Vị cán bộ nói trên là ông Đặng Hoàng Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thới Bình. Theo một số hộ dân ở các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và xã Tân Thạnh (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, việc ông Nam đưa nước mặn vào nuôi tôm tại vùng sản xuất lúa khép kín 2 vụ/năm đã kéo dài từ năm 2008 đến nay. Người dân cũng đã nhiều lần làm đơn phản ánh đến các ban ngành chức năng nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để, mặc cho nhiều hộ dân phải chịu cảnh “mùa màng thất bát”.
Một số hộ dân phản ánh, không phải chính quyền địa phương xã Tân Lộc Bắc không quan tâm, nhưng vì ông Nam là cán bộ huyện nên đã nhiều lần xã đứng ra giải quyết, ông Nam đều “bỏ ngoài tai”. Cụ thể là Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc đã từng có quyết định xử phạt cảnh cáo về vụ việc này nhưng ông Nam vẫn không chấp hành, không chịu nhận quyết định và không chịu ký tên vào biên bản giao nhận quyết định…
Vào ngày 3/5/2012, ông Huỳnh Quốc Hoàng (Chủ tịch UBND huyện Thới Bình) đã dự cuộc họp liên quan đến việc đưa nước mặn vào đồng lúa của ông Nam, ông Hoàng đã có ý kiến: “Huyện đang có chủ trương giữ nguyên diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm nên việc cá nhân hoặc tổ chức tự ý phá vỡ quy hoạch, gây thiệt hại kinh tế đối với người khác thì phải bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc có thể sẽ bị xử lý hình sự”. Ông Hoàng cũng khẳng định, việc đưa nước mặn vào đồng lúa của ông Nam là sai với chủ trương, đồng thời đề nghị ông Nam phải khắc phục trong thời gian 7 ngày, nếu không sẽ lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền của UBND huyện.
Đến ngày 30/4/2013, UBND xã Tân Lộc Bắc tiếp tục có báo cáo trình lên UBND huyện. Nội dung báo cáo nêu rõ, ông Nam vẫn tiếp tục đưa nước mặn vào đất nuôi tôm bằng đường ống, mặt nước trên mặt đầm 0,2m, độ mặn 26‰… Từ những thực tế trên cho thấy, không chỉ xem thường cán bộ xã, ông Nam còn “phớt lờ” luôn cả ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện.
Tại trụ sở UBND huyện Thới Bình, các hộ dân yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thới Bình có biện pháp xử lý dứt điểm trong năm nay, nếu không được giải quyết, các hộ dân sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa của mình sang nuôi tôm.
“Trong năm nay, nếu UBND huyện không chịu xử lý dứt điểm vụ việc, chúng tôi sẽ noi gương ông Nam đưa nước mặn vào nuôi tôm trên điện tích đất của mình” - ông Phạm Thanh Sơn, một hộ dân ở ấp 5, xã Tân Lộc Bắc cho biết.
Còn ông Hồ Văn Hùng ở cùng ấp bức xúc: “Là cán bộ huyện, đúng ra ông Nam phải là tấm gương cho quần chúng nhân dân noi theo, đằng này…”. Trong cảnh tương tự, bà Hồ Thị Nga - một hộ dân có đất bị ảnh hưởng từ việc xả nước mặn của đồng ruộng thì than thở: “Gần 6 năm qua, việc sản xuất lúa của gia đình tôi năm nào cũng thất bát. Lúc đầu tôi chỉ yêu cầu xử lý êm đẹp, nhưng chính quyền địa phương cứ kéo dài mãi. Quá bức xúc, chúng tôi mới phải đến yêu cầu UBND huyện xử lý vì ông Nam là cán bộ của huyện”.
Cũng theo người dân địa phương, từ “khởi xướng” của ông Nam mà nhiều hộ dân ở xã Tân Lộc Bắc đã bất chấp chủ trương, đưa nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm. Gần đây nhất là một số hộ nằm trong khu quy hoạch “cánh đồng mẫu lớn” ở ấp 1, ấp 2 và 4 cũng bất chấp chủ trương, tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm.
Trước sự việc trên, ông Huỳnh Quốc Hoàng - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Sắp tới, chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra, xác minh và sẽ có câu trả lời dứt điểm với bà con. Trước mắt, mong bà con hãy bình tĩnh chờ đợi, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý trong thời gian sớm nhất”. Mong rằng, lần này UBND huyện Thới Bình sẽ không phụ lòng mong mỏi của hàng chục hộ dân đang “chống mắt” chờ… công lý.