Cuộc đua về … “0”
Thành phố Las Vegas (bang Nevada, Mỹ) chính thức ra đời vào năm 1905, được sử dụng chủ yếu cho hoạt động khai thác mỏ và xây dựng đường sắt. Năm 1930 – 1945, Chính phủ Liên bang đã cho xây dựng đập Hoover và Căn cứ Không quân Nellis tại đây. Cùng thời điểm, cờ bạc được hợp pháp hoá, điện được trợ giá ưu đãi tại các khu công nghiệp,thương mại, dịch vụ và dân số đến sinh sống tại miền Nam California thì ngày càng gia tăng.
Tất cả những điều này đã tạo ra các động lực thúc đẩy những mô hình nghỉ dưỡng xa xỉ tại Las Vegas. Đáng nói, kể từ sau năm 1960, ô tô trở nên phổ biến hơn cùng với sự xuất hiện của đường hàng không thúc đẩy du lịch, Las Vegas đã nhanh chóng trở thành một trung tâm giải trí đẳng cấp trên toàn nước Mỹ, cũng như trên thế giới.
Vào khoảng những năm 1990, sự phát triển của ngành công nghiệp không khói đã khiến cho Las Vegas trở thành một trong những đô thị phát triển nhanh nhất nước Mỹ. Sự tăng trưởng “nóng” gây căng thẳng cho cơ sở hạ tầng đô thị.
Đơn cử, cần có các nguồn điện mới bổ sung, bởi vì thuỷ điện không thể đáp ứng được hết nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng trong mọi hoạt động của thành phố. Hay việc mở rộng các con đường làm gia tăng tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn; đồng thời nguồn nước từ sông Colorado cũng không còn đủ cung cấp.
Mô hình ngôi nhà không năng lượng. |
Vấn đề rõ ràng thấy được là nếu tiếp tục duy trì tình trạng lãng phí năng lượng như hàng thập kỷ trôi qua, Las Vegas sẽ nhanh chóng trở nên cạn kiệt nếu không có bất cứ một hành động khắc phục nào. Rõ ràng, chính quyền thành phố đã lựa chọn đi theo con đường phát triển bền vững.
Đến nay, “thành phố không bao giờ ngủ” được chứng nhận là thành phố bốn sao và đứng ở vị trí thứ 29 trong Bảng xếp hạng 100 Thành phố tiết kiệm và tối ưu năng lượng năm 2020 của Hội đồng Hoa Kỳ. Một mốc thời gian quan trọng là năm 2008, chính quyền thành phố đã phê duyệt Kế hoạch hoàn chỉnh về việc đưa Las Vegas trở thành một thành phố không năng lượng.
Được biết, so với 26 năm trước đây, thành phố đã giảm 20% mức sử dụng năng lượng, mặc dù dân sỗ vẫn tăng 57%. Ước tính, thành phố tiết kiệm được 5 triệu USD mỗi năm. Các thành tựu nổi bật nhất có thể kể đến, thành phố cho thay thế 80% đèn chiếu đường bằng đèn LED, hỗ trợ nâng cấp hệ thống chiếu sáng và cấp nước hiệu quả hơn trong các toà nhà.
Năng lượng mặt trời có thể cung cấp cho 100% hoạt động của thành phố. |
Đặc biệt, toà thị chính thành phố đạt tiêu chuẩn LEED – Bạc, được chứng nhận bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ. Đây là tiêu chuẩn quốc tế tiên phong về vấn đề xây dựng các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người, ra đời tại Mỹ từ năm 1995.
Đến năm 2016, toàn bộ cơ sở hạ tầng của thành phố Las Vegas, từ các tòa nhà bộ máy chính quyền cho tới đèn đường, đã đều được vận hành trên năng lượng sạch có khả năng tái sử dụng. Về nguồn cung điện năng chủ yếu từ thuỷ điện từ đập Hoover và Dự án năng lượng mặt trời Boulder City II - hệ thống năng lượng mặt trời khổng lồ của NV Energy được hoàn thiện ở khu vực phía đông nam của bang Nevada.
Trước dự án Boulder City II, Dự án Boulder Solar 1 của công ty này đã thành công kết hợp sản xuất điện mặt trời cùng các nguồn sản sinh năng lượng sạch khác như địa nhiệt, nhằm cung cấp 100% điện năng cho các hoạt động công của thành phố (ví như đèn đường, toà nhà chính phủ…), mà chưa bao gồm các toà nhà thương mại và khu dân cư.
Vào năm 2016, Thị trưởng Las Vegas - Carolyn Goodman phát biểu trước báo giới: “Chúng tôi tự hào rằng Las Vegas là một trong số ít thành phố trên thế giới dám sử dụng tất cả sức mạnh của mình cho khát vọng xanh”. Ngoài ra, Las Vegas còn đặt mục tiêu giảm 100% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2050, giảm 30% hiệu suất sử dụng năng lượng vào năm 2050 thông qua việc tiết kiệm, tối ưu năng lượng.
Công viên Bleutech Las Vegas. |
Đến nay, chính quyền thành phố Las Vegas đã và đang hoàn thiện chính sách, thể chế về thành phố không năng lượng. Đơn cử, về giao thông, Las Vegas khuyến khích người dân sử dụng các loại phương tiện tiết kiệm năng lượng ví như xe hybrid, plug-in hybrid, xe điện chạy bằng pin… Về tối ưu chiếu sáng công cộng, thành phố áp dụng Pháp lệnh về mẫu chiếu sáng của Hiệp hội Bầu trời tối quốc tế, các tiêu chuẩn của Ủy ban Giao thông Khu vực (Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ) và Hiệp hội Kỹ thuật Chiếu sáng Bắc Mỹ (ANSI/ IESNA).
Hệ thống năng lượng tái tạo “tại chỗ” của thành phố được lắp đặt trên khoảng 40 cơ sở, toà nhà trên địa bàn, với công suất đạt khoảng 6MW. Mới đây, thành phố Las Vegas đã thông qua Nghị quyết R-32-2017, đưa ra mục tiêu đảm bảo ít nhất 25% các tòa nhà và cơ sở đang có người ở của Thành phố đáp ứng hoặc được nâng cấp lên tiêu chuẩn LEED hoặc tương đương.
Theo đó, Las Vegas trở thành hình mẫu cho ít nhất một chục thành phố trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là các thành phố hướng mũi nhọn vào ngành công nghiệp không khói. Theo sau đó, các thành phố East Hampton (New York), Georgetown (Texas), và San Francisco cũng đồng loạt đưa ra các cam kết đạt 100% năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới.
Nhiều lao động sẽ mất việc?
Năm 2016, tổng thống Donald Trump từng phủ nhận mối đe doạ của biến đổi khí hậu trước toàn thế giới. Một lý do được đưa ra là nhiều người Mỹ sẽ phải mất việc làm bởi vì quá trình chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Đây cũng là một vấn đề được dư luận quan tâm sâu sắc trong nhiều năm qua.
TheoĐiều tra việc làm năng lượng mặt trời quốc gia của Mỹ năm 2015 cho thấysố lượng việc làm trong lĩnh vực này đã tăng đều đặn từ năm 2013 – 2015. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghệ là một động lực quan trọng thúc đẩy xu hướng thành phố không năng lượng. Theo đó, yêu cầu về số lượng và chất lượng lao động sẽ có nhiều thay đổi rõ rệt.
Như vấn đề lao động số và lao động xanh tại công viên Bleutech (Las Vegas) mới mở vào tháng 12/2019. Đây là một trong những thành phố có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đầu tiên tại Mỹ. Theo đó, các toà nhà tiêu thụ không năng lượng là nền tảng của thành phố “mini” này, được kết nối và điều phối thông qua một hệ thống quản lý tự động đa chức năng. Mục đích của hệ thống này là áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), Internet vạn vật (IoT), công nghệ người máy, vườn năng lượng (supertree), kết cấu bê tông tự liền vết nứt… để tối ưu hoá xử lý các nguồn cung năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió, nước, động năng.
Được biết, công viên Bleutech có đầy đủ các công trình nhà ở, văn phòng, thương mại, khách sạn, giải trí đan xen các diện tích phục vụ cho việc tạo và lưu trữ năng lượng, thu hồi nhiệt thải, lọc nước, xử lý chất thải và làm sạch không khí cục bộ.
Ông Bertrand Dano – đại diện công ty Bleutech Park Properties cho biết: “Robot là một bộ phận thiết yếu của hệ sinh thái này, ngang ngửa một lực lượng lao động chuyên nghiệp hùng hậu”. Điều này góp phần không nhỏ khiến một loạt các lao động làm việc trong ngành năng lượng truyền thống mất đi công việc.Lúc ấy, một câu hỏi hóc búa khác được đặt ra là làm thế nào để lực lượng lao động này tiếp tục được “chuyển dịch”.