Vui buồn chuyện phụ thu mùa du xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều du khách đã trải qua những khoảng thời gian du xuân không mấy vui vẻ khi trở thành nạn nhân của những cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chụp giật, tận dụng lễ, Tết để “móc túi” du khách.

Phụ thu ngày Tết, mỗi nơi một kiểu

Mới đây, mạng xã hội đã xôn xao trước một hoá đơn của quán cafe với số tiền phụ thu là ngày Tết là... 100%. Cụ thể, vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 2022, khách đến một quán cafe ở Gò Vấp, TP HCM gọi 5 ly nước giải khát. Khi uống xong, nhân viên phục vụ đưa ra hoá đơn số tiền nước là 167 ngàn đồng. Kèm theo đó, tiền VAT là 100%, nghĩa là khách bị thu thêm 167 ngàn đồng nữa. Tổng cộng số tiền khách phải trả cùng phụ phí là 334 ngàn đồng.

Hóa đơn có phụ phí 100% tại một quán cafe ở TP HCM gây bức xúc cho khách hàng.

Hóa đơn có phụ phí 100% tại một quán cafe ở TP HCM gây bức xúc cho khách hàng.

Theo trình bày của khách uống cafe, khi khách hàng thắc mắc về mức phụ phí cao ngất ghi trong hoá đơn, phía quán cafe chỉ xin lỗi... quên báo phụ phí ngày Tết. Sau khi khách phản ứng mạnh, đòi đưa mọi chuyện lên mạng, phía chủ quán đồng ý lấy số tiền bằng giá ngày thường.

Câu chuyện phụ thu, phụ phí ngày Tết của các hàng quán, địa điểm du lịch đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng. Đi ăn tại các hàng quán ngày Tết, thông thường mỗi nơi tính phụ phí một kiểu. Có quán ăn, quán nước tính phụ phí 10%, nhưng cũng có quán phụ phí 25%, thậm chí 50%. Cá biệt có những quán lên đến 100% như nói trên.

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, phụ phí lên đến 50-100% đã xảy ra đây đó ở các địa phương, ở cả những hàng quán nhỏ ven đường cho đến nhà hàng có tiếng, khu du lịch. Đơn cử, trong 5 ngày nghỉ Tết, khu du lịch điện năng lượng mặt trời An Hảo ở An Giang liên tục tăng giá vé từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng rồi 100.000 đồng khiến du khách bức xúc. Đại diện đơn vị này cho biết, giá vé tăng cao do thời điểm ban đầu đưa ra mức giá là để hỗ trợ, sau đó thấy lượng khách đông, khách yêu thích điểm đến nên... tăng giá.

Thực tế, nhiều người tiêu dùng cũng “mặc định” rằng, ngày Tết, nguyên liệu, nhân sự khó khăn, chủ các cơ sở kinh doanh có tăng giá hay thêm phụ thu cũng là dễ hiểu. Điều làm nhiều thực khách, du khách bức xúc là họ có thể chấp nhận phụ phí nhưng phải có sự thông báo rõ ràng từ chủ cơ sở kinh doanh, không nên lập lờ, đưa khách hàng vào thế đã rồi hoặc “trước sau bất nhất”, thông báo một đường tính giá một nẻo.

Tại TP HCM, thời điểm Tết vừa rồi, một số quán cafe, quán ăn đã có bảng thông báo dán trước cửa quán về việc tính phụ phí trong 3 ngày Tết. Mặc dù có những địa điểm tăng giá lên đến 50% nhưng vì có báo trước nên khách hàng có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ hay không. Bức xúc nhất là những trường hợp vào quán rồi, đến khi ăn uống xong mới biết mức giá tăng đột biến, khách hàng không khỏi có cảm giác như bị “chặt chém” bởi chủ cơ sở kinh doanh làm ăn chụp giật.

Người dân cần kiểm tra thông tin cơ sở dịch vụ khi du xuân. (Ảnh minh họa)

Người dân cần kiểm tra thông tin cơ sở dịch vụ khi du xuân. (Ảnh minh họa)

Trả giá cao hoặc... ngủ ngoài đường

Nhiều du khách đổ đến các điểm du lịch quanh TP HCM như Đà Lạt, Vũng Tàu đã có những trải nghiệm không mấy vui vẻ vì sự thiếu chuẩn bị hoặc bị lừa, bị “chặt chém” giá phòng.

Từ ngày mùng 3 Tết trở đi, TP Đà Lạt đông khách đột biến vì lượng du khách từ TP HCM và các tỉnh lân cận đổ về. Sự đông đúc này đã gây ra nhiều quá tải cũng như mệt mỏi cho du khách, đặc biệt là về vấn đề phòng ốc.

Trên mạng xã hội, nhiều du khách bức xúc việc chủ cơ sở lưu trú không giữ uy tín, khách đã đặt phòng từ trước, đặt cọc tiền, nhưng đến khi lên tới nơi nhận phòng thì được phía cơ sở lưu trú báo trả lại tiền cọc vì đã lỡ... nhận khách khác. Thông tin cho thấy, nhiều du khách do thiếu sự chuẩn bị, không đặt phòng trước, khi lên không có phòng nghỉ, sẵn sàng trả giá cao hơn niêm yết cho các cơ sở lưu trú để có chỗ nghỉ tạm, dẫn đến việc khách đặt trước lại không có phòng như trên.

Thậm chí, khách hàng Trần An Thiên, 31 tuổi, ngụ TP HCM bức xúc chia sẻ, anh bị một cơ sở lưu trú tại Vũng Tàu bất ngờ đòi thêm 25% tiền phòng vì... đông khách quá. Trước đó 1 tháng, anh đã hoàn tất đặt 1 phòng ngủ 2 người vào mùng 3 Tết với giá 1,2 triệu, cao gần như gấp đôi giá ngày thường.

Tuy nhiên, khi đến nhận phòng, anh được chủ nhà nghỉ báo phải trả 1,5 triệu đồng, nếu không phòng sẽ cho người khác thuê. Rất bức xúc nhưng vì thấy cảnh nhiều du khách không tìm ra phòng ngủ phải ngủ vạ vật ngoài đường nên anh đành “cắn răng” trả thêm tiền để được nghỉ lại.

Cạnh đó, còn có tình trạng du khách bị lừa đặt phòng qua mạng, trả tiền 100% nhưng lên đến nơi thì không tìm được cơ sở lưu trú. Theo khuyến cáo của Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt, hiện nay có nhiều trường hợp giả danh cơ sở homestay nhằm bán phòng, nhận tiền cọc của khách rồi chặn liên lạc. Kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh của cơ sở khác để tạo niềm tin cho du khách.

Trước tình trạng trên, nhiều địa phương đang có động thái mạnh tay với các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu “móc túi” du khách vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua bằng cách lên danh sách và xử phạt dựa vào phản ánh của du khách cũng như thông qua các kênh thông tin.

Đối với du khách, kinh nghiệm để không bị “chặt chém”, lừa đảo làm mất vui ngày Tết khi đi du lịch hoặc sử dụng các dịch vụ, đó là kiểm tra kĩ lưỡng thông tin đơn vị lưu trú có thật hay không. Đồng thời, tham khảo bảng giá, yêu cầu công khai giá lẫn phụ phí đối với các cơ sở dịch vụ không có thông tin rõ ràng.

Người dân cũng cần phản ánh ngay đến đường dây nóng ở các địa phương ngay khi người kinh doanh có hành vi “chặt chém”, lừa đảo, tránh trường hợp ngại phiền phức nên thỏa hiệp, sẽ dung túng cho các chủ kinh doanh tiếp tục hành vi sai quấy đến các khách hàng khác.

Đọc thêm