Những câu chuyện đẹp ở Di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những câu chuyện đẹp về hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đã và đang được viết lên từ những người trong cuộc…
Những câu chuyện đẹp ở Di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng

Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) sau nhiều năm nghiên cứu về Phong Nha – Kẻ Bàng đã thừa nhận rằng: Mức độ đa dạng sinh học nơi đây thuộc hàng cao nhất thế giới! Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng Quảng Bình mà cả Việt Nam. Những câu chuyện đẹp về hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nơi đây đã và đang được viết lên từ những người trong cuộc…

Từ năm 2003, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình là Di sản Thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chất địa mạo.

Đến năm 2015, Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới lần 2 với các tiêu chí: hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Suốt nhiều năm qua, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế lớn như: The New York Times, The Guardian, The Mirror, The Huffington Post... và hơn 50 tạp chí trên thế giới đã liên tục có bài viết ca ngợi.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình kiểm tra trong lòng hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình kiểm tra trong lòng hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.


“Đệ nhất thiên nhiên” thế giới

Theo khảo sát của giới địa lý, khối núi đá vôi Phong Nha rộng lớn đến 10.000 km2 – lớn nhất bán đảo Đông Dương - nằm vắt trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Các nhà khoa học lý giải, cách đây hơn 460 triệu năm, những quả đồi bát úp khổng lồ nằm dưới đáy biển sâu qua quá trình biến đổi địa chất và nhô lên đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở khu vực Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, dọc trên biên giới Việt – Lào với diện tích vùng trung tâm là 123.326ha và 217.674ha vùng đệm. Vườn nằm trong địa phận 13 xã thuộc 3 huyện: Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Hai khoáng chất hoà tan là canxi và cacbon trong vỏ sinh vật biển, kết hợp tự nhiên với nước biển tạo thành một khoáng chất mới là canxi cacbonat. Trải qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất của vỏ trái đất đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những núi đá vôi sừng sững tại Phong Nha.

Nước mưa thấm vào những kẽ nứt, khe hở của đá vôi, theo trọng lực chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích thấp hơn. Quá trình này tiếp diễn không ngưng nghỉ, làm mòn để những khe nứt trở nên rộng hơn và hình thành ra những hang động khổng lồ.

Rồi cũng chính nhờ nước khi gặp vật cản trong quá trình lưu thông sẽ để lại những khoáng chất bên trong tại một điểm. Quá trình này diễn ra bền bỉ liên tiếp đã tạo nên những khối thạch nhũ lớn nhỏ, đủ hình hài.Tất cả đó dần tạo nên những kỳ quan tráng lệ như hang Sơn Đoòng, hệ thống hang Hổ, động ướt Phong Nha, động khô Thiên Đường, hang Én...

Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.

Hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.

Chưa ai có thể tính đếm nổi hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng dừng lại con số bao nhiêu. Nhưng, riêng số lượng các chuyên gia khảo sát được tính đến năm 2020 đã là 417 hang động - không 1 nơi nào trên thế giới có được. Tất cả đó đều lộng lẫy, kỳ vĩ như những tác phẩm điêu khắc bằng nhũ đá từ một bàn tay màu nhiệm tạo ra đểsẵn sàng làm say đắm những ai muốn khám phá…

Trong cuốn Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam biên soạn) khẳng định: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các VQG và khu dự trữ sinh quyển thế giới.Thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình với sắc thái rừng nhiệt đới xanh ẩm, rậm cao 800m so với mặt biển. Tỷ lệ che phủ đến 93,57% và rừng nguyên sinh chiếm đến 83,74% cùng rất nhiều loài thực vật đặc trưng riêng có.

Toàn cảnh di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn từ trên cao.

Toàn cảnh di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhìn từ trên cao.

Tồn tại trong sinh cảnh VQG này là một hệ thực vật đồ sộ với sự có mặt của 2.951 loài thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó, có nhiều quần thể thực vật lớn, đặc biệt quý hiếm. Về hệ động vật, đây là nơi sinh sống của 154 loài thuộc 90 giống, 32 họ, 11 bộ(nổi bật nhất là hổ và bò tót - loài bò rừng lớn nhất thế giới); 303 loài chim; có 151 loài bò sát; 295 loài bướm; 215 loài cá. Hàng trăm loài trong hệ động, thực vật này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới và hàng chục loài đặc hữu của Việt Nam. Đặc biệt, cộng đồng linh trưởng ở Phong Nha – Kẻ Bàng được ghi nhận phong phú bậc nhất Đông Nam Á với 10 loài, “tinh túy” trong số này là Voọc Hà Tĩnh.

Chuột đá Lào - loài được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước được phát hiện vẫn tồn tại trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Chuột đá Lào - loài được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước được phát hiện vẫn tồn tại trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Một cá thể linh trưởng quý hiếm tại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Một cá thể linh trưởng quý hiếm tại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Bên cạnh đó, nhiều loài động, thực vật mới đã được phát phát hiện như: 2 loài bọ cạp mới sống trong hang động không ánh sáng mặt trời; chim chích trên núi đá vôi; dương xỉ trong hang động; bách xanh đá;các loại lan hài; 10 loài cá mới, 1 loài cá lạ có thể bơi ngược thác mạnh; 4 loài bò sát; tái phát hiện sau 50 năm loài rắn lục sừng…

Chuột đá Lào - loài được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước - được Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm điều tra Việt Nam phát hiện vẫn sống trong rừng Phong Nha. Đó là những bí ẩn cần được khoa học thế giới công nhận và khẳng định cho Phong Nha - Kẻ Bàng.

Để rừng biên giới bình yên

Ngày 16/4/2021 vừa qua, đoàn công tác tỉnh Quảng Bình do Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra thực tế tại vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Các thành viên trong đoàn còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Vũ Khiêm,Giám đốc Sở Du lịnh Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý VQG Phạm Hồng Thái, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Trịnh Thanh Bình…

Đại tá Trịnh Thanh Bình - trong bộ quân phục giản dị - ông giống như mọi người lính biên phòng đang trên đường tuần tra, là thành viên xông xáo nhất bởi biên giới và những cánh rừng già chính là ngôi nhà thứ hai của lính biên phòng.

Từ năm 2019 trở về trước, nhiệm vụ của ông và đồng đội là giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, đồng hành cùng nhân dân phát triển đời sống xã hội. Họ “nếm mật nằm gai”, đối mặt với nhiều loại tội phạm, hiểm nguy luôn cận kề. Năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiệm vụ của họ nặng nề hơn khi phải ngăn chặn dòng người nhập cảnh bất hợp pháp để chống dịch.

Thiên nhiên tuyệt đẹp trong rừng Di sản.

Thiên nhiên tuyệt đẹp trong rừng Di sản.

Những chốt gác mọc lên giữa rừng thẳm, giấc ngủ chỉ ngắn lại như thoáng chút bởi dòng người mang theo nguy cơ dịch bệnh lúc nào cũng có thể vượt biên giới. Họ còn là những người giữ rừng quả cảm khi dấu chân của người lính biên phòng có mặt ở mọi cánh rừng, phối hợp ăn ý với kiểm lâm để giữ rừng Quảng Bình mãi xanh tươi, đặc biệt là VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Kể chuyện giữ rừng, lực lượng kiểm lâm là cốt cán để quản lý, bảo vệ rừngtrên diện tích hơn 123 nghìn ha vùng trung tâm của VQG này. Đảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm thiên nhiên là “ngôi nhà” an toàn của các loài động, thực vật, lực lượng kiểm lâm đã ngày đêm bám rừng, gỡ từng chiếc bẫy thú, kiểm soát chặt người và phương tiện vào ra, đẩy đuổi các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Mùa khô, họ lắng nghe tiếng gió, căng mình canh từng đốm lửa để bảo vệ rừng Di sản Thiên nhiên thế giới an toàn trước nguy cơ “giặc lửa”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đầu đoàn công tác đi thực tế tại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng đầu đoàn công tác đi thực tế tại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (người đứng đầu) kiểm tra rừng Di sản.Ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (người đứng đầu) kiểm tra rừng Di sản.

Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng thông tin rằng: “Với phương châm “phòng là chính, bảo vệ rừng tại gốc”, Hạt kiểm lâm Vườn luôn duy trì 13 tổ chốt, trực 24/24h tại cửa rừng và các vùng xung yếu.

Đơn vị đã lập danh sách 411 đối tượng có nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cư trú trên các xã, thị trấn vùng đệm, phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi, giám sát. Bình quân mỗi năm chúng tôi triển khai khoảng 2.300 đợt tuần tra với quãng đường từ 17.000 - 20.000km!”.

Đội ngũ những người giữ rừng hôm nay đã có thêm những gương mặt mới, là những người sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng. Đó là kiểm lâm viên Nguyễn Văn Chóc- Bí thư Chi bộ bản Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) - con trai của vị trưởng bản Nguyễn Soái Trắc nổi tiếng với hơn 3 thập kỷ dẫn dắt cư dân bản Đoòng sinh sống giữa vùng lõi VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Đại tá Trịnh Thanh Bình – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình trong bộ quân phục giản dị.

Đại tá Trịnh Thanh Bình – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình trong bộ quân phục giản dị.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Hoài Nam.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Hoài Nam.

Theo ông Thái, ngoài công tác bảo vệ, hoạt động cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng cũng được Ban quản lý Vườn đặc biệt chú trọng. Động thực vật hoang dã (ĐTVHD) là tài nguyên thiên nhiên vô vùng quý giá, góp phần quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái. Và những cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý VQG này vẫn đang ngày đêm nỗ lực để thực hiện tốt công tác cứu hộ, bảo tồn các loại ĐTVHD.

Ông Lê Thúc Định - Giám đốc Trung tâm này chia sẻ: “Những người làm nghề cứu hộ, chăm sóc ĐTVHD luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, nguồn lây nhiễm bệnh tật. Nhưngbằng tình yêu đặc biệt với ĐTVHD, các cán bộ Trung tâm luôn dồn hết tâm lực để cứu hộ, chăm sóc cho ĐTVHD khỏe mạnh, tái hòa nhập với môi trường tự nhiên”.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha-Kẻ Bàng chăm sóc cá thể voọc chà vá chân nâu sau khi cứu hộ.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha-Kẻ Bàng chăm sóc cá thể voọc chà vá chân nâu sau khi cứu hộ.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng di sản Phong Nha.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng di sản Phong Nha.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật đã cứu hộ 65 cá thể động vật hoang dã của năm 2020 chuyển qua; tổ chức tiếp nhận cứu hộ 43 cá thể từ các cơ quan chức năng và người dân tự nguyện giao nộp với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt 96,3%; thả về môi trường tự nhiên 14 cá thể… Hiện Trung tâm đang nuôi cứu hộ và chăm sóc, bảo quản 89 cá thểvà nuôi sinh sản 31 cá thể ĐVHD.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm Vườn 1,6 kg lan thủy tiên hường quý hiếm để tiến hành cứu hộ và tái thả vào môi trường tự nhiên tại Vườn Thực vật; tổ chức đóng 11.000 bầu đất và sản xuất 2.630 cây giống bản địa để phục vụ công tác bảo tồn và phục vụ các chương trình trồng rừng; thu thập, xử lý, gieo ươm 10.500 hạt giống có phẩm chất tốt và 120 hom cây bò khai để nhân giống bảo tồn; trồng bổ sung 368 cây bản địa và 41 cây lưu niệm cho các vận động viên đoạt giải Quang Binh Marathon Discovery 2021; hoàn thiện điều tra bổ sung các loài cây gỗ quý, hiếm tại Vườn Thực vật từ năm 2016 đến năm 2020...

Hình ảnh về đêm kỳ vĩ, tráng lệ trong lòng hang Hổ.Hình ảnh về đêm kỳ vĩ, tráng lệ trong lòng hang Hổ.

Nối nhịp cầu “trả nợ” rừng xanh

Khi nghe Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Hoài Nam và các cán bộ, lãnh đạo Sở này phấn khởi chia sẻ về những chuyến đi thực tế tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có các hành trình chinh phục những hang động như Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, hang Hổ, Én, hang Pygmy…

Chúng tôi đã hiểu sự thành công của các đơn vị đang khai thác sản phẩm du lịch tại Di sản thế giới này như Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, Oxalis, Jungle Boss… Thành công của họ đồng nghĩa với việc tạo dựng được một thương hiệu du lịch đang phát triển rất bền vững của Quảng Bình nói chung và du lịch mạo hiểm khám phá hang động tại Phong Nha nói riêng.

Các tour mạo hiểm khám phá vào những hang động nổi tiếng, độc đáo có một không hai tại Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, mỗi chuyến đi chỉ tối đa 10 du khách cùng 30 người gồm các chuyên gia hang động, hướng dẫn viên, porter (người khuân vác hàng nhu yếu phẩm, hành lý) và nhân viên phục vụ.

Porter là công việc đem lại nhiều niềm vui, đam mê và cuộc sống ổn định cho nhiều thanh niên trẻ ở Phong Nha.

Porter là công việc đem lại nhiều niềm vui, đam mê và cuộc sống ổn định cho nhiều thanh niên trẻ ở Phong Nha.

Để tham gia thám hiểm các hang động này, ngoài kinh phí, yêu cầu sức khỏe,du khách cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định an toàn và cách thức ứng xử với thiên nhiên trong lòng Di sản. Hành trình khám phá các hang động đều rất dài và hiểm trở, nhưng tất cả các vật dụng cần thiết đều có đủ để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình chia sẻ: “Chúng tôi gọi đó là “sợi chỉ đỏ” mà tất cả doanh nghiệp, du khách tham gia các tour khám phá hang động cần tuân thủ để hạn chế tối đa sự tác động của con người đối với thiên nhiên.

Chúng ta cần phải xem hệ thống hang động ở Phong Nha là những “di sản sống” cần được tôn trọng và có thời gian phục hồi sau khi khai thác. Do đó, mỗi năm các hang động chỉ được phép đón khách với số lượng giới hạn và tạm dừng khai thác trong 3 – 4 tháng để hang động có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục”.

Nhưng đưa vào thứ gì thì cũng phải mang ra khỏi rừng, khỏi hang động thứ ấy, không để sót lại dù chỉ là một mẫu giấy nhỏ. Ngay cả nhà vệ sinh di động trong hang động cũng được sử dụng với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhất.

Để tránh ảnh hưởng đến quá trình kiến tạo không ngừng của hang động, điểm cắm trại cũng được lựa chọn, cân nhắc kỹ. Lối đi của du khách trong hang cũng được giới hạn bởi những sợi dây màu đỏ, vết đánh dấu để tuyệt đối không ai bước chân ra ngoài ranh giới.

10 năm trước, việc hoạch định sinh kế cho người dân khu vực Phong Nha và các vùng đệm của Di sản Thiên nhiên thế giới này thực sự là bài toán nan giải cho chính quyền các cấp.Cuộc sống của bà con, ngoài làm nông, trồng trọt, thì còn “đi rừng”...

Công tác bảo vệ rừng rất khó khăn vì một số người dân vào rừng để khai thác lâm sản trái phép. Không ít người vì gánh nặng mưu sinh đã “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và vướng vào vòng lao lý.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng trò chuyện với bà con bản Đoòng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng trò chuyện với bà con bản Đoòng.

Khoảng 7 năm trở lại đây, khi du lịch phát triển ở Phong Nha – Kẻ Bàng, các đơn vị khai thác ra đời đã kéo theo gần 900 lao động có việc làm ổn định. Phần nhiều lao động tham gia các công việc, như: hướng dẫn viên, lễ tân hay phụ trách buồng, bàn, bếp... Trong đó, những porter vừa làm du lịch vừa bảo vệ rừng, nên tình trạng phá rừng trên địa bàn hiện đã cơ bản được hạn chế!”

Hiện các đơn vị khai thác du lịch nơi vùng Di sản này đều “đóng định” với định hướng phát triển kinhdoanh hướng đến việc bảo tồn tài nguyên rừng gián tiếp bằng cách sử dụng lao động địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định nuôi sống gia đình họ.

Từ đó, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng Phong Nha – Kẻ Bàng và nguồn thuế thu từ du lịch cũng chính là một phần kinh phí để chi trả cho công tác bảo vệ rừng. Đa phần trong số họ, xưa là những sơn tràng khỏe nhất, bẫy thú, cưa gỗ, phá rừng. Nay cũng vào rừng, nhưng họ rũ bỏ “tấm áo lâm tặc”, quay lại như để “trả nợ” rừng.

Nốt nhạc vui giữa lòng Di sản

Nằm biệt lập giữa vùng lõi VQG Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, bản Đoòng đã đi qua một hành trình dài với nhiều nhọc nhằn, vất vả. Thủy chung gắn bó với vùng đất mà họ đã lựa chọn an cư từ khi chỉ có 5 hộ gia đình với vài chục nhân khẩu, sống cuộc đời tự cung tự cấp, sau 3 thập kỷ, bản Đoòng giờ như một nốt nhạc vui giữa núi rừng.

Trong chuyến kiểm tra thực tế vừa qua, đây là một điểm đến của đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu. Chứng kiến những đổi thay của đời sống bà con, ông Thắng đã không giấu được niềm vui bởi “Bản Đoòng nay khang trang, trường lớp đẹp và đã thành lập được Chi bộ Đảng!”. Cuộc trò chuyện bên bìa rừng giữa Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng bản Nguyễn Soái Trắc sôi nổi bởi những đổi thay của bản Đoòng.

Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình thăm và tặng quà cho bà con bản Đoòng.Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình thăm và tặng quà cho bà con bản Đoòng.

Vẫn thủy chung gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng, nhưng cư dân bản Đoòng giờ vững lòng hơn khi được Nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ 800ha rừng. “Nuôi rừng để rừng nuôi”, nguồn thu nhập mang lại từ việc giữ gìn màu xanh của rừng đã nâng cao đời sống người dân, là sinh kế bền vững của cư dân bản này.

Du lịch phát triển, bản Đoòng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Bản vẫn duy trì bản sắc văn hóa riêng biệt và còn nhiều cái “không”, nhưng sự kết nối với thế giới đã gần hơn nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng những tấm lòng hảo tâm và trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên.

Công ty du lịch Oxalis là doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong sự đổi thay của bản Đoòng. Thông qua lời kêu gọi của Oxalis, điểm trường khang trang đã được hoàn thành vào tháng 4/2021 với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Con em dân bản yên tâm học chữ, bà con có nơi trú ẩn trong mùa mưa lũ.

Đón Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên đoàn công tác thăm trường mới, niềm vui tỏa rạng trên gương mặt thầy giáo Hoàng Văn Sáu, người gắn bó với bản Đoòng hơn 10 năm nay. Thầy Sáu chia sẻ, đây là lần đầu tiên bản được đón lãnh đạo tỉnh về thăm. Sự quan tâm của tỉnh là nguồn động viên thầy trò và dân bản cố gắng nhiều hơn nữa để bản ngày càng ấm no, học sinh học cao hơn để sau này tiếp nối hành trình xây dựng bản Đoòng phát triển.

Phong Nha - Kẻ Bàng, với lịch sử hàng triệu năm hình thành, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn cần khám phá. Bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, các thế hệ hôm nay đã và đang viết tiếp những câu chuyện đẹp để phát huy, gìn giữ di sản cho hôm nay và mai sau!

“Cùng với việc tạo sinh kế bền vững cho bà con bản Đoòng nói riêng, người dân khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nói chung, các doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản phải có trách nhiệm với cộng đồng. Không thể để người dân sống trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới mà phải chịu đói nghèo!” - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng.

Đọc thêm