Vướng trần nợ công: Hàng loạt dự án ODA ngành nông nghiệp sẽ có tiến độ “rùa bò”?

(PLO) - Hàng loạt dự án của ngành nông nghiệp sử dụng vốn ODA đứng trước nguy cơ không kết thúc đúng thời hạn đã ký kết do giữa kế hoạch vốn trung hạn với các Hiệp định đã ký bị “vênh” nhau hàng ngàn tỷ đồng. 
Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA buộc phải giãn tiến độ để cân đối khả năng trả nợ

Bố trí thấp hơn hàng ngàn tỷ đồng

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay có 24 chương trình, dự án ODA đang được Bộ này thực hiện. Ngoài 2 dự án “Tăng cường quản lý thủy lợi và cải tạo các hệ thống thủy nông; dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” hoàn thành năm 2016, vẫn còn 7 dự án dự kiến hoàn thành năm 2017 và 15 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2017.

Cục Quản lý Xây dựng Công trình (QL XDCT) của Bộ này xác nhận: 24 dự án lớn nhưng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vốn kế hoạch năm 2017 cho các dự án ODA của ngành chỉ được bố trí là 5.066 tỷ đồng. Dù ít nhưng đến thời điểm cuối tháng 6, Bộ NN&PTNT đã giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án.

Nguồn vốn đang là khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai các công trình sử dụng nguồn vốn ODA của ngành nông nghiệp hiện nay. Theo đó, kế hoạch vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 vừa mới được Bộ KH&ĐT thông báo chỉ là 37,9 ngàn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu theo các Hiệp định đã ký (44,6 ngàn tỷ đồng). 

Cục QL XDCT cho rằng, sự không phù hợp giữa kế hoạch vốn trung hạn và Hiệp định đã ký, giữa kế hoạch hàng năm với tiến độ thực hiện của các dự án khiến hàng loạt dự án có nguy cơ sẽ không kết thúc theo đúng thời hạn đã ký kết. Ngoài ra, vốn đối ứng của các địa phương bố trí vừa chậm, vừa thiếu cũng đang là khó khăn đẩy dự án ODA vào tình thế giải ngân chậm, không có mặt bằng để thi công. 

Riêng với dự án Ô (là dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản thực hiện chức năng điều phối chung -PV), việc giải ngân cũng diễn ra hết sức chậm chạp. Theo Cục QL XDCT, đến nay Bộ KH&ĐT mới chỉ khơi thông phần vốn triển khai các tiểu dự án, hạng mục ở các địa phương cho 10 dự án Ô của Bộ NN&PTNT quản lý, còn lại 4 dự án Ô vẫn chưa giao thẳng vốn cho địa phương theo quy định của Luật Ngân sách. Như vậy, hầu hết các dự án Ô đang lâm vào tình cảnh phải bắt đầu từ đầu tháng 6/2017 mới có kế hoạch vốn để tiến hành các thủ tục giải ngân.

Lo không trả được nợ

Về độ “vênh” giữa kế hoạch vốn trung hạn với các Hiệp định đã ký, trao đổi với Báo PLVN, ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Cục QL XDCT, Bộ NN&PTNT giải thích: Trước kia, các dự án ODA thực hiện theo Hiệp định, tiền có sẵn trong tài khoản nên Hiệp định ký bao nhiêu thì giải ngân bấy nhiêu.

“Nhưng bây giờ Quốc hội phải cân đối sử dụng vốn ODA với việc trả nợ hàng năm. Phải xây dựng kế hoạch trung hạn của ODA chứ không phải làm theo tiến độ Hiệp định nữa. Vì thế mà phải căn cơ bằng cách công trình nào mà hết Hiệp định thì phải tập trung làm, công trình nào còn Hiệp định thì giãn ra”, ông Nghị cho hay.

Ông Nghị nói, lâu nay chúng ta quen với việc sau khi ký Hiệp định thì xây cho được một tiến độ để thực hiện. Nhưng giờ vướng trần nợ công thì việc phải cân đối nguồn thu quốc gia, cân đối việc trả nợ là phù hợp: “Trước kia trần nợ công thấp thì chúng ta hối thúc nhau giải ngân vốn ODA nhưng đến lúc này thì không thể hối thúc nữa mà phải căn cứ vào khả năng trả nợ được như thế nào thì ta vay như thế, bởi không cân đối thì việc trả nợ sẽ rất lớn”. 

Theo Cục QL XDCT, để các dự án ODA triển khai được, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ bố trí vốn theo Hiệp định là 3.617 tỷ đồng để các dự án hoàn thành theo đúng thời hạn đã ký kết. Trước mắt, sẽ tập trung nguồn vốn được giao để thực hiện các chương trình, dự án hoàn thành trước năm 2020, không đầu tư phân tán, dàn trải, dở dang, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ODA. 

Bộ NN&PTNT cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng chưa phân bổ để bổ sung phần vốn còn thiếu, đồng thời, xem xét giãn tiến độ những dự án hoàn thành sau năm 2020.  

Ngoài ra, để các dự án ODA khơi thông và không đắp chiếu vì “đói” vốn, Cục QL XDCT cho rằng các địa phương cũng nên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, với những dự án ODA mới, Cục QL XDCT đề nghị nên cho phép đối ứng theo hạng mục, không đối ứng theo tỷ lệ vốn góp. 

Đọc thêm