Lãi suất chậm THA được tính theo từng loại việc như sau: Kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp chủ động thi hành) và từ ngày có đơn yêu cầu THA (trường hợp thi hành theo đơn yêu cầu) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải THA còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải THA theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa THA.
Từ tháng 1/2017 trở đi (BLDS năm 2015 có hiệu lực), cách xác định thời điểm và cách tính lãi phát sinh do chậm THA được căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 357 BLDS năm 2015. Theo đó, người chậm trả nợ theo bản án phải trả lãi theo lãi suất do các bên thỏa thuận, có thể từ 0 - 20%/năm; nếu các bên không thỏa thuận được, thì lãi suất chậm trả sẽ được tính là 10%/năm.
Ngoài ra, còn áp dụng một số quy định liên quan tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997, Công văn số 165/KHXX ngày 18/10/2007 của TAND Tối cao và Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam.
Cùng với đó, Án lệ số 08/2016/AL cũng xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm được công bố và áp dụng trong xét xử. Theo đó: “Đối với các khoản tiền vay của tổ chức Ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.
Tuy nhiên, khi các bên tham gia quan hệ hợp đồng có tranh chấp khởi kiện được Tòa án án giải quyết thì bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đã chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên; khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thì giữa các bên đã hình thành quan hệ mới, đó là quan hệ THA.
Vì vậy, quy định của Thông tư liên tịch số 01/TTLT “kể từ ngày khi giao dịch cho đến khi THA xong” cũng như Án lệ số 08/2016/AL “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này” đều chưa thực sự phù hợp với quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 357 BLDS 2015) và quy định về thời hiệu yêu cầu THA (khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 30 Luật THADS).
Bởi lẽ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì người được THA phải làm đơn THA và khi người được THA có đơn yêu cầu THA mà người phải THA không THA, lúc này mới phát sinh trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ THA đối với người phải THA.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người được THA, tránh tình trạng người phải THA chây ì, cần tiếp thu những yếu tố hợp lý của của Thông tư liên tịch số 01-TT/LT và Án lệ 08/2016/AL để hướng dẫn việc xác định trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ của người THA trong vụ án tranh chấp dân sự nói chung và hợp đồng tín dụng nói riêng cho phù hợp với quy định tại Điều 357 của BLDS năm 2015 và khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 30 Luật THADS.
Theo đó, cần hướng dẫn trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ THA của người phải THA được xác định kể từ khi người được THA có đơn yêu cầu THA cho đến khi THA xong, hàng tháng bên phải THA còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải THA tương ứng với thời gian chưa THA theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của BLDS năm 2015.