Vượt khủng hoảng COVID-19: Hơn 32% doanh nghiệp 'tiến bước' nhờ năng lực quản trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Báo cáo nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19 của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy doanh nghiệp cần phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

7 yếu tố giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) vừa tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp (DN) Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của DN trước khủng hoảng”.

Theo báo cáo của Cục Quản lý ĐKKD, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều DN buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Năm 2020 có 101.719 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Năm 2021 cũng là một trong những năm có số lượng DN rút lui khỏi thị trường cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do những khó khăn, thách thức dịch COVID-19 gây ra.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý ĐKKD, tính đến hết năm 2021, trên cả nước có khoảng 857.5512 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 13%3 so với năm 2019. “Những con số này cho thấy sự kiên cường của cộng đồng DN đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, quả cảm chiến đấu với dịch bệnh và biến khả năng ấy trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế” - ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD nhận định.

Cũng theo Cục trưởng Bùi Anh Tuấn, nghiên cứu này cho thấy rõ tầm quan trọng của hoạt động lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng và bài học kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng, DN cần phải nâng cao năng lực thích ứng với khủng hoảng như thế nào.

Kết quả nghiên cứu này cho biết DN đã ứng phó và vượt qua khủng hoảng nhờ 7 yếu tố quan trọng. Trong đó, 32,9% DN cho biết họ vượt qua khủng nhờ năng lực quản trị; 20,5% DN duy trì được khách hàng, phát triển được thị trường; 20% số DN cho rằng quy mô vốn giúp DN trụ vững; 18% DN cho rằng yếu tố ngành nghề kinh doanh; 17,6% DN cho rằng đó là khả năng huy động vốn; 14,9% DN cho rằng DN đã hoạt động lâu năm, đã trải qua nhiều khó khăn thì vượt khủng hoảng vừa rồi tốt hơn; Trong khi đó, chuyển đổi số là yếu tố thứ bảy giúp DN vượt qua khủng hoảng nhưng số này không nhiều, chỉ có 14,7% DN cho biết đã bắt kịp chuyển đổi số, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin nên đã vượt qua được khủng hoảng.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo ông Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực – Hiệp hội DNNVV Việt Nam, khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các DN thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Từ bài học của khủng hoảng COVID-19 vừa qua, các chuyên gia cho rằng DN cần phải đề cao hơn tầm quan trọng của việc gia tăng sức chống đỡ trước các hoàn cảnh bất lợi, rủi ro bất ngờ. Theo đó, mỗi DN cần xây dựng các kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của DN nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng sự chủ động của DN trong trường hợp khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra. “DN quản trị tốt là yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù chỉ chiếm 43% nhưng đây là yếu tố giúp cho DN phát triển bền vững” - ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD Bùi Anh Tuấn, vai trò chủ động của DN là quan trọng, DN cũng cần xem xét sâu rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tố vi mô như trước đây và càng cần phải có kế hoạch toàn diện nhằm giải quyết các tác động khủng hoảng theo các kịch bản khác nhau.

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển; Các cơ quan bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ DN, cải cách thực chất thủ tục hành chính; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh doanh mới, thị trường mới.

Đọc thêm