Vương quốc Bhutan lập kỷ lục tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 90% dân số chỉ trong 1 tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm 27/7 cho biết, Vương quốc nhỏ bé Bhutan trên dãy Himalaya đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho 90% dân số trưởng thành đủ điều kiện chỉ trong 1 tuần - một kỳ tích được coi là "câu chuyện thành công" và là "tia sáng hy vọng" cho các quốc gia khác tại Châu Á.
Vương quốc Bhutan lập kỷ lục tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 90% dân số chỉ trong 1 tuần

Chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất

Vương quốc Nam Á nhỏ bé này chỉ vỏn vẹn với 770.000 dân nằm nép mình trên dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Độ cao lớn, những ngôi làng trên núi hẻo lánh, những người chăn nuôi du mục và thời tiết khắc nghiệt đã đặt ra những thách thức đặc biệt đối với các nhân viên y tế trong việc cung cấp vắc-xin trên khắp đất nước.

Chiến dịch triển khai tiêm liều thứ hai, bắt đầu vào ngày 20/7, sau nhiều tháng chuẩn bị, bao gồm thiết lập các cơ sở lưu trữ lạnh ở các nơi y tế khó tiếp cận, triển khai máy bay trực thăng để đưa vắc xin đến những địa điểm xa, và tổ chức đội tình nguyện phân phát vắc xin theo đường bộ trên núi.

Tính đến ngày 27/7, khoảng 480.000 người đã được tiêm chủng trong tổng số 530.000 người đủ điều kiện. Will Parks - đại diện của UNICEF tại Bhutan - cho biết đây là "chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất được thực hiện trong thời kỳ đại dịch."

Một người dân làng Sakteng ở huyện Trashigang, phía đông Bhutan, được tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ hai tại trung tâm y tế của cộng đồng.

Một người dân làng Sakteng ở huyện Trashigang, phía đông Bhutan, được tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ hai tại trung tâm y tế của cộng đồng.

Bhutan đã tiêm khoảng 500.000 liều vắc xin AstraZeneca, do Ấn Độ tài trợ, trong chiến dịch vắc xin đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4. Nhưng khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vắc-xin bởi làn sóng Covid do biến thể Delta thúc đẩy, Bhutan bắt đầu tìm kiếm từ những nguồn khác. Sau đó, Bhutan đã nhận được 500.000 liều Moderna từ Mỹ thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX, 250.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch và 50.000 liều Sinopharm do Trung Quốc tặng, cùng với hơn 100.000 liều AstraZeneca từ Croatia, Bulgaria và một số quốc gia khác.

Kỳ tích hậu cần

Will Parks - đại diện của UNICEF tại Bhutan - cho biết: “Tất cả công dân Bhutan trên 18 tuổi đều đủ điều kiện tiêm vắc xin. Ngoài ra, hơn 2.000 trẻ em trong độ tuổi 12-17 ở hai huyện giáp biên giới với Ấn Độ đã được tiêm chủng trong đợt gần đây nhất bằng vắc xin Pfizer.”

Chính phủ nước này cũng đã mua 200.000 liều vắc xin Pfizer, dự kiến sẽ được tiêm cho trẻ em vào cuối năm nay.

Nhưng thu xếp được đủ vắc xin là một việc, đảm bảo số vắc xin đó được phân phối an toàn cho người dân là một kỳ công. Bhutan đã tổ chức đội ngũ hậu cần với hơn 2.400 nhân viên y tế và 22.000 tình nguyện viên đi khắp các nơi triển khai tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm.

Các tình nguyện viên phải nhận vắc xin từ trực thăng và băng qua địa hình khó khăn đến các điểm tiêm vắc xin xa xôi, trong trạng thái đảm bảo các liều vắc xin vẫn được bảo quản an toàn ở nhiệt độ chính xác.

Trực thăng phân phối vaccine đến những vùng núi xa xôi của Bhutan.

Trực thăng phân phối vaccine đến những vùng núi xa xôi của Bhutan.

Thành công ban đầu của Bhutan

Vương quốc Bhutan được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, căn cứ trên chỉ số đo lường mức sống, sự phát triển, giáo dục và quản trị.

Vương quốc này cũng đã trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trong việc chống lại Covid, nhờ lên kế hoạch sớm và phản ứng nhanh chóng, bao gồm việc đóng cửa biên giới, xét nghiệm rộng rãi, truy vết và giãn cách xã hội, cùng với các biện pháp kiểm dịch và phong tỏa chặt chẽ. Vì chỉ có hơn 300 bác sĩ trước đại dịch, Bhutan đã nhanh chóng đào tạo hàng nghìn nhân viên y tế và thực hiện kế hoạch ứng phó Covid cấp quốc gia.

Đến nay, quốc gia này đã ghi nhận 2.489 trường hợp nhiễm COVID-19 và 2 trường hợp tử vong.

Hình ảnh Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan tại Mongar Dzong chụp ngày 15/4.

Hình ảnh Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của Bhutan tại Mongar Dzong chụp ngày 15/4.

Các chuyên gia y tế cho biết, quyết tâm chính trị đã quyết định sự thành công trong phòng chống đại dịch của nước này. Thủ tướng Lotay Tshering là người ủng hộ tiêm vắc xin và thường đăng video trên phương tiện truyền thông xã hội để trả lời các câu hỏi của công chúng và giải thích về vắc xin cũng như cách thức phòng chống COVID-19.

Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck cũng đã đóng một vai trò tích cực trong phòng chống đại dịch. Vị quốc vương 41 tuổi này đã đi khắp đất nước, đi bộ tới các làng mạc xa xôi để cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của đại dịch và nâng cao nhận thức về vắc xin.

Đọc thêm