc. 
Những ngày mưa gió, bà Bằng gửi tạm hàng bên bà bán nước, còn ngày nắng xế chiều lại gánh hàng về đường Hàng Kênh tiếp tục bán. “Đi đến tối mới về nhà, vừa có thể vớt vát được thêm vài đồng, vừa về đỡ nghe hai vợ chồng nó cãi nhau”, bà lão thở dài.
Cả ngày bà Bằng vạ vật ở vỉa hè mong kiếm được mấy đồng lẻ.
Cả ngày bà Bằng vạ vật ở vỉa hè mong kiếm được mấy đồng lẻ. 
Đã là 13h30, nhưng bà Bằng chưa bán được thứ gì. Khi được hỏi về việc ăn trưa, bà cho biết đã già, thường thì chỉ ăn vài thứ linh tinh như bánh mỳ, bắp ngô, củ khoai lót dạ. Nhiều người thương tình mang cơm cho bà ăn. Tấm lưng còng, đôi tay gầy guộc với nhiều nếp nhăn, gương mặt những vết đồi mồi đã chiếm lĩnh, chiếc nón cũ sờn, bà Bằng ở tuổi “bát thập cổ lai hy” nhưng ngày ngày vẫn phải lỉnh kỉnh chai lọ trên đôi quang gánh đi bán hàng. 
Niềm vui của bà chính là người cháu nội hiện đang học trên Hà Nội: “Nó ngoan lắm, ngày đi học, đêm về đi làm bảo vệ cho người ta để lấy tiền ăn học. Lần nào về cũng hỏi thăm bà chu đáo”.
Một người dân gần đó thở dài cho biết: “Bà ấy khổ lắm, làm gì có tiền đâu, chỉ trông vào vài chai lọ này thì lấy đâu ra tiền. Cô con dâu còn “ấn” cho mẹ những chai 1,5l kìa để mẹ bán hộ. Có lần chưa bán hết, đã phải thanh toán hết số tiền rồi ấy”. 
Cuộc nói chuyện dở dang khi một người ve chai có lọ thủy tinh, hộp nhựa mang đến bán. Tuy chiếc lọ thủy tinh có dính bẩn nhưng bà Bằng vẫn mua, bà cho biết: “Tôi đã chuẩn bị xà phòng và chanh ở đây để tẩy vết bẩn rồi. Sạch sẽ người ta mới mua chứ. Mỗi mặt hàng chỉ lãi được 500 đồng nhưng tôi đều phải đánh cho sạch. Thế nên giờ tay mới bị sưng tấy lên này”, bà chìa cho tôi xem đôi bàn tay gầy guộc nhưng vết sưng đã đỏ lên cả một góc. Lúc này, phía bên kia đường có một người phụ nữ trung tuổi mang cho bà bát canh nhỏ, hộp cơm và vài miếng cá, bà cảm động nói lời cảm ơn. 
“Tôi từng có ý định vào trung tâm bảo trợ xã hội ở, nhưng con gái không đồng ý. Cũng vì con trai chưa có việc làm nên tôi không nỡ đi. Giờ bán ngày nào biết ngày ấy, chẳng biết mình sống được bao lâu nữa”. - Bà tâm sự./.

Đọc thêm