Vướng vòng lao lý vì… sản xuất ca nô vật liệu mới?

(PLO) - Vụ án chìm tàu Cần Giờ làm 9 người chết vào đầu tháng 8/2013 đã trôi qua gần 2 năm, nhưng 2 bị can Vũ Văn Đảo (45 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, trụ sở tại TP Vũng Tàu) và Đinh Văn Quyết (43 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina) vẫn liên tục cho rằng mình bị oan, không phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” như đã bị truy tố.
Một chiếc tàu làm bằng vật liệu mới
Một chiếc tàu làm bằng vật liệu mới

Rắc rối tàu thuyền “vật liệu mới”

Bạn đọc hẳn còn nhớ vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào đầu tháng 8/2013, khi một nhà máy tổ chức cho nhân viên đi Vũng Tàu chơi. Nhà máy liên hệ với ông Quyết thông báo chương trình, số lượng người tham gia. Vụ việc được ông Quyết báo cáo ông Đảo.
Chiều 2/8/2013, tàu đón người ở Tiền Giang chạy về hướng Vũng Tàu. Đến khoảng 19h, khi đi ngang vùng biển thuộc xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM), tàu BP 12-04-02 chở 30 người bị chìm khiến 9 người tử vong. Nguyên nhân được xác định do tàu này chở quá số lượng người cho phép (dư 18 người), hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp.
Ngay sau tai nạn, Bộ GTVT thành lập tổ điều tra đặc biệt, kết luận công ty do ông Đảo làm chủ là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm trong vụ chìm tàu vì đã tự ý cho mượn tàu đi chở khách dù đây là tàu của bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó tổ điều tra chuyển hồ sơ sang Công an TP.HCM thụ lý.
Bản kết luận điều tra (KLĐT) của công an cho rằng mặc dù chưa được phép sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ và vật liệu mới Polypropylene Copolymer (PPC) nhưng ông Đảo vẫn sản xuất, bán và sử dụng tàu thuyền gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
CQĐT cũng cho rằng Cục đăng kiểm chưa đăng kiểm cho tàu sản xuất bằng PPC; Khi bán tàu cho bộ đội, ông Đảo cố tình ghi sai vật liệu thân tàu là FRP - nhựa gia cường sợi thủy tinh để được đăng kiểm tại phòng đăng kiểm hải quân (đại diện phía nam, thuộc Bộ tư lệnh hải quân),
Phản bác nội dung trên, ông Đảo cho rằng truy tố như vậy là khiên cưỡng. Dự án sản xuất tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu mới được Bộ khoa học công nghệ (KHCN) xác nhận là dự án được khuyến khích đầu tư và có văn bản xác nhận. Cơ quan chức năng tỉnh cũng đã cấp giấy đăng ký kinh doanh cho công ty, trong đó có ngành nghề sản xuất tàu thuyền. Sở cũng đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sản xuất tàu thuyền, tàu thuyền PPC từng được tặng cúp vàng tại Hội chợ công nghệ thiết bị quốc tế 2012 nên không thể nói là công ty “tự ý sản xuất”.
Bị can phản bác: “Cục đăng kiểm cho rằng chưa có tiêu chuẩn và quy phạm nên chưa thể đăng kiểm tàu thuyền PPC cho doanh nghiệp là thiếu trách nhiệm. Cục đăng kiểm không phải là cơ quan duy nhất tại Việt Nam có chức năng này. Chiếc tàu bị nạn là của lực lượng vũ trang, thẩm quyền đăng kiểm thuộc về Phòng đăng kiểm tàu trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân và đã được đơn vị này đăng kiểm”.
Cũng theo ông Đảo, trong hợp đồng bán tàu cho bộ đội, công ty ghi đúng tên vật liệu PPC. Còn giấy đăng kiểm có ghi sai tên vật liệu ông không rõ và việc ghi sai này không gây ảnh hưởng đến chất lượng tàu. “Các tàu về sau bán cho Biên phòng Bình Thuận, Vùng 2 Hải quân, Cảnh sát biển trên giấy đăng kiểm đều ghi đúng tên vật liệu PPC”, ông Đảo nói.
Truy tố oan sai?
Bị can tiếp tục trình bày, quyền cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thuỷ đảm bảo an toàn thuộc về chủ phương tiện hoặc cơ quan đăng kiểm. Ông chỉ là người sản xuất, không phải chịu trách nhiệm trong vụ này. 
Ông lập luận: “Tôi sản xuất tàu bán cho khách hàng. Còn tàu thuyền có đáp ứng yêu cầu kĩ thuật hay không để đưa vào sử dụng, lưu thông là do cơ quan đăng kiểm quyết định. Khi đã cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, có nghĩa phương tiện đã đủ điều kiện”.
Ông Đảo cho rằng mình không vi phạm quy định Điều 214 BLHS
 Ông Đảo cho rằng mình không vi phạm quy định Điều 214 BLHS
Sau khi bị khởi tố, hai bị can đã gửi đơn khiếu nại nhưng không được chấp nhận. Ngày 13/9/2014, các luật sư thuộc đoàn luật sư Bà Rịa Vũng Tàu có thư kiến nghị, việc khởi tố ông Đảo theo điều 214BLHS là sai và đề nghị VKS nghiên cứu kĩ. Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng có văn bản gửi các cơ quan tố tụng đề nghị xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn. Ông Đảo được cho tại ngoại và tiếp tục kêu oan.
Ngày 18/12/2014 vừa qua, tại phiên họp giám sát oan sai tại TP.HCM, Đoàn giám sát Quốc hội đã đưa vụ việc ra trước phiên họp. Đại diện Công an và VKSND TP đã “cam kết thận trọng xem xét trong quá trình tố tụng tại phiên toà”.
Về phía bị can, ông Đảo cho biết việc bị khởi tố “oan sai” không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động. Từ khi ông bị khởi tố, nhà máy đầu tư hàng chục tỷ đồng tạm thời phải đóng cửa, người lao động mất việc.
Ông nói: “Tai nạn giao thông là điều không ai muốn. Tôi đề nghị các cơ quan tố tụng cần hiểu và áp dụng đúng pháp luật. Tôi mong việc oan sai này sớm chấm dứt để dành thời gian phục hồi sản xuất”.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh toà hình sự TANDTC trình bày quan điểm về vụ việc: Điều 214 BLHS quy định “Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kĩ thuật phương tiện giao thông đường thuỷ mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện rõ ràng không đảm bảo an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản người khác”.
Bởi vậy, CQĐT phải xác định và kết luận tàu bị nạn làm 9 người chết do lỗi kĩ thuật hoặc do chất lượng tàu không đảm bảo. Tuy nhiên KLĐT và kết luận giám định không thể hiện điều đó. Quyền quản lý tàu bị nạn thuộc về bộ đội biên phòng. Chiếc tàu đã đăng kiểm, nên truy tố ông Đảo tội danh này là chưa xác đáng./.

Đọc thêm