Vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng: 20 năm hình thành và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với hành trình 20 năm hình thành và phát triển (12/12/2001 - 12/12/2021), Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng , tỉnh Quảng Bình đã có một chặng đường phát triển với dấu ấn quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các giá trị tài nguyên, di sản.
Cửa ngõ vào Di sản Thiên thiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Cửa ngõ vào Di sản Thiên thiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

Những đóng góp quan trọng đó đã ghi danh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng vào bản đồ Di sản thế giới và được Uỷ ban Di sản thế giới (UNESCO) 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về các tiêu chí: địa chất, địa lý và hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Cảnh đẹp trước cửa động Phong Nha.

Cảnh đẹp trước cửa động Phong Nha.

Quản lý, bảo vệ rừng là nền tảng

Công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên luôn được xác định là nền tảng để duy trì nguyên vẹn các giá trị tự nhiên ngoại hạng cho Phong Nha - Kẻ Bàng. Phải nói rằng, 20 năm qua từ chổ chỉ có 4 Trạm Kiểm lâm với 15 người, đến nay toàn VQG có 11 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động với 132 cán bộ, nhân viên. Diện tích rừng quản lý tăng từ 85.754ha lên 123.326ha, ngoài ra còn quản lý hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, thành lập 21 nhóm bảo tồn thôn bản và Ban tham vấn bảo tồn thôn bản khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Cũng từ đó, các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên được cải tiến và phát huy, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, thái độ và nhận thức của người dân vùng đệm đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng của người dân ngày được nâng cao, góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng khu vực vùng đệm và vùng lõi của VQG.

Lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tuần tra rừng.

Lực lượng kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tuần tra rừng.

Ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc Ban quản lý (BQL) VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định: “Việc tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng liên quan trên địa bàn trong thực thi nhiệm vụ cũng được Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chú trọng. Cụ thể là việc thực hiện tốt các quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng; chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát... để giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép”.

Giám đốc BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái trong 1 chuyến kiểm tra hang động.

Giám đốc BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái trong 1 chuyến kiểm tra hang động.

Nhờ công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nên số vụ vi phạm lâm luật xảy ra trong VQG này đã giảm xuống hằng năm theo hướng tích cực.

Nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác quốc tế là trọng tâm

Với tinh thần vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác với bên ngoài, 20 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. BQL Vườn đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo các lĩnh vực như đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, địa chất - hang động, các tác động lên tài nguyên.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng Di sản.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng Di sản.

BQL Vườn đã chủ trì và tham gia thực hiện 1 đề tài khoa học cấp bộ, 9 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật; xuất bản 5 ấn phẩm sách; phối hợp thực hiện trên 20 kế hoạch, chương trình nghiên cứu khoa học, gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; 12 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc và quốc tế.

Trong đó, có nhiều ứng dụng rất thiết thực và có tính hiệu quả cao như: đề xuất giải pháp quan trắc và xử lý các tác động lên hang động du lịch, giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS, quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại.

Sau 20 năm hợp tác và nghiên cứu, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã phát hiện 43 loài mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới. Hiện nay, VQG này đang sở hữu 2.952 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành; 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành.

Hồng hoàng - loài chim quý đầy sắc đẹp của rừng Phong Nha.

Hồng hoàng - loài chim quý đầy sắc đẹp của rừng Phong Nha.

Những kết quả nghiên cứu đó là nền tảng quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn và là cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ và phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngoài ra, BQL Vườn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao.

Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) được VQG này thực hiện tốt, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 83%. Cụ thể, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của Vườn đã tiếp nhận, cứu hộ 1.378 cá thể ĐVHD và đã thả về môi trường tự nhiên 1.082 cá thể. 61 cá thể hiện đang được nuôi cứu hộ.

Cán bộ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cứu hộ, chăm sóc cá thể linh trưởng.

Cán bộ VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cứu hộ, chăm sóc cá thể linh trưởng.

Đặc biệt, lực lượng chuyên trách của Vườn đã thực hiện kiểm tra, giám sát diễn biến quần thể Voọc Hà Tĩnh (2 nhóm với tổng số 16 cá thể) tại Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi. BQL VQG này đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quy chế cứu hộ ĐVHD trên địa bàn tỉnh và đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là cẩm nang cho hoạt động tiếp nhận, cứu hộ. Với những kết quả đó, khu cứu hộ của Phong Nha – Kẻ Bàng đã có vị trí trên bản đồ và mạng lưới các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên toàn quốc.

Thả động vật về môi trường tự nhiên sau quá trình chăm sóc, cứu hộ.

Thả động vật về môi trường tự nhiên sau quá trình chăm sóc, cứu hộ.

Ông Phạm Hồng Thái cho biết thêm: “Để đảm bảo vừa phát huy giá trị tài nguyên để phát triển du lịch, vừa bảo vệ, bảo tồn di sản bền vững, BQL Vườn luôn chú trọng việc theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp”.

Kết quả, đã khảo sát và đo vẽ được 404 hang động với tổng chiều dài ước tính gần 231km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng trên khắp thế giới.

Loài chuột đá Lào tưởng chừng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước vẫn tồn tại rong rừng Phong Nha.

Loài chuột đá Lào tưởng chừng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước vẫn tồn tại rong rừng Phong Nha.

Nghiên cứu cổ sinh học cho biết sinh vật hoá thạch cổ xưa trong thành tạo địa chất, khẳng định, Phong Nha - Kẻ Bàng ngày nay là kết quả của 5 giai đoạn phát triển của lịch sử Trái Đất, tạo nên một bình đồ địa chất từ kỷ Ordovician (477 triệu năm) đến Đệ Tứ ( 2,58 triệu năm) và hệ thống hang động ở VQG này có tuổi cổ nhất Đông Nam Á, khoảng kỷ Devon (254 triệu năm) muộn đến kỷ Permi (410 triệu năm).

Phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch

Bên cạnh nhiệm vụ quản lý và bảo tồn các giá trị di sản, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng luôn chú trọng đến công tác phát huy giá trị của di sản thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ.

Các sản phẩm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng từng bước đa dạng hóa.

Các sản phẩm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng từng bước đa dạng hóa.

Phong Nha - Kẻ Bàng được xác định là “trái tim” của du lịch Quảng Bình, tương lai sẽ là khu du lịch quốc gia, “kinh đô” du lịch mạo hiểm của Châu Á. Cũng bởi đó, phát triển du lịch tại di sản hôm nay đã có nhiều khởi sắc, mang diện mạo mới và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch theo hướng bền vững.

VQG này hiện có 15 tuyến, điểm du lịch chính thức đi vào hoạt động và nhiều tuyến điểm khác đang khai thác thử nghiệm. Nhiều sản phẩm du lịch đã được hoàn thiện như zipline, trekking, homestay, farmstay.... Đặc biệt, các tuor du lịch: “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới”, “Hành trình mạo hiểm số 1 Việt Nam – chinh phục đỉnh cao hố sụt tử thần Kong”… được ghi nhận là những sản phảm du lịch mạo hiểm đẳng cấp quốc tế.

Hành trình mạo hiểm số 1 Việt Nam – chinh phục đỉnh cao hố sụt tử thần Kong”.

Hành trình mạo hiểm số 1 Việt Nam – chinh phục đỉnh cao hố sụt tử thần Kong”.

Lượng khách đến với Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng ngày càng tăng. Tổng lượng khách đến với Di sản trong 20 năm qua đạt hơn 9 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế 1 triệu lượt). Doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.434 tỷ đồng. Riêng năm 2019, VQG này đã đón hơn 954 ngàn lượt khách, tăng hơn 8,2 lần so với năm 2001. Đặc biệt, lượng khách quốc tế có xu hướng tăng mạnh, bình quân khoảng 25 - 30%/năm.

Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, viên ngọc quý của du lịch Việt Nam.

Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, viên ngọc quý của du lịch Việt Nam.

“Du lịch ở Vườn không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn Di sản, giảm áp lực lên tài nguyên nhờ tạo việc làm cho người dân. Xu hướng dịch chuyển lao động từ khai thác tài nguyên sang phát triển du lịch, dịch vụ đã thể hiện rõ. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân vùng đệm nên tạo điều kiện khá thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới – VQG Phong Nha – Kẻ Bàng” – Giám đốc BQL Vườn Phạm Hồng Thái chia sẻ.

Ông Thái đưa ra các con số thống kê cụ thể để khẳng định: hơn 3.000 người dân vùng đệm là lao động ngành dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia vào các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch hiện có 401 chiếc, 275 nhân viên chụp ảnh...

Thanh niên vùng đệm di sản Di sản đam mê với công việc porter phục vụ du khách.

Thanh niên vùng đệm di sản Di sản đam mê với công việc porter phục vụ du khách.

Có thể nói rằng, thành tựu đạt được trong 20 năm qua trên tất các các lĩnh vực đã khẳng định tinh thần trách nhiệm của tập thể BQL qua các thời kỳ, sự quyết tâm và nỗ lực cao độ, sự đồng sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, sự hỗ trợ, quan tâm, hợp tác của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà khoa học là tạo động lực và niềm tin để BQL Vườn đạt được thành quả và phát huy sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản.

Du khách chèo kayak vào thám hiểm chiều sâu 4.500m động Phong Nha.

Du khách chèo kayak vào thám hiểm chiều sâu 4.500m động Phong Nha.

Ông Phạm Hồng Thái tin tưởng chia sẻ thêm: “Thời gian tới, BQL VQG chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp đầu tư khai thác, phát huy các giá trị, tiềm năng du lịch của VQG. Đồng thời, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ tiếp tục được triển khai một cách bài bản hơn nữa. Chặng đường phía trước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức vượt qua mọi khó khăn, thử thách cơ để xây dựng VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ngày càng phát triển hơn nữa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình vững mạnh trong thời kỳ hội nhập mới”.

BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu quan trọng như: Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (năm 2011); bằng khen vì “Đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2002 đến 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” của Thủ tướng Chính phủ (năm 2008); Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2009); 2 lần được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường (năm 2005 và 2010); UNESCO tặng giấy khen cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích nổi bật (năm 2009) và tặng Kỷ niệm chương (năm 2018).

Nhiều năm được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen (2003, 2005, 2008, 2015, 2017) và Cờ thi đua (năm 2016) vì có thành tích xuất sắc; Cờ Thi đua cho 3 tập thể được và 1 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2019.

Đọc thêm