Tuy nhiên, nhiều chứng cứ cho thấy chiếc tàu trong vụ án này không hề mất an toàn như quy kết của Cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS mà trái lại, nó đã được Bộ Tư lệnh Hải quân đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Lái tàu làm chết người, “sếp” bị truy tố
Tối 2/8/2013, khi đưa người ở Tiền Giang sang chơi từ khu du lịch Đảo Xanh, Vũng Tàu về Tiền Giang, ngang qua vùng biển huyện Cần Giờ thì ca nô BP12-04-02 do anh Phạm Duy Phúc điều khiển bị lật khiến anh Phúc và 8 người khác tử nạn.
Xác định đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nhưng do người điều khiển ca nô đã chết nên CQĐT Công an TP.HCM không khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Sau quá trình xem xét, CQĐT “chuyển hướng” khởi tố vụ án theo tội danh “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”; đồng thời khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Vũ Văn Đảo (SN 1968) Giám đốc Cty CP Công nghệ Việt Séc (Cty Việt Séc), Chủ tịch HĐQT Cty CP Vũng Tàu Marina (Cty Marina) và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Cty Marina.
Tại Cáo trạng mới đây, hai bị can này bị VKSND TP.HCM cáo buộc là “đã có hành vi điều động 3 tàu, trong đó có tàu BP 12-04-02 khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy đăng kiểm, sử dụng sai mục đích, chở quá số người cho phép, hành trình trong vùng có sóng vượt quá giới hạn cho phép,… không đảm bảo an toàn”. Ông Đảo có đơn phản đối và cho rằng mình không phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động, vì đây là tàu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cty Việt Séc chỉ là đơn vị thực hiện bảo dưỡng tàu mà thôi; hồ sơ vụ án cũng không có chứng cứ nào chứng minh hành vi “điều động này”.
Hơn nữa, theo một số chuyên gia pháp lý thì dù ông Đảo có điều động tàu thì CQĐT cũng phải chứng minh việc điều động này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn chìm tàu. Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải đều xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn thuộc về người điều khiển tàu. Đơn cử, báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do “sử dụng ca nô sai mục đích; chở số người gấp 2,5 lần cho phép; ca nô hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô không phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại 2 tốc độ cao…”. Hay như Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng: “Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02”; ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: Phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp”...
Đăng kiểm của Hải quân không có giá trị?
Liên quan đến việc truy tố hai bị can trên, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TANDTC và nhiều luật sư từng có văn bản kiến nghị trong đó nêu rõ, muốn xác định vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” thì việc đầu tiên và bắt buộc là phải kết luận tàu BP 12-04-02 bị tai nạn là do lỗi kỹ thuật hoặc do chất lượng con tàu không đảm bảo an toàn.
Thay vì phải tiến hành trưng cầu giám định để Hội đồng giám định kết luận rõ việc tàu chìm có xuất phát từ nguyên nhân chất lượng “rõ ràng không đảm bảo an toàn” hay không thì cả CQĐT lẫn VKS lại đưa ra nhận định: “Tàu BP12-04-02 chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp đăng kiểm”. Từ đó, hai cơ quan này coi đây là một trong những nguyên nhân đầu tiên của việc “không đảm bảo an toàn” để khởi tố, truy tố hai bị can về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo Điều 214 Bộ luật hính sự.
Thực tế, tàu BP12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân (Bộ Tư lệnh Hải quân) đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện. Việc đăng kiểm như trên là đúng quy định và tính đến thời điểm xảy ra tai nạn thì Giấy chứng nhận này vẫn có giá trị. Vậy tại sao CQĐT và VKS lại “đánh đố” bị can khi cứ bắt buộc tàu BP12-04-02 phải có đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong khi cơ quan này không có thẩm quyền đăng kiểm phương tiện của quân đội?
Một số chuyên gia pháp lý cho rằng, với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện như trên thì không thể quy kết ông Đảo, ông Quyết đã “biết một cách rõ ràng” rằng con tàu này không đảm bảo an toàn mà vẫn “cố ý điều động” đi chở người được.
Theo chúng tôi được biết, cùng với đơn kêu oan gửi đi nhiều cơ quan chức năng thì mới đây, ông Đảo cũng đã có đơn gửi đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị đưa vụ án này vào chương trình giám sát về tình hình áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự; việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự tại TP.HCM.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com