Từ di sản sang chuyển đổi số
Từ ngày 18-21/11/2020, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2020 sẽ diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội sau 4 lần trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, cho tới thời điểm này, đã có 300 doanh nghiệp tại 47 tỉnh thành trên cả nước đăng ký tham gia Hội chợ VITM Hà Nội 2020, bên cạnh 6 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Peru và Colombia.
Trong khuôn khổ VITM Hà Nội 2020 còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn: lễ vinh danh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam 2019, giải chạy VITM marathon (online), hội thảo xây dựng tiêu chí xếp hạng đầu bếp Việt Nam...
VITM 2020 được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được khống chế, các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại trạng thái bình thường, trong đó hoạt động du lịch đang được đẩy mạnh. Sự kiện không những tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần khắc phục hậu quả của dịch Covid 19 thông qua triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai du lịch inbound và outbound khi điều kiện cho phép…, mà còn động viên toàn ngành vượt qua khó khăn do dịch Covid gây ra, khôi phục và thúc đẩy du lịch “hậu Covid-19”; tạo cơ hội để các cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến triển vọng của ngành Du lịch Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh những hoạt động trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, để khuyến khích các doanh nghiệp bàn thảo, hợp tác trong kinh doanh, trao đổi sản phẩm, hội chợ VITM Hà Nội 2020 cũng tổ chức một diễn đàn quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam” nhằm trao đổi, chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn liền với việc phát triển du lịch.
Việc VITM 2020 chuyển chủ đề từ di sản sang chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam là hoạt động cần thiết lúc này. Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Đây là chủ đề đã từng được ngành du lịch đề cập rải rác một số lần trước đó nhưng Covid -19 cho thấy sự cấp thiết và đòi hỏi cần phải thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn đối với du lịch Việt Nam”.
Chuyển đổi số là một hướng đi cơ bản để nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế số và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới.
Ban Tổ chức khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia hội chợ đưa ra các sáng kiến trong quá trình quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với thực hiện chuyển đổi số để Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới.
Dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp, các chuyên gia công nghệ, chuyên gia du lịch của một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Booking.com, Lãnh đạo Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA) đã cùng trao đổi về xu thế phát triển của ngành du lịch, về sự chuyển hóa của các dịch vụ du lịch sau khi ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới trong du lịch.
Có thể tiếp cận hàng triệu du khách thời 4.0
Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức diễn ra cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội. Hơn 200 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố. Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. Trên hết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, định hướng vô cùng quan trọng với quá trình chuyển đổi số là quá trình chủ động tham gia của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, trước hết phải chuyển đổi số tất cả các sản phẩm giới thiệu điểm đến thành cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời triển khai những ứng dụng số để truyền tải những thông tin, số liệu đó đến với thị trường. Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ để tạo ra nhiều kênh, phương án, tiện ích, ứng dụng để tung ra thị trường những phương án kinh doanh mới.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế của du lịch toàn cầu, các đại diện một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook đã chia sẻ những kinh nghiệm và nhận định về khả năng triển khai chuyển đổi số của du lịch Việt Nam.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch có thể đề cập tới: Công nghệ di động, Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT), Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), AI- Trí tuệ nhân tạo, Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.
Nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…
Chính nhờ công nghệ số, du khách trở thành khách hàng thông minh; thói quen du lịch cũng có sự thay đổi, du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh.
Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt (Tập đoàn Facebook), khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam nửa cuối năm 2020 do Facebook thực hiện cho thấy: 86% người tiêu dùng Việt Nam có ý định tự thưởng cho bản thân (sau các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 bùng phát); 87% có ý định chia sẻ quà tặng cho người thân; Sau dịch Covid-19, du lịch và nghỉ dưỡng là ưu tiên lớn nhất của người tiêu dùng khi được hỏi về xu hướng dịch vụ. Đáng chú ý, có tới 93% người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về “du lịch” qua Facebook.
Tại các điểm đến, việc chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ nét. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị đang xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, địa phương đang xây dựng bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. “Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến. Đây là một trong những bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch số. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đưa nhiều ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.