Vướng mắc tại dự án thủy điện Cam Ly (Lâm Đồng): UBND tỉnh đề nghị doanh nghiệp và Sở Kế hoạch và Đầu tư bàn cách giải quyết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều ngày (22/4), tại buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và một số DN trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Dũng (đại diện Cty Việt Hưng, chủ đầu tư (CĐT) dự án nhà máy thủy điện Cam Ly) nêu một số khó khăn, chậm trễ trong thủ tục chuyển nhượng dự án Cam Ly.
Dự án Nhà máy thủy điện Cam Ly đang được thi công. (Ảnh: Mai Long)
Dự án Nhà máy thủy điện Cam Ly đang được thi công. (Ảnh: Mai Long)

Tại cuộc gặp, Sở KH&ĐT cho biết đã gửi báo cáo UBND tỉnh ngày 17/4. Ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở cho biết hồ sơ chuyển nhượng có nhiều nội dung nên cần thẩm tra kỹ lưỡng, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ trễ hạn và Sở KH&ĐT xin lỗi DN.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với báo cáo của Sở, thì UBND tỉnh đang xem xét, chưa có ý kiến. Trường hợp DN nhận thấy Sở KH&ĐT lập luận chưa phù hợp thì cần làm việc trực tiếp với Sở để bàn cách giải quyết.

Sở KH&ĐT 2 lần báo cáo, đưa ra 2 quan điểm

Vướng mắc tại dự án này có những vấn đề pháp lý khá thú vị. Trước đó, như PLVN đã đưa tin, dự án từng gặp vướng mắc về thủ tục cấp phép xây dựng, và đã được UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ. Nhưng sau đó dự án lại đối diện nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc trong chuyển nhượng, thay đổi CĐT.

Dự án nằm tại phường 5, 7 và xã Tà Nung (TP Đà Lạt) quy mô 9,6MW, ban đầu tổng diện tích đất thực hiện 24,86ha; tổng vốn 306 tỷ đồng; do Cty CP Xây dựng số 1 Việt Hưng (trụ sở TP HCM) là CĐT. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2019, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư 2023. Thời gian thực hiện dự kiến đến quý II/2024.

Quá trình triển khai dự án, CĐT gặp một số khó khăn nên cuối 2023 đề nghị chuyển đổi CĐT thực hiện dự án cho Cty TNHH Thủy điện Cam Ly (trụ sở Lâm Đồng). Qua rà soát quy định, các sở, ngành cho rằng việc chuyển đổi NĐT như trên thuộc trường hợp chuyển nhượng dự án, hướng dẫn các bên thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo Luật Đầu tư 2020.

Ngày 7/12/2023, tại Văn bản 2836/KHĐT-KTN Sở KH&ĐT gửi UBND tỉnh do Phó Giám đốc Bùi Văn Lâm ký, nêu quan điểm: “Đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Cty Việt Hưng chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu tư sang cho Cty Thủy điện Cam Ly theo Điều 46 Luật Đầu tư 2020”.

Trong các nội dung thống nhất tại cuộc họp giữa các sở, ngành cũng nêu rõ: “Cty Việt Hưng và Cty TNHH Thủy điện Cam Ly là 2 pháp nhân khác nhau, là Cty trong nước, không phải DN nhà nước. Dự án là nhà máy thủy điện hiện đang còn hiệu lực, không phải dự án nhà ở, bất động sản và chưa được cơ quan thẩm quyền cho thuê đất. Căn cứ Điều 46 Luật Đầu tư, dự án thuộc trường hợp chuyển nhượng dự án, bảo đảm bảo đủ điều kiện chuyển nhượng”.

Tháng 1/2024, Cty Việt Hưng tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thay đổi NĐT, chuyển nhượng dự án theo hướng dẫn của Sở KH&ĐT.

Ngày 17/4/2024, Sở KH&ĐT có báo cáo thứ 2 gửi UBND tỉnh về kết quả thẩm định đề nghị trên. Tuy nhiên khác với lần trước, trong văn bản này, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh không xem xét cho chuyển nhượng dự án, điều chỉnh thay đổi NĐT, vì không đáp ứng điểm c, đ, khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư 1834/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 của tỉnh.

Theo Sở KH&ĐT, dự án có sử dụng đất (SDĐ), có đề nghị Nhà nước giao, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, thực hiện trên đất phải bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), có đề nghị cho phép chuyển mục đích SDĐ; nên khi chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện tại Luật Đất đai. Cty Việt Hưng chưa hoàn thành thủ tục đất đai, chưa đầu tư xây dựng hạng mục công trình, chưa có tài sản trên đất, nên không đáp ứng điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật về đất đai theo điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Đầu tư.

Sở KH&ĐT cũng cho rằng Cty Việt Hưng chậm 12 tháng so với tiến độ cam kết về hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, hoàn thành đền bù GPMB, thủ tục thuê đất… nên chưa thực hiện đúng tiến độ đầu tư đã cam kết; vi phạm văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; theo điểm đ khoản 1 Điều 46.

Doanh nghiệp cho rằng gặp phải một số khó khăn bất khả kháng

Về phía DN, ông Phạm Dũng, Giám đốc Cty TNHH Thủy điện Cam Ly, là người được Cty Việt Hưng uỷ quyền thực hiện các thủ tục liên quan dự án, lại có quan điểm khác.

Theo ông Dũng, về tiến độ, dự án được cấp chủ trương đầu tư cuối 2019, ngay sau đó bùng phát đại dịch Covid-19. Đến 2021, khi dịch bệnh được khống chế, CĐT bắt tay triển khai dự án thì gặp vướng mắc đất rừng nên tỉnh phải họp bàn, chuyển sang phương án dùng đường hầm dẫn nước tránh tác động đến rừng. Tiếp đó, khi khảo sát, tạm lập phương án đền bù GPMB thì ước tính tổng chi phí đền bù GPMB lên tới 250 tỷ đồng, tăng 10 lần so với tính toán ban đầu (trong khi tổng mức đầu tư dự án chỉ hơn 306 tỷ).

Đến 2023, CĐT thay đổi thiết kế nâng công suất nhà máy lên 12MW, đồng thời thu hẹp diện tích đất từ 24,86 xuống còn gần 10ha thì mới khả thi và bắt đầu thi công. Ông Dũng khẳng định, tới nay dự án đã hoàn thành hơn 20% tiến độ, dự kiến quý IV năm 2025 sẽ phát điện.

Theo ông Dũng, vì những lý do trên nên dự án được gia hạn tiến độ 12 tháng, đến hết quý II/2024 và chưa bị xử phạt; nên không thể nói dự án chậm tiến độ.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) đồng quan điểm, nhận định vì DN gặp những tình huống bất khả kháng như nêu trên và thực tế đã được gia hạn, nên không thể quy kết DN “chưa thực hiện đúng tiến độ đầu tư đã cam kết; vi phạm quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

LS Trâm cho rằng, một số quan điểm của Sở KH&ĐT đưa ra cũng cần xem xét lại. “Luật chỉ quy định nếu dự án chuyển nhượng có đất và tài sản trên đất thì phải bảo đảm pháp luật về đất đai. Nếu Sở cho rằng có quy định dự án khi chuyển nhượng phải thực hiện bao nhiêu %, dự án khi chuyển nhượng phải có tài sản trên đất, thì cần nêu rõ đó là điều, khoản, luật nào. Ngoài đất đai, tài sản trên đất thì giá trị của một dự án còn gồm nhiều yếu tố như: Giá trị ý tưởng, chi phí thuê tư vấn thiết kế, khảo sát địa chất địa hình, đo đạc lên phương án đền bù GPMB, chi phí thi công…”, LS Trâm nói.

Đánh giá chung về sự việc, LS Trâm nói: “Tôi cho rằng có thể do các bên chưa cung cấp và tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, mới dẫn đến vướng mắc trên. Với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các địa phương là tạo điều kiện tối đa cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh, tôi tin rằng sự việc sẽ sớm được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng quy định pháp luật”.

Đọc thêm