Vui buồn cùng rạp chiếu bóng di động

(PLO) - Ngỡ tưởng, khi các phương tiện truyền thông , công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, nghề chiếu bóng lưu động…hết đất sống. Nhưng trên thực tế, tại nhiều vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, không ít người dân đang ngóng chờ, xí chỗ để được xem phim qua rạp chiếu phim… di động.
Người dân chăm chú xem phim ở ngoài trời.
Người dân chăm chú xem phim ở ngoài trời.

Háo hức đi xem phim tập thể.

Làm nghề chiếu bóng lưu động được hơn 10 năm, anh Văn Tú, 32 tuổi tâm sự chuyện nghề. Công việc này khiến anh và các đồng nghiệp luôn phải đi xa nhà. Mỗi chuyến đi thường kéo dài chục ngày, thậm chí cả tháng.

Đoàn đi từ tỉnh này, sang tỉnh khác ở những vùng sâu, vùng xa nhất của các tỉnh. Nhiều nơi, ô tô không đến được tới nơi, cả đoàn đi bộ khuân vác những hòm đồ cồng kềnh, nặng nề như máy chiếu, phim, loa trèo đèo, lội suối vào thôn, bản. Thời tiết cũng không phải lúc nào cũng thuận tiện, nắng đổ lửa thì còn có thể đổi bằng mồ hôi nhưng mưa gió khiến đoàn chiếu phim lo lắng hơn cả. Các anh đội mưa che bạt, chắn cho máy, thiết bị không bị ướt. 

Nỗi vất vả ấy được bù đắp khi đoàn được người dân, các em nhỏ ùa chạy ra đón. Bãi đất trống, hay nhà văn hóa thôn được dọn gọn gàng, sạch sẽ để chuẩn bị cho giờ…chiếu phim. Hệ thống máy chiếu phim màn ảnh rộng cồng kềnh với nhiều trang thiết bị âm thanh, ánh sáng được lắp ráp, vận hành mau lẹ trước sự háo hức của người dân vùng khó khăn.

Những bộ phim: “Đừng đốt”, “Cánh đồng bất tận”, “Mùi cỏ cháy”. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…và những bộ phim về tuyên truyền phòng chống ma túy, bà con làm giàu …luôn được chú trọng trình chiếu.

Buổi xế chiều tối trước buổi diễn là thời gian rộn ràng nhất. Các gia đình ở thôn, bản “hò” nhau thổi cơm, ăn cơm để đi xem phim tập thể. Bọn trẻ và vội bát cơm chạy tới nơi chiếu phim lưu động để xí chỗ. Chưa tới 7 giờ tối, bà con đã tới đông đủ. Trước giờ diễn, họ tranh thủ ngồi chuyện trò chia sẻ chuyện gia đình, đồng áng.

Khác với trước đây, chỉ mỗi “tiết mục” chiếu phim, đoàn chiếu phim lưu động còn làm “chân hoạt náo viên” thu hút bà con tới xem. Sau khi âm thanh, ánh sáng đã xong, anh Tú và các đồng nghiệp mở karaoke mời thanh niên, đám trẻ lên hát cho rôm rả, khí thế. Chương trình karaoke kéo dài 30 phút- 1 tiếng.

Đúng 8 giờ tối, bộ phim bắt đầu trình chiếu, những đôi mắt đổ dồn, say sưa dõi theo. Khoảng 10h tối kết thúc phim, đoàn làm phim còn mời bà con tiếp tục chơi trò chơi có thưởng với những câu hỏi và lời giải liên quan tới bộ phim trình chiếu.

Có nhiều khi, các anh, chị ở đoàn có sáng kiến quay phim cảnh sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân trong thôn. Đến tối, họ bất ngờ phát lại làm cho bà con cười tít mắt sung sướng vì thấy mình ở trên ti vi khổng lồ. Sự tương tác này tại buổi xem phim tập thể, mọi người cùng bàn luận về tình tiết hay, hình ảnh đẹp của bộ phim khiến người dân thêm thích thú, phấn khởi, gắn kết mọi người.

Hơn 40 tỉ đồng hiện đại hóa thiết bị chiếu phim

Trong lúc chiếu phim, với thiết bị chiếu phim cũ, lâu đời, anh em trong đoàn làm phim lo ngay ngáy sợ máy móc đột nhiên tậm tịt, hỏng hóc, bà con xem mất vui. Có hôm đang chiếu phim, đột nhiên máy móc hỏng, bà con chưng hửng, ngồi đợi để sửa. 1, 2 tiếng vẫn chưa sửa xong, ai nấy ra về. Bà con về, những người làm nghề chiếu bóng lưu động cảm thấy áy náy, buồn lòng.

Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cho biết, trong số 9 máy chiếu của các đội chiếu bóng lưu động, đến nay hầu hết đã xuống cấp do đã quá lâu năm. Ngoài ra, với đặc thù địa hình miền núi đường sá đi lại khó khăn nên việc vận chuyển, mang vác cũng là nguyên nhân làm cho các thiết bị này dễ bị hư hỏng.

“Theo quy định, một máy chiếu tuổi thọ chỉ từ 3 nghìn đến 4 nghìn giờ, nhưng hầu hết máy của trung tâm thời gian sử dụng đã vượt hơn 5 nghìn giờ. Mặt khác, đây chỉ là những máy bán chuyên dụng nên thường xuyên xảy ra trục trặc trong quá trình chiếu phim. Năm 2013 đã có 3 máy chiếu của các đội phải mang ra Đà Nẵng sửa chữa”. Thay thế máy chiếu cũ, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng là niềm ao ước của những người làm nghề chiếu bóng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”.  

Cụ thể, trang bị 68 bộ thiết bị chiếu phim và trang bị 25 xe ô tô chuyên dùng cho các đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều kiện đặc thù tại 30 tỉnh. Việc đầu tư này thực hiện trong 2 năm từ 2017 - 2018.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa thông tin hàng năm ở trung ương. Tổng mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho một số đội chiếu phim lưu động nhằm tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2018 là 41,65 tỷ đồng.

Đây là tin vui đối với những người làm công tác chiếu bóng lưu động và cũng là niềm vui của những người dân vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.