Đã thẩm định 69 dự án, dự thảo
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế nội bộ đến tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiện toàn tổ chức, cán bộ các đơn vị xây dựng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định… Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015), ngoài việc thẩm định các dự án trình Quốc hội, UBTVQH, Bộ còn có trách nhiệm thẩm định các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định và thẩm định dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên khối lượng văn bản phải thẩm định là tương đối lớn.
Còn tính riêng các dự án trình Quốc hội, UBTVQH thì từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, Bộ đã thẩm định 69 dự án, dự thảo. Nhìn chung, hồ sơ các dự án đã được các bộ, cơ quan ngang bộ nghiêm túc chuẩn bị, các tài liệu đảm bảo đầy đủ, chất lượng từng bước được nâng cao. Thời gian trung bình hoàn thành việc thẩm định là 15 ngày, cá biệt có một số dự án đã rút ngắn thời gian thẩm định chỉ còn 2 – 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hồ sơ một số dự án, dự thảo gửi Bộ thẩm định còn chậm; một số hồ sơ gửi thẩm định nhưng các tài liệu bắt buộc chưa đầy đủ; có trường hợp yêu cầu gấp về tiến độ song cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ gửi công văn đề nghị thẩm định mà không có hồ sơ kèm theo hoặc gửi hồ sơ thẩm định nhưng thành phần chưa đầy đủ… Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể vể nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành do không có đầy đủ thông tin từ hồ sơ dự án. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với một số dự án, dự thảo cũng chưa được đầy đủ…
Cần hoàn thiện các quy định về thẩm định
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngoài các kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, UBTVQH, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Tư pháp cũng sẽ tập trung một số giải pháp. Chẳng hạn, tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng thẩm định; có cơ chế thu hút hơn nữa sự tham gia của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý vào quá trình thẩm định; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và thẩm định dự án, dự thảo văn bản…
Đại diện các bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn chỉnh báo cáo về công tác thẩm định. Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ rất quan trọng của Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng các dự án mà Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo. Đặc biệt là có những dự án được giao rất gấp nhưng vẫn kịp thời trình Quốc hội, UBTVQH là Luật Công an nhân dân, Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử. Đối với một số hạn chế được Bộ Tư pháp nêu ra, ông Khánh cho rằng cần đánh giá thêm về nguyên nhân khách quan như có dự án thực hiện theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ nên thời gian vật chất để chuẩn bị không nhiều.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ lưu ý, ngoài báo cáo của Bộ Tư pháp sẽ có 5 báo cáo của các cơ quan khác như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… nên cần làm sao để có thể có được những giải pháp tổng thể góp phần nâng cao chất lượng thẩm định và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thẩm định, ông Thọ quan niệm cần kiến nghị mạnh mẽ các giải pháp như sửa đổi các quy định liên quan trong Luật năm 2015; tăng cường hiệu quả tham gia của các cơ quan của Quốc hội trong các phiên họp thẩm định; huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia…
Trân trọng ghi nhận và tán thành với nhiều ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh báo cáo về công tác thẩm định. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng đánh giá đầy đủ các kết quả đạt được, các điểm yếu với những minh họa cụ thể; làm rõ hơn giá trị pháp lý của văn bản thẩm định, mối quan hệ giữa văn bản thẩm định với tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, sẽ làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thẩm định – là một kênh độc lập để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thêm thông tin trước khi quyết định… Đặc biệt, Thứ trưởng nhất trí phải có giải pháp hoàn thiện thể chế, trong đó hàng đầu là kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015.