Vườn Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) tiếp nhận khỉ đuôi lợn quý, hiếm để cứu hộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khỉ đuôi lợn có tên khoa học là Macaca leonina . Động vật rừng này thuộc nhóm IIB nguy cấp, quý, hiếm và cấm săn bắt, khai thác, mua bán dưới mọi hình thức.
Hình ảnh khỉ đuôi lợn trong tự nhiên.
Hình ảnh khỉ đuôi lợn trong tự nhiên.

Chiều 16/2, tin từ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (CH,BT&PTSV), thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) cho biết, cơ quan này vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch tiếp nhận 1 cá thể khỉ đuôi lợn để chăm sóc, cứu hộ.

Cá thể khỉ đuôi lợn nói trên được anh Trần Chí Quyết, ở thôn Trung Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bàn giao cho Trung tâm CH,BT&PTSV.

Theo anh Quyết, trước đó, cá thể khỉ đuôi lợn này bỗng nhiên chạy lạc vào vườn nhà mình. Biết là loài động vật quý hiếm, anh đã liên hệ với cơ quan chức năng để tiến hành giao nộp. Tại thời điểm tiếp nhận, chú khỉ đuôi lợn có trọng lượng 3kg, đã bị suy giảm tập tính hoang dã.

Cá thể khỉ đuôi lợn nặng 3kg được người dân bàn giao cho Trung tâm CH,BT&PTSV Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cá thể khỉ đuôi lợn nặng 3kg được người dân bàn giao cho Trung tâm CH,BT&PTSV Phong Nha - Kẻ Bàng.

Khỉ đuôi lợn có tên khoa học là Macaca leonina. Động vật rừng này thuộc nhóm IIB nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý động vật rừng và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nghiêm cấm săn bắt, khai thác, mua bán dưới mọi hình thức.

Trong tự nhiên, khỉ đuôi lợn thường sống thành đàn từ 10 - 12 con, có đàn tới 40 con hoặc nhiều hơn nữa. Khỉ đuôi lợn là một trong những loài lớn nhất trong họ nhà khỉ Cercopithecidae. Thức ăn của chúng chủ yếu là quả và hạt. Trên thế giới, khỉ đuôi lợn phân bố ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Sau khi được tiếp nhận, cá thể khỉ đuôi lợn này sẽ được Trung tâm CH,BT&PTSV Phong Nha – Kẻ Bàng chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện phục hồi tập tính hoang dã trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.