Khó khăn vì thiếu nước, sạt lở đất
Bon Bu Prăng 2 hiện có trên 60 hộ dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào M’Nông. Trước đây bà con đã cư trú, sinh sống ở vùng đất này nhưng do chiến tranh, họ phải di dời vào rừng sâu hoặc di chuyển chỗ ở đến nhiều nơi thuộc khu vực hiện nay là giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Bà con bắt đầu trở về định cư, định canh ở vùng đất này vào những năm 2009 - 2010.
Cuối năm 2012, UBND xã Quảng Trực tổ chức lễ công bố tái lập 2 bon: Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 sau khi ngành chức năng huyện Tuy Đức cơ bản hoàn thành việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hơn 150 hộ dân. Hộ dân tại 2 bon này được cấp đất định canh, định cư, nhà ở kiên cố, đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Một hệ thống hạ tầng, bao gồm điện, đường, trường, trạm được xây dựng bài bản, đủ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của hàng trăm nhân khẩu định cư tại khu vực này.
Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở cho các hộ dân, huyện Tuy Đức cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ giống mắc ca, hỗ trợ kỹ thuật để bà con trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su… Nhiều hộ dân dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, gắn bó với vùng đất xa xôi nhất nhì của tỉnh Đắk Nông và cũng là miền biên cương Tổ quốc.
Trưởng bon Bùi Minh Hải cho biết: Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại bon Bu Prăng 2 ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn kéo dài. Nguồn nước ngầm từ giếng khoan tại công trình cấp nước tập trung của bon cũng sụt giảm nhanh chóng. Thêm nữa, do cấu tạo địa chất, nhiều giếng khoan tại đây chỉ sử dụng được vài năm là phải bỏ hoang (đáy giếng bị sụt lún, không bơm được nước). Hiện số hộ thuộc diện nghèo chiếm khoảng 70% tổng số hộ của bon.
Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2023, trên địa bàn xã Quảng Trực đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, nứt gãy một số khu vực, nhiều nhất là bon Bu Prăng 1A và bon Bu Krắc. Tình trạng này khiến nhiều căn nhà bị nứt nền, nứt tường, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân, UBND xã Quảng Trực và cơ quan chức năng huyện Tuy Đức đã kịp thời di dời khẩn cấp 71 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất.
Mang yêu thương đến với trẻ em khó khăn vùng biên giới
Tại chương trình, các em nhỏ được thưởng thức các tiết mục như: xiếc, ảo thuật và văn nghệ đặc sắc do các chú bộ đội Đồn BPCK Bu P’răng, các cô chú nghệ sỹ, mạnh thường quân đến từ Sài Gòn thể hiện. Nhân dịp này, các em học sinh còn được trải nghiệm không khí Tết Trung thu với các hoạt động vui chơi, rước đèn ông sao, múa lân, trò chơi dân gian thú vị của chú Cuội, chị Hằng...
Đặc biệt, tại chương trình, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên Đắk Nông sẽ được thưởng thức ẩm thực, bánh trung thu và cùng người thân đi tham quan các gian hàng 0 đồng để chọn cho mình những bộ quần áo, đồ chơi, sách vở, dụng cụ học tập…
Thượng tá Phạm Quốc Tuấn, Đồn trưởng Đồn BPCK Bu P’răng cho biết, 200 chiếc bánh trung thu, 500 bộ quần áo, 200 bộ đồ chơi cùng 1 tấn gạo đã được trao đến các em nhỏ và gia đình.
“Những hoạt động chăm lo cho các em nhỏ ở khu vực biên giới vào dịp Tết Trung thu được tổ chức thường niên với sự chủ động của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Nông cùng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng chung tay chăm lo cho trẻ em nơi vùng biên giới của Tổ quốc. Những hoạt động trên góp phần gắn kết thêm tình cảm quân dân nơi biên giới, góp phần chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn hành trình mang yêu thương đến với trẻ em, gia đình khó khăn ở vùng biên giới ngày càng được qua tâm, nối dài” - Thượng tá Phạm Quốc Tuấn chia sẻ.
Các em nhỏ hết sức vui mừng, phấn khởi đón nhận những món quà ý nghĩa, thiết thực trong dịp Tết Trung thu. Những món quà tuy nhỏ, nhưng thể hiện sự quan tâm của các mạnh thường quân, cán bộ, chiến sỹ Đồn BPCK Bu P’răng với các em nhỏ nơi biên cương Tổ quốc.